Trường Y kêu khó nếu không tăng học phí

Thứ 4, 10.06.2020 | 14:43:15
645 lượt xem

Đào tạo một sinh viên Y tốn khoảng 20-30 triệu đồng một năm, lãnh đạo các đại học Y Dược nói khó xoay xở nếu không được tăng học phí.

Trong đề án tuyển sinh công bố đầu tháng 6 của Đại học Y Dược TP HCM, học phí năm nay dự kiến tăng 2-5 lần so với năm ngoái. Ngành Răng - Hàm - Mặt thu học phí cao nhất 70 triệu đồng mỗi năm, tiếp đó Y khoa 68 triệu đồng, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu, Dược học 50 triệu.

Mức học phí này gây sốc với nhiều phụ huynh, sinh viên bởi quá cao, nhưng lãnh đạo các đại học khối Y Dược cho rằng điều này là cần thiết.

Một tiết học thực hành tại Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Một tiết học thực hành tại Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Là trường thuộc UBND TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo nhân lực ngành y cho thành phố, được ngân sách hỗ trợ và chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP HCM. Năm 2017, lần đầu trường tuyển thí sinh ở các tỉnh thành khác với hai mức học phí: sinh viên có hộ khẩu TP HCM 11,8 triệu đồng một năm; sinh viên tỉnh thành khác 22 triệu đồng.

PGS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết cái khó của trường là từ năm 2019 đã không còn được cấp ngân sách (trung bình khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm). Tổng nguồn thu năm ngoái, gồm học phí, tiền thu từ dịch vụ, nghiên cứu khác 261 tỷ đồng, trong khi chi phí đào tạo trung bình mỗi sinh viên là 31,2 triệu đồng/năm - khoản tối thiểu để đảm bảo chất lượng.

Theo các quy định hiện áp dụng cho trường, đại học này vẫn phải thu học phí theo nhóm số 2 của Nghị định 86/2015 (áp dụng cho cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư) với 1,18-1,3 triệu đồng mỗi tháng, tức khoảng 11,8-13 triệu đồng mỗi năm học. Do đó, năm nay trường dự kiến thu học phí 13 triệu đồng với sinh viên có hộ khẩu TP HCM.

"Bối cảnh trên đặt ra bài toán rất khó cho trường. Hai năm qua, chúng tôi phải tiết kiệm, làm thêm một số dịch vụ để bù vào chi phí đào tạo", ông Xuân nói.

Chưa có bệnh viện thực hành, sinh viên của trường phải thực tập ở 62 bệnh viện trung ương và thành phố, hầu hết cơ sở đã tự chủ. "Từ hóa chất đến cái găng tay người ta cũng phải tốn nhiều tiền hơn. Lẽ ra trường đóng góp nhiều hơn nhưng không có nguồn để chi. Chúng tôi phải năn nỉ họ ở mức giá thấp nhất cho sinh viên mình", ông Xuân chia sẻ.

Không được tăng học phí, nguồn thu eo hẹp, trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn đối mặt với nguy cơ "chảy máu" chất xám. Hiện trường có hơn 520 giảng viên cơ hữu, hơn nửa có trình độ thạc sĩ. Một thạc sĩ ở trường có thu nhập chưa tới 20 triệu đồng, trong khi với trình độ này, họ có thể làm ở trường tư hoặc các bệnh viện tư với thu nhập cao nhiều lần.

Theo PGS Xuân, học phí ngành Y hiện nay quá thấp, không đủ chi phí chứ chưa nói tới tích luỹ để phát triển. Ở các nước tiên tiến, học phí cho ngành Y dao động 50.000-60.000 USD một năm, thấp nhất ở Đông Âu cũng khoảng 20.000 USD, Thái Lan hơn 10.000 USD.

PGS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết để đào tạo một sinh viên Y khoa, trường phải trải qua ba giai đoạn: dạy lý thuyết trên giảng đường và thực hành ở phòng thí nghiệm, học tiền lâm sàng qua các hệ thống mô phỏng, học lâm sàng. Cả ba đều phải chi phí rất lớn.

Ví dụ, thực hành sinh lý học, nhà trường phải mua động vật như chim, lợn, chó, ếch để sinh viên làm. Hay như phần giải phẫu, trường phải chi một khoản lớn để bảo vệ xác được hiến tặng, phục vụ việc học của sinh viên.

Không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới ghi nhận đào tạo ra một bác sĩ rất tốn kém bởi các khoản chi phí cao và thời gian lại kéo dài. Ở nhiều nước, chỉ người có tiền và người giỏi mới học được. Sinh viên giỏi sẽ được học bổng, người có tiền cũng cần giỏi nhưng không quá xuất sắc.

Học phí nhóm ngành Y Dược theo quy định là 14,3 triệu đồng một năm nhưng chi phí đào tạo thực tế gấp 3-4 lần. Vì thế ông Cảnh cho rằng việc tăng học phí đối với sinh viên Y khoa là tất yếu.

Những năm qua, các trường vẫn duy trì được bởi được nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, các bệnh viện thực hành cũng giúp bằng cách chưa lấy tiền của sinh viên, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ để trường có thiết bị mô phỏng tương đối tốt. Ở một chừng mực nào đó, đại học Y có các dự án của Bộ Y tế nên các thiết bị đầu tư cho phòng thí nghiệm chủ yếu từ ngân sách.

Trong tháng 8 tới, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam sẽ thành lập hội đồng trường, tức là tổ chức và quản trị học viện theo hướng tự chủ. Vì vậy, nhà trường đang phải tính toán để báo cáo Bộ Y tế xin tăng học phí năm học 2020-2021. 

Nếu không tăng học phí, trường không có kinh phí gửi tới các bệnh viện thực hành trong khi trường tư lại chi khoản này rất cao. Khi đó, sinh viên trường công khó lòng vào được bệnh viện lớn. Hay do thu học phí thấp, trường không có kinh phí để trả lương tốt cho giảng viên dẫn đến tình trạng "chảy máu" chất xám, giảng viên bỏ trường công sang trường tư làm việc.

Vì vậy khi nhận thông tin trường Đại học Y Dược TP HCM đề xuất học phí lên tới gần 70 triệu đồng một năm, ông Cảnh cho là phù hợp với chi phí đào tạo và sinh hoạt ở TP HCM. Trường đã căn cứ thực tế nhà trường và thu nhập của người dân trên địa bàn để đưa ra mức học phí này.

"Tôi muốn phụ huynh và học sinh hiểu rằng việc đóng học phí là đầu tư cho chính mình. Cái mọi người cần quan tâm không chỉ đơn thuần là học phí cao hay thấp mà nên xem các nhà trường quản lý học phí đó như thế nào để người học được hưởng lợi nhiều nhất", ông Cảnh nói.

Sinh viên Đại học Y Dược Hà Nội trong buổi học hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Hằng.

Sinh viên Đại học Y Dược Hà Nội trong buổi học hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Hằng.

PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, cho rằng khi các trường trong khối Y Dược tự chủ, việc tăng học phí là tất yếu, thậm chí tăng mạnh bởi mức 14,3 triệu đồng cho năm học 2020-2021 theo Nghị định 86/2015 thấp hơn nhiều lần so với chi phí thực tế.

Ông Khải phân tích với nhiều khoản phí đặc thù, chi phí đào tạo ngành Y ở mức cao nhất so với các ngành khác. Năm 1996-2004, các chuyên gia Thái Lan, Hà Lan xây dựng mô hình đánh giá cho thấy nếu đào tạo đảm bảo có chất lượng, chi phí đào tạo một sinh viên Y khoa là 34-35 triệu đồng một năm. Còn theo Nghị định 86/2015, mức trần học phí đối với các trường công lập tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (tức đã tự chủ) là hơn 50 triệu đồng.

"Năm nay, khi Nghị định 86 hết hiệu lực, các trường tiến tới tự chủ, một loạt trường Y sẽ phải tăng học phí và có thể tăng cao bởi nếu không sẽ không thể duy trì đào tạo được", ông Khải nhận định.

Để khắc phục khó khăn, trường Đại học Y Dược Hải Phòng phải tăng xin giảm mua. Trường liên kết với các đơn vị nước ngoài để được hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật. Với bậc tiến sĩ, trường khuyến khích đào tạo ở nước ngoài để giảm chi phí.

Trước đó, lý giải về việc tăng học phí, PGS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP HCM, cho biết năm 2020, trường bắt đầu thực hiện tự chủ, không nhận ngân sách. Mức học phí những năm trước chỉ 13 triệu đồng, ngoài phần học phí thì còn nhận ngân sách nhà nước thông qua Bộ Y tế. Vì tự chủ nên trường phải tính phương án thu học phí cao hơn để lấy thu bù chi và có tích luỹ đầu tư.

Thực tế các ngành Y Dược chi phí đào tạo rất lớn. Chẳng hạn ngành Răng - Hàm - Mặt, sinh viên phải thực hành mỗi người một máy, dụng cụ đắt tiền, nhiều thứ không thể tái chế.

Ở khối trường công, học phí đa số đại học Y, Dược miền Bắc là 14,3 triệu đồng một năm. Ở phía Nam, Đại học Y Dược TP HCM 30-70 triệu đồng, Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) 55-88 triệu đồng, Đại học Y Dược Cần Thơ 24,6 triệu đồng.


Mạnh Tùng - Dương Tâm/vnexpress.net

https://vnexpress.net/truong-y-keu-kho-neu-khong-tang-hoc-phi-4113289.html

  • Từ khóa