Dự án Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch

Thứ 2, 08.06.2020 | 15:44:09
643 lượt xem

Thực hiện Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), giao Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm cơ quan thường trực ban soạn thảo, khẩn trương tiến hành soạn thảo dự án Luật BPVN theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch.

Cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam

Trên cơ sở 3 chính sách lớn đã được xác định, đánh giá tác động xây dựng dự án luật, bao gồm: Xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, dự thảo Luật BPVN đã quy định cụ thể, chi tiết các quan hệ xã hội được luật điều chỉnh. Đặc biệt, dự thảo Luật BPVN đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước tạo thành hệ thống các quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: VIẾT HÀ.

Tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của ban soạn thảo đối với dự thảo Luật BPVN; đồng thời khẳng định, việc ban hành luật là cần thiết, thể chế đầy đủ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay:

Đối với tên gọi của Luật BPVN, đa số đại biểu cho rằng, tên gọi như vậy thể hiện đầy đủ nội hàm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, thể hiện được vai trò quan trọng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ biên giới

Về quy định nhiệm vụ của BĐBP trong dự thảo Luật BPVN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ quan điểm, BĐBP là lực lượng chuyên trách, làm nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và tham gia xây dựng biên giới vững mạnh. Xây dựng, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các lực lượng, nhưng thực hiện mỗi nhiệm vụ cần có một lực lượng chuyên trách, nòng cốt, còn các cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ phối hợp, tránh trường hợp “dễ làm, khó bỏ”, tạo ra những khoảng trống trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới.

Đối với quy định BĐBP tham gia xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh trong dự thảo Luật BPVN, nhiều đại biểu có cùng quan điểm, cần nghiên cứu thêm để bổ sung làm nổi bật vị trí, vai trò của BĐBP, bởi vì: Thực tiễn hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho, đặc biệt đã khẳng định rõ vị trí, vai trò khắc sâu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, “người lính mang quân hàm xanh” trong việc tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên biên giới bằng nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực, như: “Thầy thuốc mang quân hàm xanh”, “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mái ấm biên cương”, “Nâng bước em tới trường”... Những hình ảnh cao đẹp đó đã tạo chỗ dựa vững tin và in sâu vào mỗi người dân nơi biên giới. Vì vậy, dự thảo Luật BPVN cần quy định BĐBP làm nòng cốt tham gia xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh để thể hiện đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng BĐBP.

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang và dân quân xã tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Viết Hà.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, BĐBP là lực lượng quan trọng, nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, lực lượng BĐBP còn tham gia khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao dân trí, xóa mù chữ, giúp người nghèo nâng cao đời sống và tăng cường cán bộ chủ chốt ở cơ sở; giúp dân, sống cùng nhân dân... Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước tích cực triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, BĐBP phải ở lán, trại ngoài rừng, ăn uống thiếu thốn, vất vả ngày đêm để phòng, chống dịch. Vì vậy, dự thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung chính sách cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ vững sự bình yên nơi biên giới, “thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước với BĐBP”.

Đến nay, ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Vụ Quốc phòng và An ninh (QP&AN) thuộc Ủy ban QP&AN của Quốc hội; Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng) và các chuyên gia tư vấn pháp luật của Bộ Tư pháp tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 43 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban QP&AN của Quốc hội đối với dự án Luật BPVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BPVN.

Ngày 21-5, trong đợt họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trình bày tờ trình; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN của Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật BPVN để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến khi Quốc hội họp tập trung tại Kỳ họp thứ chín.

Theo chương trình, dự án Luật BPVN sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường trong đợt họp tập trung tại Kỳ họp thứ chín.


NGUYỄN VĂN TY/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/du-an-luat-bien-phong-viet-nam-bao-dam-chat-luong-dung-ke-hoach-622419

  • Từ khóa