Bị hủy nhiều đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lao đao

Thứ 2, 13.07.2020 | 08:37:13
684 lượt xem

50% đơn hàng dệt may bị huỷ trong tháng 5, giá sản phẩm giảm khoảng 20%, nhiều DN dệt may điêu đứng khi dịch bệnh trên thế giới chưa thể kiểm soát.

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2020, dệt may là một trong những ngành sản xuất chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, sản xuất dệt nửa đầu năm chỉ tăng 2,8%, bằng 1/3 so với cùng kỳ 2019. Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian này, tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu; đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán; ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn hàng trong tháng 5 và giá sản phẩm giảm khoảng 20%. Những yếu tố này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình cảnh điêu đứng, khó khăn gấp bội phần.

bi huy nhieu don hang, doanh nghiep det may lao dao hinh 1
Bị hủy nhiều đơn hàng, ngành dệt may lao đao. (Ảnh minh họa)

Đáng nói, nhu cầu trên toàn cầu đối với hàng may mặc và các sản phẩm thời trang cũng giảm đi đáng kể, nhất là ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thời trang đã phải huỷ những đơn hiện tại hoặc hoãn những đơn mới để đối phó với tình hình này.

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái nhưng vẫn là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó đoán định.

Theo ông Trường, hai tài sản lớn nhất của doanh nghiệp dệt may là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải xoay xở để chuyển hướng sang sản xuất cho thị trường nội địa hoặc trang phục y tế như khẩu trang và đồ bảo hộ để xuất khẩu. Tuy nhiên, cách này sẽ không đủ để bù đắp lại các đơn hàng đã bị huỷ.

Ông Trường chia sẻ thêm, mặc dù cố gắng nhưng cũng chỉ có thể giữ chân người lao động trong thời gian 3-6 tháng. Nếu dịch kéo dài thêm thì không dám nói "bảo toàn lực lượng" tới lúc nào./.


Chung Thủy/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/bi-huy-nhieu-don-hang-doanh-nghiep-det-may-lao-dao-1069955.vov

  • Từ khóa