Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam trong quý I đạt 61,69 Mb/giây, được Trung tâm Internet Việt Nam đánh giá là "đáp ứng tiêu chuẩn".
Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), trong quý I, tốc độ download trung bình của mạng cố định băng rộng đạt 61,69 Mb/giây, mạng di động đạt 39,44 Mb/giây. Thông kê dựa trên gần 30.000 mẫu là người dùng gia đình, từ các mạng Viettel, VNPT, FPT, Mobifone, CMC, đo qua công cụ độc lập do VNNIC phát triển.
Theo VNNIC, số liệu này cho thấy chất lượng kết nối Internet Việt Nam "đáp ứng tiêu chuẩn". Chẳng hạn, người dùng muốn xem truyền hình 4K (Ultra HD) của Netflix, băng thông download khuyến nghị là 25 Mb/giây, còn YouTube yêu cầu tối thiểu 20 Mb/giây, đều thấp hơn mức trung bình của Internet tại Việt Nam.
Công cụ đo của VNNIC có thêm các chỉ số Ping - thời gian truyền của gói tin đi và về từ thiết bị người dùng tới điểm kiểm tra và Jitter - độ trễ thời gian giữa hai gói tin truyền liên tiếp. Chỉ số Ping và Jitter ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của các dịch vụ đòi hỏi yêu cầu cao như thoại, video. Theo kết quả đo của VNNIC, chỉ số Ping trung bình của Internet Việt Nam dưới 100 ms, trong khi khuyến nghị của các dịch vụ như Facebook Messenger, Skype, Viber, Zalo... là 150ms. Chỉ số Jitter dưới 30ms.
Công cụ đo độc lập của VNNIC thể hiện tốc độ đường truyền, chỉ số Ping, Jitter của mạng.
Thời gian qua, nhiều người dùng tại Việt Nam phản ánh về tình trạng cuộc gọi thoại, video streaming gặp hiện tượng méo tiếng, vỡ hình. Theo giải thích của VNNIC, điều này là do hai chỉ số Ping, Jitter của một số nhà mạng thời gian qua không ổn định, có một số thời điểm "chưa đạt yêu cầu".
Tuy nhiên, số liệu của VNNIC công bố chênh lệch khá nhiều so với kết quả đo từ các hệ thống nước ngoài. Theo công cụ Speedtest của Ookla, tốc độ download của mạng cố định băng rộng tại Việt Nam đạt 43,28 Mb/giây trong tháng 3, trong khi mạng di động đạt 33,97 Mb/giây, đều thấp hơn kết quả đo của VNNIC.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Mạnh Hưng, sự chênh lệch này do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn vị trí đặt máy đo hay số lượng mẫu đo. Máy đo của VNNIC đặt tại Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) ở Hà Nội và TP HCM, và số lượng mẫu đo là 30 nghìn, trong khi các thông tin của Ookla không cố định.
Từ đầu tháng 4, nhiều nhà mạng tại Việt Nam đã tiến hành tăng băng thông cho các gói cước Internet, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng đột biến tại Việt Nam trong thời điểm cách ly xã hội do Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản ánh, tốc độ Internet vẫn khá chậm, đặc biệt là các truy cập đến những dịch vụ nước ngoài như Facebook, YouTube, Google...
Lưu Quý/vnexpress.net