Không ngừng đổi mới, sáng tạo, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Thứ 6, 10.07.2020 | 14:50:46
693 lượt xem

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; được sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, Tổng cục Hậu cần (TCHC) và ngành Hậu cần Quân đội (HCQĐ) đã triển khai thực hiện tốt các mặt công tác, bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất hậu cần cho các nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức hậu cần đầu tiên của quân đội đã hình thành và trở thành lực lượng nòng cốt về công tác bảo đảm. Công tác hậu cần đã dựa chắc vào dân để huy động cơ sở vật chất, bảo đảm tốt cho hoạt động tác chiến của quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo yêu cầu cách mạng, ngày 11-7-1950, Tổng cục Cung cấp (tiền thân của TCHC ngày nay) được thành lập và nhanh chóng phát triển lực lượng, tổ chức bảo đảm cho các chiến dịch có quy mô ngày càng lớn, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Bộ đội hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Bộ đội Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) chăm sóc vườn rau của đơn vị. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành HCQĐ tập trung củng cố, phát triển mạnh mẽ về tổ chức, lực lượng, xây dựng theo hướng chính quy. Hậu cần chiến lược nối liền hậu phương với tiền tuyến, hậu cần quốc gia với nguồn chi viện quốc tế, trong đó, sự liên hoàn của hậu cần Trung ương và hậu cần địa phương mà nòng cốt là HCQĐ phát triển ngày càng vững chắc. Tuyến chi viện chiến lược-đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển; hệ thống đường ống xăng dầu với tổng chiều dài hơn 5.000km chạy suốt từ Bắc vào Nam, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù đã trở thành “huyền thoại” của thế kỷ 20. Trong đó, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là sáng tạo độc đáo của Đảng, trở thành một kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đây, mạch máu hậu cần từ hậu phương lớn miền Bắc đã lan tỏa vào khắp các địa bàn trên chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đất nước hòa bình, thống nhất chưa lâu, ngành HCQĐ lại bước vào bảo đảm hậu cần cho các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong thời kỳ đổi mới, ngành hậu cần đã chủ động nghiên cứu, đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế và tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Hiện nay, TCHC và ngành HCQĐ đã, đang tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước về xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần gắn với thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và tổ chức hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT), bảo đảm mọi mặt hậu cần cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

HCQĐ đã khắc phục mọi khó khăn với nhiều đổi mới, sáng tạo, giữ ổn định và nâng cao đời sống bộ đội. Công tác quân nhu kịp thời đề xuất điều chỉnh mức tiền ăn phù hợp với biến động của thị trường; đẩy mạnh tăng gia sản xuất; nghiên cứu, sản xuất, đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm mới. Quân y làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, thu dung điều trị, bảo đảm quân số khỏe trên 99% cùng nhiều thành tựu trong nghiên cứu, phát triển giải pháp y học. Hệ thống doanh trại toàn quân được quy hoạch hợp lý, ngày càng khang trang, sáng-xanh-sạch-đẹp. Công tác xăng dầu, vận tải quân sự bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP). Các doanh nghiệp hậu cần được xây dựng, sắp xếp, đổi mới về mô hình quản lý, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế. TCHC đã chủ động tham mưu với Bộ Quốc phòng xây dựng các đề án quy hoạch hệ thống kho hậu cần; hệ thống bệnh viện, bệnh xá toàn quân và chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế ngành.

Trước khó khăn, thử thách, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói chung, bộ đội hậu cần nói riêng lại càng được khẳng định và tỏa sáng. Điều đó được thấy rõ khi đất nước có thiên tai, bão lũ, không kể ngày hay đêm, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần luôn là những người “đi trước, về sau” làm tốt công tác bảo đảm để toàn quân hoàn thành tốt chức năng của đội quân chiến đấu, lao động sản xuất và đội quân công tác, cũng như chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người chiến sĩ hậu cần trên tuyến đầu chống dịch đã không quản nguy hiểm, tận tình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không kể khuya sớm, nắng mưa, bộ đội hậu cần luôn túc trực 24/24 giờ trong ngày, sẵn sàng đưa đón công dân từ vùng dịch về các địa điểm cách ly; tần tảo sớm hôm để có những bữa ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh; bảo đảm doanh trại khang trang, sạch đẹp phục vụ đồng bào. Nhiều thầy thuốc quân y thức thâu đêm trong phòng thí nghiệm để có những thành tựu đóng góp vào công tác phòng, chống dịch bệnh... Đó chính là những biểu hiện sinh động của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới và giá trị truyền thống tốt đẹp của bộ đội hậu cần được hun đúc trong suốt 70 năm qua.

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của quân đội có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, tính chất. Cùng với SSCĐ và chiến đấu, quân đội còn tham gia phát triển kinh tế-xã hội, là trụ cột quốc gia, lực lượng nòng cốt trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Do đó, công tác HCQĐ thời gian tới tiếp tục cần sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo đảm cho quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Do đó, những năm tới, toàn ngành HCQĐ phải quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng mà trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác QS, QP. Tập trung nâng cao khả năng BĐHC cho SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất, ưu tiên bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, ở các địa bàn trọng yếu và các đơn vị mới thành lập, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác; nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý lượng dự trữ vật chất hậu cần SSCĐ và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn... Đẩy mạnh xây dựng hậu cần KVPT, gắn xây dựng thế trận, tiềm lực hậu cần ở các cấp, phù hợp với khả năng phát triển vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự và kinh tế đất nước, bảo đảm tốt nhiệm vụ trong thời bình và sẵn sàng chuyển sang bảo đảm cho thời chiến. Tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội; phân cấp hợp lý cho đơn vị, mở rộng đấu thầu trong tạo nguồn vật chất và xã hội hóa một số mặt bảo đảm. Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hậu cần. Nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược phát triển trang bị hậu cần đồng bộ với phương tiện, trang bị quân sự hiện đại theo hướng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, các sáng kiến vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực BĐHC. Bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn vật chất hậu cần cho các đối tượng; nâng cao chất lượng ăn, mặc, trang bị quân nhu và trang bị quân y hiện đại, phù hợp điều kiện, yêu cầu tác chiến mới. Xây dựng doanh trại theo hướng cơ bản, chính quy, chất lượng. Nâng cao năng lực vận tải và bảo đảm xăng dầu kịp thời cho các nhiệm vụ. Chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức hậu cần các cấp, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, tập trung, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập hậu cần các cấp. Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại hậu cần. Chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương gắn với thực hiện phong trào “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy”, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các cấp, các ngành; tăng cường công tác quản lý, phòng chống tham ô, lãng phí trong công tác hậu cần. Xây dựng ngành HCQĐ vững mạnh, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khong-ngung-doi-moi-sang-tao-bao-dam-tot-hau-can-cho-nhiem-vu-quan-su-quoc-phong-626538

  • Từ khóa