Nhà báo Phan Quang: “Tôi để nghề báo ngập lụt cuộc đời tôi”

Chủ nhật, 21.06.2020 | 10:15:23
704 lượt xem

Ở tuổi 92, ngòi bút của nhà báo Phan Quang vẫn minh mẫn, thông tuệ. Ông vẫn không ngừng đọc, nghĩ và viết.

Gặp “Cây đại thụ” của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Sau buổi gặp mặt, tuyên dương 187 người làm báo tiêu biểu cả nước nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, tôi may mắn được ông tiếp đón tại nhà riêng.

Nhà báo Phan Quang trước mắt tôi bình dị, dễ gần và dường như chẳng có một khoảng cách nào, cho dù giữa tôi và ông cách nhau gần 3 thế hệ. Ông dẫn tôi vào phòng khách, nơi chiếc bàn nhỏ đã để sẵn vài cuốn sách ông chuẩn bị từ trước để chia sẻ với tôi, ông chủ động giải thích: “Tôi bị nặng tai lắm, không nghe được, chuẩn bị sẵn mấy nội dung để trao đổi với anh, trong mấy cuốn sách này là những nhận xét, chia sẻ từ những nhà báo, nhà văn, những người quen biết với tôi. Anh có thể dùng làm tư liệu để viết. Còn với một bài viết chân dung nhân vật, tốt nhất tôi không nên nói về mình mà nên để việc ấy cho người khác”.

nha bao phan quang:
Nhà báo Phan Quang từng nói: "Tôi để nghề báo ngập lụt trong đời tôi".

Nhà báo Phan Quang giới thiệu cho tôi những trang viết trong mấy cuốn sách mà ông đã chuẩn bị sẵn, và tận tình giải thích từng nội dung ông muốn chia sẻ. Ông cũng để ý những phản ứng của tôi, và đề nghị tôi viết ra giấy những gì tôi cần hỏi lại, bởi tai ông nghe không chuẩn. Một điều hiếm thấy ở cái tuổi xưa nay hiếm như ông là khi nói về bất cứ nội dung gì ông cũng đều tìm được rất nhanh và chính xác, giữa vô số các cuốn sách được xếp ngăn nắp trên 2 giá sách lớn trong gian phòng khách nhỏ, tìm mở rất chính xác những trang sách chứa nội dung cần tham khảo và chia sẻ với tôi. Đây là điều mà ngay cả một người trẻ cũng khó có thể ghi nhớ được. Rồi, từ chính những trang viết, những chia sẻ ấy, hình ảnh về một cây đại thụ của Báo chí Cách mạng Việt Nam hiện lên sáng rõ trong tôi.

“Con dao pha”

Tôi nhắc lại cách ví von này của nhà văn Ngô Thảo, người bạn cùng quê với nhà báo Phan Quang dùng để gọi ông trong một bài đăng trên báo Nhân Dân: “Gọi Phan Quang là con dao pha, tổ chức cần việc gì giao ông việc ấy, báo chí cần thể loại nào ông viết thể loại ấy”. Ông đồng tình nhưng nói thêm: “Con dao pha có thể chặt cây, bổ củi, phạt cỏ trong vườn, băm bèo nuôi lợn, nhưng cũng chỉ được đến thế thôi, đến thời đại 4G, 5G này, phải cậy nhờ các thế hệ trẻ”.

Phan Quang đến với nghề báo từ khi chưa tròn 20 tuổi, hơn 70 năm tuổi nghề, cho đến nay, ngòi bút của ông vẫn chưa ngừng tuôn chảy trên những trang viết. Nhà báo Phan Quang đã dựng lên những mốc son tiêu biểu để những thế hệ nhà báo Việt Nam sau này noi gương. Ngòi bút của ông đã sản sinh hàng ngàn bài viết ở nhiểu thể loại: phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, chuyên luận, xã luận, cùng nhiều cuốn sách dịch thuật…, góp sức làm rạng danh văn học và báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Tùng, thủ trưởng của của Phan Quang thời ông công tác tại báo Nhân dân, nhận xét trong bài “Một phong cách làm việc”: “Anh viết nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, bút ký. Phong cách làm việc và viết của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học. Sau khi miền Nam giải phóng, anh lại vào Nam, đi từ quê hương anh, đất Quảng Trị anh hùng và đau thương đến tận mũi Cà Mau. Lại điều tra thâm nhập cuộc sống, tìm hiểu con người, phát hiện nhiều vấn đề. Mỗi chuyến đi là một loạt bài…”

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết về nhà báo Phan Quang khi ông bước chân vào nghề báo: “Một buổi chiều năm 1948, tại tòa báo chúng tôi đóng trong một làng nhỏ ở Thanh Hóa, có một cậu thanh niên hiền lành và nước da tái mét vì sốt rét, đến trình giấy giới thiệu của khu ủy… Diêu đến để xin học việc, và luôn giữ tư thế một người học việc. Học gì? Ngay đêm đầu tiên anh đã viết bài. Và viết luôn cho đến tận hôm nay - bốn chục năm trời”.

Trong phần lời tựa cuốn sách “Phan Quang: 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”, do PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang sưu tầm và tuyển chọn, viết: “Cần cù học tập, chịu khó đọc sách, báo, say mê viết, phương châm sống và làm việc cần mẫn, hữu ích ấy đã đeo đẳng suốt cuộc đời ông, tạo nên một cây bút Phan Quang có bản sắc riêng”.

“Con dao pha” Phan Quang dù đã ở tuổi 92 nhưng vẫn là tấm gương sáng cho các nhà báo Việt Nam trong thời đại 4.0 - 5.0 với tinh thần không ngừng học hỏi mỗi ngày. Ông tâm tình với nhà báo Phạm Quốc Toàn, cũng là sự nhắc nhở với những nhà báo trẻ: “Hãy đọc, hay viết và luôn suy nghĩ cho mỗi ngày. Hãy viết ra những thứ mình có trong đầu, để mọi người đọc, nếu không có ai đọc thì mình đọc, bạn bè, người thân mình đọc vậy”.

Đến hôm nay, kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Phan Quang vẫn tiếp tục Đọc - Đi - Nghĩ - Viết như chính ông từng nói “Tôi để nghề báo ngập lụt cuộc đời tôi”.

Chia tay tôi, ông còn nhờ tôi viết tên họ đầy đủ của tôi lên mảnh giấy để ông nhìn cho chuẩn xác và viết lời đề tặng cuốn sách “Tím ngát tuổi hai mươi” mới ra của ông. Cảm ơn nhà báo lão thành Phan Quang vì cuốn sách và những chia sẻ quý giá của ông./.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/nha-bao-phan-quang-toi-de-nghe-bao-ngap-lut-cuoc-doi-toi-1061669.vov

  • Từ khóa