Hành trình 5 năm xây dựng môi trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm“

Thứ 2, 13.07.2020 | 08:37:39
1,283 lượt xem

Toàn bộ 176 trường mầm non, mẫu giáo tại Cần Thơ triển khai dạy và học "lấy trẻ làm trung tâm", để kích thích sáng tạo và giúp trẻ tự tin khi đến lớp.

5 năm qua, TP Cần Thơ hướng tới xây dựng môi trường mầm non để mỗi trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau, thỏa sức sáng tạo riêng của mình. Để làm được điều này, các trường mầm non, mẫu giáo đã thay đổi diện mạo, khang trang và gần gũi hơn.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD-ĐT) TP Cần Thơ đã chọn 5 điểm trường làm mô hình điểm triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và đến nay toàn bộ 176 trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn đã triển khai đồng bộ chuyên đề.

hanh trinh 5 nam xay dung moi truong mam non
Trẻ được trải nghiệm, sáng tạo, tự hoạt động và tự tin hơn trong môi trường mầm non.

Với phương châm vừa học, vừa chơi, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá, 5 năm qua, các trường đã triển khai chuyên đề dưới nhiều hình thức khác nhau như: Cải tạo sân vườn, quy hoạch thành nhiều khu hoạt động dành cho trẻ, khu vui chơi với các trò chơi dân gian (kéo co, ô ăn quan, thắt lá cây thành hình con vật và đồ dùng đồ chơi, nhảy bao…), khu vui chơi phát triển vận động (sân đá banh, hồ bơi dành cho trẻ mầm non…); Khu vui chơi phát triển thể chất, với khuôn viên thoáng đãng, có đầy đủ đồ dùng phát triển vận động (cầu treo, thang leo, bật sâu, bật xa, ném bóng rổ, sân đá banh mini, hồ bơi…); 100% các cơ sở tận dụng sảnh hành lang, cầu thang để tổ chức cho các cháu vui chơi.

hanh trinh 5 nam xay dung moi truong mam non
 
hanh trinh 5 nam xay dung moi truong mam non
Các em học sinh Trường mầm non Tuổi Ngọc, quận Ninh Kiều , Cần Thơ, trong giờ chơi tại Khuôn viên sân trường đã được cải tạo, quy hoạch.

Theo bà Thiệu Thị Kim Chi - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, từ khó khăn ban đầu là vận động vật chất, chưa có lòng tin từ cha mẹ học sinh, thì nay công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ, cộng đồng trong việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm và tham gia vào các hoạt động đã tốt hơn rất nhiều.

"Các trường mầm non đã được sự quan tâm của xã hội, lãnh đạo ban ngành, đoàn thể các cấp từ thành phố cho đến các đơn vị, quận huyện, nên thuận lợi trong việc đầu tư kinh phí. Việc phối hợp với phụ huynh cũng rất dễ dàng, thuận lợi để thực hiện cải tạo sân vườn, hỗ trợ ngày công lao động, cho cây xanh, bồn hoa...", bà Chi cho biết.

Là địa bàn xa trung tâm thành phố, còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” khá tốt. Ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, dự các hoạt động thực hành của các đơn vị bạn, 21/21 trường mầm non, mẫu giáo ở huyện thực hiện chuyên đề một cách linh hoạt, đúng trọng tâm. Điểm nhấn là việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bằng cách thực hiện trải nghiệm, khám phá thực tế qua các hoạt động như: tham gia giao thông tự đổ xăng, rút tiền từ cây ATM để mua bán, trao đổi hàng hóa…

"Đội ngũ giáo viên mầm non của chúng tôi đã có thay đổi phương pháp giảng dạy, theo đó, hướng đến trẻ và tạo cho trẻ môi trường hoạt động. Từ đó, trẻ thay đổi rất là rõ rệt, nhất là trẻ ở vùng nông thôn trước đây rất nhút nhát, nhưng hiện nay các bé rất tự tin. Các bé cũng biết được các sản phẩm vùng miền mình, thậm chí, bé có thể giới thiệu cho phụ huynh ở các lớp cũng như khách biết được sản phẩm đặc trưng vùng miền. Bé tự tin trong giao tiếp, rất là năng động", ông Liếng nói.

hanh trinh 5 nam xay dung moi truong mam non
Một góc cải tạo khuôn viên hành lang giúp trẻ mầm non hứng thú hơn với môn học.

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tại Cần Thơ đang triển khai tốt, đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc - trường được Sở GD-ĐT Cần Thơ chọn làm mô hình điểm - quận Ninh Kiều, chuyên đề khi triển khai đã phát huy được tính tích cực sáng tạo của trẻ rất nhiều, từ hoạt động trong giờ học, hoạt động nhóm lớp và bên ngoài nhóm lớp.

Đặc biệt, không còn việc truyền thụ kiến thức hay làm thay trẻ nữa. Trẻ sẽ tự hoạt động, tạo ra sản phẩm và chơi với những sản phẩm đó, qua đó vừa học mà vừa chơi./.  


Hồng Phương/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hanh-trinh-5-nam-xay-dung-moi-truong-mam-non-lay-tre-lam-trung-tam-1070053.vov

  • Từ khóa