Nhiều laptop giá thấp, dùng chip Intel đời cũ không còn hàng để bán, do nhu cầu mua máy để học tập và làm việc tại nhà tăng cao.
Mấy ngày nay, chị Hồng Nhung ở quận 2 (TP HCM) tìm hiểu trên các website bán hàng và lên danh sách mấy mẫu laptop tầm 10 - 12 triệu đồng để mua cho con trai học online tại nhà. Tuy nhiên, khi đến nơi để chọn, mẫu nào cũng không còn hàng, mặc dù website không có thông báo. Chị phải chọn sang một model khác ngoài danh sách.
Anh Minh Hải (Trung Văn, Hà Nội) chia sẻ, nhà có hai chiếc laptop của hai vợ chồng đã nhường cho hai con học trực tuyến. Đến khi công ty có yêu cầu làm việc từ xa, vợ chồng anh đành phải mua thêm một chiếc để thay nhau sử dụng. "Tôi tính mua một chiếc máy cũ vì hết dịch sẽ ít dùng tới, nhưng tình hình này mua cũ không thể đi chọn được nên cố một chút để mua hẳn một chiếc mới cho an tâm", anh nói. Tuy nhiên, những mẫu giá thấp anh lựa chọn trên website đều không còn.
Các cửa hàng, hệ thống bán máy tính đều đóng cửa và chỉ phục vụ mua hàng online. Ảnh: Tuấn Hưng |
Tất bật chằng buộc 7 chiếc laptop lên xe máy để nhân viên vận chuyển đi cho khách chiều 30/3, anh Quốc Hưng, quản lý một cửa hàng máy tính trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho biết, đây là chuyến thứ 4 trong ngày. "Lượng máy bán được là con số đáng mơ ước so với cùng kỳ năm ngoái", anh nói.
Phân khúc laptop được nhiều người tìm mua nhất là trong khoảng giá 10 đến 20 triệu đồng. Đa số họ mua cho con em học bài ở nhà và một số chuẩn bị để làm việc từ xa. "Yêu cầu của đa số khách hàng rất đơn giản, như đủ chạy các phần mềm học trực tuyến, có webcam nét, tích hợp mic tốt", anh Thanh Minh, một nhân viên bán hàng nói. Các model được tìm mua nhiều là HP Pavilion x360 14, HP 348, Asus D509, Dell Vostro 14...
Theo nhiều đại lý, các mẫu laptop "cháy hàng" đợt này đều là hàng cũ. Phần lớn sử dụng chip đời Intel 6, 7 còn tồn kho, khi giảm giá xuống 10 triệu đồng thì lại bán rất chạy, do người dùng không yêu cầu cấu hình mạnh. Những mẫu hết hàng đợt này là Asus X301, HP 348 chip cũ, Dell Inspiron 15... Phần lớn ra mắt được khoảng 2 năm nhưng vẫn có cấu hình ổn với RAM 4 GB, bộ nhớ 256 GB SSD hoặc trên 500 GB HDD.
Shipper vận chuyển máy tính cho khách mua hàng từ xa. Ảnh: Tuấn Hưng |
Dọc các phố chuyên máy tính ở Hà Nội, như Thái Hà, Lương Thế Vinh, Lê Thanh Nghị... các cửa hàng chỉ hé mở cửa vừa đủ chỗ cho nhân viên giao hàng ra vào. Ngay trên cửa là các tấm pano lớn ghi số điện thoại hỗ trợ tư vấn mua hàng online và giao tận nhà. Không còn bóng dáng một vị khách nào ở cửa hàng, nhưng theo những người quản lý, công việc vẫn khá bận rộn.
"Chúng tôi nói vui là mùa bán hàng laptop cho ngày tựu trường năm nay đến sớm tới nửa năm", chị Quách Nga, đại diện hệ thống phân phối Digiworld cho biết. Doanh thu của công ty đã tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. "Rất may là tình hình dịch ở Việt Nam không chuyển biến quá nhanh nên các nhà phân phối vẫn kịp nhập thêm nhiều hàng. Tuy nhiên, không tránh khỏi một số model rơi vào tình trạng khan hiếm", chị Nga nói.
Đại diện FPT Shop cho biết mảng máy tính xách tay tháng 2 có mức tăng trưởng 79% so với tháng một và đỉnh điểm là tháng 3. Dù chưa kết thúc tháng, doanh thu của họ đã đạt 153% so với tháng đầu năm. Với hệ thống Thế Giới Di Động, mảng máy tính không phải chủ lực nhưng cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai tháng đầu năm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuấn Hưng/vnexpress.net
https://vnexpress.net/so-hoa/nhieu-mau-laptop-chay-hang-4077441.html