765 công ty về trí tuệ nhân tạo và máy học tại Việt Nam đã huy động được hơn 47,3 triệu đô la Mỹ đầu tư trong năm 2024 cho thấy tiềm năng của ngành này.
Toàn cảnh sự kiện AWS Global Generative Artificial Intelligence Accelerator (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Ngày 18/9 tại Hà Nội, Amazon Web Services (AWS), một công ty thuộc Amazon.com, tổ chức sự kiện toàn cầu mang tên AWS Global Generative Artificial Intelligence (AI) Accelerator.
Sự kiện nằm trong chương trình cùng tên, hướng tới cung cấp cho các startup, đặc biệt là những công ty trong giai đoạn đầu thuộc lĩnh vực AI tạo sinh (Generative AI - GenAI), khoản đầu tư trị giá 230 triệu USD.
Cùng với đó là các chương trình cố vấn và đào tạo để hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) dựa trên điện toán đám mây (cloud).
Trong chương trình được AWS công bố, có 2 startup Việt Nam, gồm AI Hay và Kompato AI, được lựa chọn trong tổng số 80 công ty trên toàn thế giới.
Đây đều là các startup hướng tới ứng dụng AI tạo sinh, nhằm xây dựng giải pháp đổi mới sáng tạo, cùng khát vọng tăng trưởng toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hồ Đức Thắng, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh vai trò của AI tạo sinh nói riêng, và AI nói chung trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ông cho rằng đây là yếu tố "cốt lõi" trong sự chuyển dịch mà Việt Nam đang hướng tới.
Trong đó, AI góp phần quan trọng trong việc cách mạng hóa, tối ưu hóa các chức năng, dịch vụ công, đưa người dân lên môi trường số một cách thuận tiện và an toàn.
"Tại Việt Nam, việc không ngừng tích hợp AI vào các dịch vụ công, trợ lý ảo... giúp Việt Nam mở khóa cơ hội và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân", ông Thắng cho biết.
"Đây cũng là công cụ góp phần tái cấu trúc lại nền tảng hạ tầng thông tin của Việt Nam, đưa đất nước hướng tới một tương lai số".
Ông Hồ Đức Thắng, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Cục trưởng Hồ Đức Thắng cũng đánh giá cao tầm quan trọng của điện toán đám mây trong thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Ông cho rằng, nhờ áp dụng hạ tầng đám mây, mà các doanh nghiệp, startup Việt Nam có khả năng tạo ra hệ thống với sự thích nghi cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ.
Trong đó, ưu thế kiến tạo do hạ tầng đám mây mang lại góp phần cho chính phủ Việt Nam trong việc thành lập các trung tâm dữ liệu, đảm bảo việc lưu trữ, quản lý, chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu... nhanh chóng, không gián đoạn, cho các cơ quan trong và ngoài nước.
Ông Trần Đức, CEO của AI Hay, cho biết, ông tự hào khi doanh nghiệp của mình được lựa chọn để tham gia chương trình AWS Generative AI Accelerator.
"Đây là cột mốc quan trọng đối với chúng tôi, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển AI và nâng tầm các giải pháp của mình", ông Đức cho hay.
Trong khi đó, TS Nguyễn An Nguyên, CEO của Kompato AI, coi đây là cơ hội vàng để đưa nguồn tri thức Việt ra biển lớn, cụ thể là mở rộng giải pháp sang khu vực châu Á và châu Mỹ.
Ông Matt Wood, Phó Chủ tịch phụ trách mảng các sản phẩm AI tạo sinh tại AWS cho biết trong hơn 18 năm qua, AWS đã hỗ trợ nhiều công ty khởi nghiệp hình thành, ra mắt và mở rộng quy mô kinh doanh hơn bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào khác.
"Không phải ngẫu nhiên mà 96% các công ty khởi nghiệp kỳ lân trong lĩnh vực AI/ML đều vận hành trên AWS", ông Matt Wood nhấn mạnh. "Chúng tôi sẽ giúp các công ty khởi nghiệp phát triển và mở rộng quy mô thành các doanh nghiệp đẳng cấp thế giới".
Đại diện tới từ AWS cũng cho biết, chương trình còn cung cấp những gì mà startup cần để tạo nên các ứng dụng AI mới, có thể tác động đến mọi mặt trong cách thức thế giới này học hỏi, kết nối và vận hành kinh doanh.
Theo PitchBook Data, hiện có 765 công ty AI và ML tại Việt Nam đã huy động được hơn 47,3 triệu đô la Mỹ đầu tư trong năm 2024. Tuy nhiên, 35% các công ty AI tạo sinh trên toàn cầu có văn phòng tại các quốc gia khác ngoài trụ sở chính, cho thấy còn nhiều cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế.
Theo dantri.com.vn