CEO Google Sundar Pichai vừa có một tiết lộ khiến nhiều lập trình viên phải giật mình và bắt đầu lo lắng cho tương lai của bản thân.
Theo đó, Sundar Pichai cho biết Google đang sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nội bộ để viết hơn 25% số lượng mã lập trình mới của họ, sau đó những đoạn mã lập trình này được các kỹ sư của Google xem xét lại trước khi được sử dụng.
"Google đang sử dụng AI tự phát triển để cải thiện quy trình lập trình, giúp tăng năng suất và hiệu quả", Sundar Pichai cho biết. "Hiện nay, hơn 25% tổng số mã lập trình mới tại Google được tạo ra bởi AI, sau đó được các kỹ sư con người xem xét và chấp nhận. Điều này sẽ giúp các kỹ sư của chúng tôi làm được nhiều việc và tiến lên nhanh hơn".
Trong tương lai, các lập trình viên sẽ bị cạnh tranh công việc và có nguy cơ thất nghiệp vì AI? (Ảnh minh họa: AI).
Việc sử dụng mô hình AI tạo sinh để viết mã lập trình không phải là một ý tưởng mới, khi điều này sẽ giúp giảm công việc của con người, nhưng cùng với đó cũng sẽ tăng nguy cơ thất nghiệp cho những người khác, đặc biệt sinh viên mới ra trường hoặc những lập trình viên ở cấp thấp.
Tiết lộ của Sundar Pichai đã khiến không ít lập trình viên cảm thấy lo lắng khi công việc trong tương lai của họ có thể bị cạnh tranh bởi AI.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI để viết mã lập trình cũng có thể gây ra những vấn đề bản quyền hoặc bảo mật, khi AI có thể sử dụng những đoạn mã đã được đăng ký bản quyền hoặc những đoạn mã cũ có tồn tại lỗ hổng bảo mật chưa được khắc phục. Đây là thời điểm các lập trình viên phải thay đổi vai trò của mình, từ những người tạo ra các đoạn mã trở thành người giám sát và kiểm tra lỗi trên các đoạn mã do AI tạo ra.
Một vấn đề nảy sinh khác khi sử dụng AI để viết mã lập trình, đó là các công ty phải đầu tư hệ thống máy chủ đủ mạnh, giúp đáp ứng được khả năng truy vấn và tư duy của các công cụ AI, điều này cũng sẽ làm tăng cao chi phí vận hành và đôi khi chi phí đó còn nhiều hơn cả việc thuê các lập trình viên là con người.
Trước Google, đầu năm nay một công ty khởi nghiệp có tên gọi Cognition Labs cũng đã cho ra mắt "kỹ sư phần mềm AI", mang tên gọi Devin, có thể thực hiện toàn bộ các dự án phần mềm từ đầu đến cuối, với rất ít hoặc thậm chí không cần sự can thiệp của con người.
Vào năm ngoái, phần mềm chatbot ChatGPT cũng đã chứng minh được khả năng lập trình và vượt qua được bài phỏng vấn tuyển dụng kỹ sư phần mềm của Google.
Hiện Google vẫn tiếp tục đầu tư mạnh cho "cuộc đua" phát triển AI, đặc biệt tập trung phát triển chatbot Gemini để có thể cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.
Google cũng đặt ra mục tiêu phát triển AI có khả năng tự chủ, cho phép tự động thực hiện các công việc trên máy tính như điều khiển máy tính, chạy các phần mềm, gõ bàn phím, nhấp chuột trên màn hình… mà không cần con người can thiệp.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc các hãng công nghệ phát triển AI với quá nhiều tính năng và trao quá nhiều quyền cho những công cụ này có thể gây ra tác dụng xấu, làm ảnh hưởng đến sự riêng tư và có nguy cơ vượt qua tầm kiểm soát của con người.
Theo dantri.com.vn