Có nên để dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Thứ 2, 08.06.2020 | 08:41:57
630 lượt xem

Đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện liệu có phù hợp với thực tế?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

co nen de day them la nganh nghe kinh doanh co dieu kien? hinh 1
Đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện liệu có phù hợp với thực tế?

Một số ý kiến thì cho rằng, việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp quản lý tốt hơn, hạn chế các trung tâm tự phát và tránh được những trường hợp ảnh hưởng xấu đến học sinh. Thế nhưng, nhiều giáo viên và chuyên gia cũng lo ngại nếu không có cơ chế quản lý và giám sát thì sẽ không giải quyết được vấn nạn dạy thêm vốn đang gây bức xúc hiện nay.

Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập kết quả thực hiện tăng cường quản lý việc dạy thêm học thêm và cho rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Mục đích của đề xuất này nhằm minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm. Một số ý kiến đồng tình với đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì cho rằng, việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết và phù hợp vì hiện tại các hoạt động dạy thêm ngoài trường đều mang tính tự phát và khó quản lý.

co nen de day them la nganh nghe kinh doanh co dieu kien? hinh 2
Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, do không có các quy định chung cho loại hình hoạt động này nên mỗi địa phương lại đưa ra một quy định riêng để quản lý, thậm chí có nơi còn xem giáo viên dạy thêm như “tội phạm”. Do đó, việc minh bạch hóa hoạt động này thông qua các quy định chung là cần thiết.

"Bản thân tôi đồng ý với đề xuất này. Tuy nhiên, tôi mong muốn cần công bố sớm và đầy đủ công khai, minh bạch về các quy định các tiêu chí để dịch vụ dạy thêm học thêm được coi là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý và giám sát xử phạt rõ ràng, minh bạch và có thể kiểm chứng được một điều thứ ba nữa là chúng ta vẫn cần quan tâm đến cả cái việc dạy thêm học thêm trong nhà trường. Nếu không thì rất có thể vấn nạn về dạy thêm học thêm vẫn còn tiềm ẩn", thầy Trần Mạnh Tùng nêu ý kiến.

Thực tế, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn khi đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện liệu có phù hợp với thực tế hay chưa.

Lý do là với những tổ chức, pháp nhân tổ chức quy mô lớn thì cần thiết quản lý chặt chẽ thông qua các điều kiện kinh doanh được quy định cụ thể, hoặc đưa vào danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, đối với các chủ thể thực hiện hoạt động dạy thêm là các cá nhân giáo viên, với mục đích kết hợp hỗ trợ kiến thức cho học sinh với mức học phí nhỏ thì việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng sẽ chưa hoàn toàn quản lý được về mặt thực tiễn. Khi điều kiện kinh doanh khó khăn, khả năng dạy chui, học chui sẽ phát sinh.

Cô Đào Thị Nga, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, không nên hợp thức hóa hoạt động dạy thêm vì không phải bậc học nào cũng cần thiết học thêm, đặc biệt là bậc tiểu học.

"Các kiến thức ở tiểu học là những kiến thức rất căn bản và dễ dàng nắm bắt được khi các em đến lớp học. Nếu coi việc dạy thêm một ngành nghề kinh doanh thì các trung tâm dạy thêm mở ra sẽ dùng các chiêu trò để thu hút học sinh, khiến cho phụ huynh không hiểu được hết giá trị của các trung tâm như vậy, dẫn đến việc phụ huynh đưa con đi học đi học thêm tràn lan và các con không có thời gian để nghỉ. Đồng thời là bài tập của con người đó cũng quá nhiều gây ra tình trạng quá tải", cô Nga đặt vấn đề.

Theo Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, hiện vẫn có tình trạng giáo viên “chèn ép, gây áp lực” với những học sinh không tham gia lớp học thêm của mình. Nếu hợp pháp hóa hoạt động dạy thêm thì liệu có xảy ra tình trạng giáo viên tìm mọi cách để lôi kéo học sinh đến lớp dạy thêm hay không.

"Chúng ta cho phép học thêm là một hình thức kinh doanh hợp pháp, cũng phải lo ngại đến tình trạng giáo viên sẽ cắt giảm, bớt giờ học trên lớp để đưa những bài học đó ra các trung tâm học thêm, thu hút các học sinh của lớp mình đến các trung tâm đó. Khi bắt buộc các em phải theo những lớp học thêm thì có thể theo được những bài học trên lớp hay không. Đấy chính là những điều mà chúng tôi thực sự lo lắng", Tiến sỹ Vũ Thu Hương cho hay.

Một số ý kiến cũng cho rằng, để dạy thêm, học thêm không còn là vấn nạn thì việc đưa hoạt động này vào danh mục kinh doanh có điều kiện cũng không giải quyết triệt để vấn đề. Bởi lẽ, học thêm là một nhu cầu chính đáng của học sinh, xuất phát từ sự hiếu học và từ hiện trạng chất lượng giáo dục trong nhà trường chưa đáp ứng được thực tế.

Để không còn dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, cần giải quyết bằng được 2 vấn đề: nội dung và phương pháp giáo dục. Chỉ khi nào nội dung và cách đánh giá học sinh (gồm cả đánh giá thường xuyên và đánh giá qua các cuộc thi, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục) được đổi mới thì khi đó mới có thể giảm được dạy thêm, học thêm./.


Minh Hường/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/co-nen-de-day-them-la-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-1056981.vov

  • Từ khóa