Bệ phóng chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học

Chủ nhật, 31.05.2020 | 09:42:38
636 lượt xem

Năm 2020 đánh dấu chặng đường 20 năm Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong quân đội khởi nguồn và phát triển.

Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, giải thưởng góp phần tạo sân chơi trí tuệ, nhân lên nhiều công trình (CT), sáng kiến (SK) thiết thực, thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo cùng khát khao chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong khoa học, công nghệ của tuổi trẻ toàn quân. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng TTST trong quân đội.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật sau 20 năm triển khai Giải thưởng TTST trong quân đội?

Thượng tá Trần Viết Năng: Những năm đầu triển khai, giải thưởng gặp không ít khó khăn, như: Cơ chế chính sách chưa đồng bộ, kinh phí bảo đảm hằng năm eo hẹp; một số lĩnh vực chưa có đề tài tham gia, số lượng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng tham gia thấp; việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng cá nhân điển hình chưa được chú trọng đúng mức… Song, vượt qua những thách thức ban đầu, giải thưởng đã góp phần lan tỏa, tạo điều kiện khuyến khích các tài năng khoa học trẻ tích cực tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Trong 20 năm đã có 4.903 CT, SK của 8.707 tác giả, lượt tác giả thuộc 467 lượt đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tham gia; tỷ lệ đoạt giải trung bình là 55%. So với năm thứ nhất (năm 2000) chỉ có 51 CT, SK tham gia ở 3 lĩnh vực thì đến năm thứ 20 đã có 535 CT, SK ở 10 lĩnh vực nghiên cứu; đối tượng tham dự được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều loại hình đơn vị; số đơn vị có thành tích xuất sắc trong tham gia giải thưởng năm sau cao hơn năm trước.

Bệ phóng chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học
Nhóm tác giả giới thiệu sáng kiến “Thiết bị cảm biến mực nước trong hạ thủy đốt cầu PMP” (Lữ đoàn Công binh 249, Binh chủng Công binh), đoạt giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ XX. Ảnh: HỮU NGUYỄN

Kết quả đáng ghi nhận là chất lượng các CT, SK ngày càng cao; nội dung nghiên cứu gắn với thực tế nhiệm vụ đơn vị, khả năng phát triển và áp dụng vào thực tiễn, làm tăng hiệu quả quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội, làm lợi mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Giải thưởng trở thành động lực, là nơi chắp cánh cho những ước mơ nghiên cứu khoa học (NCKH), phát hiện tài năng trẻ để đào tạo, bồi dưỡng.

PV: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân chủ yếu của những kết quả nêu trên?

Thượng tá Trần Viết Năng: Đó chính là việc khơi dậy, phát huy đồng bộ 3 yếu tố cơ bản trong NCKH: Năng lực nghiên cứu, động lực nghiên cứu và môi trường nghiên cứu tốt. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, tổ chức đoàn các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, phát hiện và nhân rộng nhiều điển hình tài năng khoa học trẻ; quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cả về thời gian và cơ sở vật chất để cán bộ, đoàn viên, thanh niên nghiên cứu, sáng tạo. Ở nhiều đơn vị đã duy trì tốt hoạt động của các mô hình “Tổ, đội, câu lạc bộ khoa học trẻ”; lập và duy trì hiệu quả “Quỹ khuyến khích, phát triển tài năng trẻ”. Được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã tạo cơ chế, chính sách tốt cho hoạt động của giải thưởng. Theo đó, chủ nhiệm các CT đoạt giải nhất, nhì, ba được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về kiến thức chuyên môn; được ưu tiên phân công công tác sau khi tốt nghiệp (đối với học viên đào tạo cơ bản dài hạn); được Hội đồng giải thưởng xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền thăng quân hàm (đối với sĩ quan), nâng bậc lương (đối với QNCN, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng) trước thời hạn một năm; được bảo lưu thành tích. Các CT đoạt giải khả năng ứng dụng cao, chất lượng tốt được xem xét hỗ trợ về tài chính và các điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.

PV: Đồng chí có những gợi mở gì để thúc đẩy phong trào Sáng tạo trẻ và hoạt động Giải thưởng TTST trong quân đội thời gian tới?

Thượng tá Trần Viết Năng: Trước tiên cần tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong quán triệt, triển khai thực hiện. Tổ chức đoàn cần xác định rõ mục tiêu, nội dung thi đua NCKH sát với tình hình, đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị; phấn đấu có nhiều CT, SK với hàm lượng trí tuệ, giá trị thực tiễn cao. Bên cạnh đó, Hội đồng Giải thưởng TTST và các cơ quan giúp việc các cấp cần phát huy tốt vai trò, giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị chỉ đạo phong trào NCKH và công nghệ, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của thanh niên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và định hướng, hướng dẫn, phát triển tài năng trẻ. Phấn đấu 100% tổ chức cơ sở đoàn có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng; hằng năm, có hơn 70% đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có CT, SK tham gia Giải thưởng TTST cấp toàn quân. Các đơn vị cần chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình “Vườn ươm sáng tạo trẻ”, gắn với phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng tài năng trẻ.

Giải pháp hết sức cần thiết là đẩy mạnh các hình thức đỡ đầu, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc đưa những CT, SK có chất lượng tốt, hàm lượng trí tuệ cao ứng dụng vào thực tiễn, đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động. Sản phẩm đầu ra của một đề tài là quan trọng nhất, là thước đo hiệu quả của việc thực hiện nghiên cứu. Do đó đưa các CT, SK ứng dụng vào thực tiễn chính là sự khẳng định sức sống của phong trào Sáng tạo trẻ và Giải thưởng TTST trong quân đội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


KHÁNH MINH - HỮU THỌ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/be-phong-chiem-linh-dinh-cao-khoa-hoc-619476


  • Từ khóa