Phố 'Cam' ở Sài Gòn

Thứ 3, 26.05.2020 | 10:22:37
2,438 lượt xem

Con đường tấp nập cả ngày lẫn đêm vì là địa chỉ quen thuộc của người yêu ẩm thực Campuchia và hoa tươi.

Nhắc tới điểm tham quan, ăn uống ở quận 10 dành cho du khách, phố "Cam" nằm ở phường 1 là một trong số những nơi đặc sắc nhất, vốn không xa lạ với người dân thành phố. 

Chợ Campuchia hay phố "Cam" nằm lọt trong hẻm nhỏ xuyên qua khu dân cư, giữa ba con đường huyết mạch của quận 10, gồm Lê Hồng Phong, Hùng Vương và Lý Thái Tổ. 

Vào khu này có hai lối chính, từ đường Lý Thái Tổ rẽ vào đường Hồ Thị Kỷ hoặc từ hẻm 374 Lê Hồng Phong. Ngoài ra, những ai rành rẽ nơi đây có thể len lỏi từ những ngách khác của ba đường lớn trên để vào đúng địa chỉ cần mua hàng.

Cổng chính của chợ, cũ kỹ dựng trước lối nhỏ, khiến nhiều người mới tìm đến khó định vị lối vào. Ảnh: Tâm Linh.

Cổng chính của chợ cũ kỹ dựng trước lối nhỏ, khiến nhiều người mới tìm đến khó định vị lối vào. Ảnh: Tâm Linh.

Tên gọi đúng của điểm đến này là chợ Lê Hồng Phong. Do biến cố chính trị vào những năm 1970 của thế kỷ trước, nhiều người gốc Việt từ Campuchia di cư về đây tập trung sinh sống và thành lập chợ. Cái tên phố "Cam" xuất phát từ đó. 

Khung cảnh hoang vắng, bùn lầy nhếch nhác, chuột gián nhiều hơn người, nhà cửa lụp xụp tạm bợ... Đó là những ký ức phố Campuchia của cô Ngô Thị Bạch Cúc (63 tuổi), chủ tiệm bánh lọt xào, về thời niên thiếu khăn gói lẽo đẽo theo mẹ và các chị em về Việt Nam năm 1970.

Cô Cúc là một trong nhiều Việt kiều Campuchia thuộc thế hệ thứ hai đang hiện diện mỗi ngày tại khu chợ này, đa phần buôn bán nối nghề bậc sinh thành. Cha mẹ của họ là nhân chứng lịch sử rõ mồn một về thời đó, nay đã già yếu, nhiều người đã ra đi. 

Đặc sản Campuchia là mặt hàng được bán nhiều nhất do bà con nơi đây chào hàng bán cho nhau, vừa để ăn cho hợp khẩu vị, vừa làm kế sinh nhai. Khô cá Biển Hồ, khô bò - trâu, bún num-bo-chóc, lạp xưởng, lá sầu đâu, chuối nướng, chè bí chưng... là những món ăn có mặt sớm nhất ở chợ, đã tồn tại nửa thế kỷ.

Bún num-bo-chóc, món ăn truyền thống xứ chùa tháp, ai đến chợ Campuchia cũng một lần thử. Ảnh: Tâm Linh.

Bún num-bo-chóc, món ăn truyền thống xứ chùa Tháp với hầu hết nguyên liệu phải nhập từ Campuchia, ai đến chợ cũng nên một lần thử. Ảnh: Tâm Linh.

Được tạm cư theo sự sắp xếp của chính quyền bấy giờ, cộng đồng người Campuchia gốc Việt ở Sài Gòn không sống theo phum. Phum trong tiếng Khmer nghĩa là vườn, trong đó có nhiều nhất khoảng 5 gia đình cùng huyết thống cư trú.

"Trước nơi này gọi chung là khu tạm cư Pétrus Ký. Di dân chẳng ai biết ai, mọi người làm quen nương nhau mà sống, từ đời trước đến đời sau. Chính quyền quy hoạch thành khu phố thì cứ nhập gia tùy tục", chị Nguyễn Thị Có (45 tuổi), sinh ra ở Sài Gòn, thuật lại lời người mẹ kể.

Mẹ chị Có tên Nguyễn Thị Rổ, bán chè nổi tiếng khi còn ở Campuchia, để lại cho con gái quầy chè tại y nguyên vị trí bà "tái khởi nghiệp" tại Việt Nam từ năm 1970 đến giờ. Các tiểu thương kế nghiệp cha mẹ cũng thường không di chuyển địa điểm bán hàng.

Đường Lê Hồng Phong trước 1975 mang tên Pétrus Ký. Những năm cuối 1940 đầu 1950, các tuyến xe khách từ Sài Gòn đi miền Tây, miền Đông, miền Trung đều tập trung ở con đường này, xe dừng đỗ vượt hơn độ dài đường 1,3 km hồi đó. Bến xe hoạt động 24 giờ, ngoài chở người còn vô số loại hàng hóa. Do cần không gian tập kết hàng, nhà xe với thương lái tiến vào các con hẻm tìm chỗ.

"Có vài nhà đầu hẻm gần bến xe cho mướn chỗ để hàng, trong đó hoa từ Đà Lạt, miền Tây là nổi bật nhất. Sau này, từ lác đác đến ngập tràn, khiến con đường Hồ Thị Kỷ trở thành nơi tập kết hoa", cô Gái (57 tuổi), chủ một hàng sinh tố chuyên bán đêm phục vụ tiểu thương buôn bán hoa, sống ở đây từ 1970, nhớ lại.

Theo thông tin từ UBND phường 1, quận 10, những năm 1980 chỉ có khoảng 10 tiểu thương tại đây kinh doanh hoa tươi. Năm 1988, quận sắp xếp mặt bằng, đồng thời các hộ dân có nhà mặt tiền cho thuê hoặc tự tổ chức kinh doanh, sắc hoa đã phủ màu hơn 90 hộ xung quanh chung cư Lê Hồng Phong, dọc hai bên đường Hồ Thị Kỷ. Hiện phố Hồ Thị Kỷ có hơn 100 hàng bán hoa tươi và phụ kiện ngành hoa.

Hiện hẻm chợ Lê Hồng Phong dài khoảng 1km luôn tấp nập người xe, có vài chục hàng quán bán món ăn từ sáng đến khuya. Ảnh: Tâm Linh.

Hiện hẻm chợ Lê Hồng Phong dài khoảng 1km luôn tấp nập người xe, có vài chục hàng quán bán món ăn từ sáng đến khuya. Ảnh: Tâm Linh.

Vì diễn ra hoạt động buôn bán, nghiễm nhiên người dân gọi là chợ. Thực chất, nơi đây được gọi là phố chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ, tương tự với phố ẩm thực cùng tên mới thành lập vài năm nay.

Không bề thế, cũng chẳng nằm ở trung tâm như chợ Bến Thành hay chợ Tân Định, hẻm chợ Lê Hồng Phong hay phố chuyên doanh hoa và ẩm thực vẫn thu hút đông đúc mọi người. Họ không chỉ là cư dân sống xung quanh, người Campuchia sinh sống ở những nơi khác trong thành phố, mà còn có khách du lịch trong và ngoài nước.

"Tôi mê đồ khô ở chợ này lắm. Chợ có bao nhiêu hàng khô, tôi biết hết, dặn chủ có cá ngon thì gọi điện tôi đến lấy, rồi mua gửi về quê ngoài Bắc cho người nhà ăn thử suốt", cô Bích Châu, ngụ ở chung cư Lê Hồng Phong, hồ hởi khoe.

"Hoa ở Hồ Thị Kỷ rẻ nhất thành phố, ai cũng bảo vậy. Mỗi tháng rằm, hay lễ tết, tôi ra đây khuân cả bó to mấy loại bông về chia cho anh chị em", chị Hằng từ quận Tân Bình không ngại xa, đến mua hoa từ sáng sớm nhân ngày Phật Đản. Mua hoa không cần mặc cả nhiều, khoảng 23h hoa tươi bắt đầu đổ về đây. Đó là một số kinh nghiệm khám phá khu Campuchia nửa thế kỷ giữa Sài Gòn ngày nay.

Muốn ăn bún num-bo-chóc, du khách phải ghé vào buổi sáng trong khoảng 6h – 10h. Thời gian bán nhiều món ngon nhất là vào buổi chiều từ 16h đến tối mịt. Khu phố không cấm xe ra vào, nhưng do hẻm nhỏ du khách nên gửi xe rồi đi bộ để tránh dừng đỗ bất tiện. Ở hai đầu chợ có dịch vụ trông giữ xe cả ngày, giá 5.000 – 10.000 đồng một chiếc. 


Tâm Linh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/pho-cam-o-sai-gon-4103496.html

  • Từ khóa