V-League 2020 đã trở lại theo cách đặc biệt. Có chấn thương nặng, những kết quả sốc và một diễn biến không bất ngờ nhưng gây… thẫn thờ ở sân Hàng Đẫy.
Lần thứ tám liên tiếp rời sân Hàng Đẫy, HAGL vẫn không thể chiến thắng. Kể từ khi gây tổn thương cho nhà vô địch, với chiến thắng 4-1 phá hỏng ngày đăng quang của Hà Nội T&T cuối mùa 2010, đã mười năm trôi qua nhưng đội bóng phố núi vẫn miệt mài trèo lên "ngọn núi" Hà Nội mà chưa đến được đỉnh. Thậm chí, càng trèo, họ càng có vẻ tuyệt vọng.
Hồng Duy (đỏ) bị các cầu thủ Hà Nội phong tỏa trong trận đấu ở vòng 3 V-League 2020 hôm 6/6. Ảnh: Giang Huy.
Ở trận đấu cuối tuần qua, nếu HAGL chỉ thiếu Lương Xuân Trường thì đội chủ nhà vắng cả cặp trung vệ Duy Mạnh - Đình Trọng. HAGL tung vào sân ba ngoại binh, Hà Nội cũng sử dụng tương tự và một trong số đó là Rimario - tiền đạo từng bị HAGL ngưng hợp đồng vì không ghi được bàn nào trong 13 trận. Diễn biến trận đấu chỉ có tính chất cân bằng khoảng 20 phút, sau đó là màn "tra tấn" thực sự đến từ Hà Nội. Các cầu thủ chủ nhà thậm chí còn chủ động nhường nhau quyền ghi bàn, phô diễn một vài màn solo ngẫu hứng, nhảy múa trước hàng thủ đội khách. Nếu thủ thành Bửu Ngọc không xuất sắc, tỷ số có lẽ phải là 5-0, ngang với trận đấu cách đây hai năm - khi Hà Nội T&T còn mạnh hơn bây giờ.
Sau trận, HLV Lee Tae-hoon ngỏ ý sẵn sàng từ chức, thể hiện sự bất lực của một người đã làm việc hơn hai năm nhưng không thể nào thay đổi chất lượng chơi bóng của đội nhà. Đội hình xuất phát của HAGL, bên cạnh ba ngoại binh, toàn bộ chín cầu thủ còn lại đều đã và đang là tuyển thủ quốc gia hoặc U23. Vì con người tốt đến vậy, nên khi thua trận, dễ chuyển sang đổ lỗi cho các sai số trong hàng phòng ngự, dẫn đến những bàn thua sớm. Nhưng, nếu điểm yếu ấy lâu nay đã biết mà không sửa chữa được thì bản chất của vấn đề nằm ở trình độ, đẳng cấp chung của đội bóng.
Hãy thử nhìn sang SLNA. Đó là một điển hình của cách thi đấu sử dụng tốt nhất những thứ mình có hơn là cứ cố gắng trong vô vọng với những điều người khác "gán" cho mình. Đội bóng xứ Nghệ hiện nay gần như chỉ còn một ngôi sao duy nhất là Phan Văn Đức, người ghi cả hai bàn cho họ tính từ đầu mùa. Họ cũng chẳng có hậu vệ nào đá chính ở đội tuyển quốc gia, thế nhưng trong ba trận khởi đầu mùa 2020, SLNA bất bại với bảy điểm, đứng trong top 3 và đến nay vẫn chưa để thủng lưới bàn nào. Năm ngoái, họ kết thúc giai đoạn một với vị trí thứ tư và chỉ để thủng lưới chín bàn sau 13 trận.
Tình trạng "chảy máu cầu thủ" không cho phép SLNA có chọn lựa nào khác ngoài việc ưu tiên bảo vệ sự an toàn khung thành đội nhà. Đây là bài học được rút ra từ năm 2018. Ở giai đoạn một mùa đó, SLNA thua đến sáu, hòa năm, đứng áp chót với 11 điểm. Nhưng sang giai đoạn hai, họ chỉ thua thêm hai trận và vươn lên đứng thứ tư chung cuộc. Năm ngoái, SLNA chỉ thủng lưới 26 bàn sau 26 trận, công thức đó được áp dụng tiếp cho mùa này dù có thêm những trụ cột ra đi. Hệ thống phòng thủ của SLNA tốt đến mức Đà Nẵng chỉ tung ra được hai cú sút đi đúng hướng trong 90 phút trên sân Vinh. Sau ba trận đã đấu, SLNA chỉ nhận năm thẻ vàng và bảy cú sút đúng hướng từ các đối thủ mạnh như Sài Gòn, Bình Dương, Đà Nẵng. Các thông số này cho thấy SLNA ổn định đến mức đáng sợ, kể cả khi họ không có đội hình tốt nhất.
Dấu ấn của các hàng phòng ngự là điểm đáng chú ý trong vòng đầu đầu tiên trở lại của V-League sau Covid-19. Bên cạnh trận Hà Nội – HAGL, sáu trận còn lại chỉ chứng kiến chín bàn thắng. Chi tiết này cho thấy thể thức thi đấu mới đang đẩy các đội bóng vào thế thận trọng ngay từ đầu giải. Với cách chia hai giai đoạn, sẽ không có cơ hội "làm lại cuộc đời" ở chặng đường còn lại. Những đội bóng đã để thua quá nhiều ở giai đoạn một sẽ vô cùng bất lợi khi chuyển sang giai đoạn hai. Bởi lúc đó, họ chỉ gặp những đội cùng hoàn cảnh, đó là các đối thủ sẵn sàng tử thủ để chia điểm.
Thanh Hóa và Đà Nẵng đang lâm nguy. Những thất bại cuối tuần qua khiến hai đội bóng cùng trải qua chuỗi toàn thua từ đầu mùa. Theo thống kê ở 10 mùa giải gần nhất, những đội trắng tay ba trận đầu tiên đều đứng chót bảng cuối mùa. Đấy là các trường hợp của Hà Nội ACB (2011), Kiên Giang (2013) và Đồng Nai (2015).
Cả Thanh Hóa và Đà Nẵng đều chỉ ghi duy nhất một bàn. Bình Dương cũng chỉ sở hữu một bàn, nhưng đội bóng đất Thủ đang được bốn điểm và xếp thứ bảy. Lý do khá đơn giản: hàng thủ của họ chỉ mới duy nhất một lần thủng lưới. Thế mới thấy, bóng đá Việt Nam vẫn mạnh ở hàng thủ chứ không phải tấn công. Và cũng có một thực tế là hiện tại chỉ Hà Nội đủ năng lực áp đặt thế trận trên mọi đối thủ, chứ 13 đội còn lại của V-League nếu muốn thành công thì chỉ có phòng ngự thật tốt và phản công thật bén.
Song Việt/vnexpress.net
https://vnexpress.net/hagl-va-noi-tuyet-vong-truoc-ngon-nui-ha-noi-4112065.html