Khát vọng hòa bình trong khói lửa chiến tranh

Thứ 5, 23.07.2020 | 14:39:59
1,087 lượt xem

Chiến tranh tàn khốc với nhiều hy sinh, mất mát nên hòa bình trở thành khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Quảng Trị và của cả dân tộc Việt Nam.

Tháng 7, dòng người tìm về mảnh đất Quảng Trị linh thiêng mỗi ngày càng đông hơn. Họ tới đây để viếng mộ, thắp hương tưởng nhớ người thân, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay. 

Quảng Trị là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước. Vùng đất này đi vào lịch sử cùng hai dòng sông được chọn làm giới tuyến tạm thời. Nếu như tháng 8 năm 1954, con sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền Nam – Bắc thì năm 1973, dòng Thạch Hãn chứng kiến việc trao trả tù binh. Quê hương Quảng Trị phải giải phóng 2 lần (vào năm 1972 và năm 1975). Quảng Trị cũng là nơi chịu nhiều tổn thất nặng nề trong chiến tranh.

bai 1: khat vong hoa binh trong khoi lua chien tranh hinh 1
Lễ thượng cờ Thống nhất non sông.

Không có địa phương nào mà nghĩa trang nhiều như ở Quảng Trị với 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Và cũng từ mảnh đất chịu nhiều nỗi đau quá lớn nên khát vọng hòa bình càng lớn. Chính từ sâu thẳm nỗi đau đó, Quảng Trị mạnh mẽ vươn dậy để rồi sau 45 năm hòa bình lập lại, mảnh đất này trở thành nơi ghi dấu những cuộc gặp gỡ “Vì Hòa Bình”. Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, Nhóm phóng viên VOV tại miền Trung và Ban Thời sự (VOV1) thực hiện loạt phóng sự: “Từ khói lửa chiến tranh cùng vun đắp hòa bình”.

Tiếng nấc của người con gái khi gọi “Ba ơi!” thổn thức, vang vọng trước hàng vạn anh linh liệt sĩ đang yên nghỉ trên đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Giữa buổi trưa tháng 7, chị Lê Thị Thơm ôm chặt tấm bia đá trên mộ phần của ba mình: Liệt sĩ Lê Anh Hiến, quê Thái Nguyên, hy sinh năm 1972 tại đường 9 Nam Lào. Ngày ba hy sinh, chị mới 6 tháng tuổi. Trước lúc ngã xuống, ba chị cũng không biết con sinh ra là trai hay gái. Khi tròn 30 tuổi và cũng ngần ấy năm âm dương cách biệt, lần đầu tiên chị Thơm mới được gặp ba tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn này. Bao nhiêu nhớ thương trong suốt 30 năm ấy được dồn nén, nghèn nghẹn trong tiếng gọi “Ba ơi!”.

"Lần đầu vào với ba, ngồi trên tàu chỉ đến Quảng Bình thôi là tôi đã vô cùng xúc động rồi. Tôi khóc rất nhiều, chỉ muốn cất lên tiếng gọi "Ba ơi" mà nghẹn ngào không nói lên lời", chị Thơm nghẹn ngào chia sẻ.

bai 1: khat vong hoa binh trong khoi lua chien tranh hinh 2
Thả bóng bay trên cầu Hiền Lương.

Đã 45 năm chiến tranh đi qua mà những giọt nước mắt vẫn còn rơi nơi đại ngàn Trường Sơn. Đó là những giọt nước mắt con khóc cha, vợ khóc chồng, mẹ già tìm con. Chiến tranh cũng gây chia cách người Nam, kẻ Bắc suốt nhiều chục năm trời.

Vĩ tuyến 17 có con sông Bến Hải đã từng chứng kiến biết bao nỗi đau của sự chia cách. Gần 50 năm trước, đúng vào năm chiến tranh ác liệt nhất ở mảnh đất Quảng Trị - năm 1972, ông Hoàng Nghi ở bên bờ Bắc và bà Hoàng Thị Hoa ở bờ Nam đã gặp gỡ và đem lòng yêu nhau. Mối duyên ấy tưởng như không thành bởi sự chia cắt và mất liên lạc suốt nhiều năm sau đó.

"Năm 1972, Quảng Trị bị đánh phá ác liệt. Chúng tôi gặp được nhau chưa đầy một tháng, sau đó gia đình bà ấy về bên kia thì mất liên lạc một thời gian dài", ông Nghi chia sẻ.

bai 1: khat vong hoa binh trong khoi lua chien tranh hinh 3
Ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa có cuộc sống hạnh phúc bên con cháu.

Nói về câu chuyện này, bà Hoa bộc bạch: "Thương ông ấy lắm mà không biết làm sao hết. Chỉ có vào trong đó nhờ bộ đội gửi thư qua. Lúc nhớ ông quá thì qua bờ sông nhìn qua bên kia trông ông. Cầu mong hòa bình, thống nhất để gặp lại nhau".

Đằng đẵng 21 năm trời, đôi bờ Hiền Lương trở thành nơi trông ngóng của người Bắc, kẻ Nam. Đêm đêm, không ít những người vợ trẻ ra bờ sông khóc thầm lặng lẽ. Cũng có người đã ngã xuống dưới làn đạn khi vượt sông sang thăm người mình yêu. Ngày đó, không theo gia đình đi sơ tán, ông Lê Công Hường ở lại làm nhiệm vụ nuôi giấu bộ đội và bảo vệ lá cờ giới tuyến.

Ông Hường nhớ lại, cả thôn Hiền Lương ngày ấy không có một nóc nhà: "Khi hắn đã đánh phá rồi thì hắn tuyên bố là hủy diệt, ông bà cha mẹ con cái ra Nghệ An hết. Chỉ còn ở đây là 1 trung đội dân quân du kích, dân quân phối hợp với công an vừa treo cờ, bảo vệ cờ, vừa gác cầu, ngăn hắn tràn qua đây".

Sự khốc liệt của chiến tranh ở Quảng Trị như ông Nguyễn Kham, từng công tác tại Khu ủy Vĩnh Linh nói, đó là sự hủy diệt 200%: "Sự hủy diệt là 200%, tan nát không còn gì hết. Đây vốn là một vùng trù phú, giàu có của Quảng Trị. Mang tư tưởng chiến thắng, mang ý chí quyết tâm xây dựng quê hương trong hòa bình đã thôi thúc cho mọi người cùng hàn gắn vết thương chiến tranh".

bai 1: khat vong hoa binh trong khoi lua chien tranh hinh 4
Ông Nguyễn Kham mong muốn thị xã Quảng Trị sớm trở thành thành phố hòa bình.

Chiến tranh quá tàn khốc làm cho con người Quảng Trị cùng cả dân tộc Việt Nam cứng rắn, kiên trung, dũng cảm hy sinh và cháy bỏng nỗi khát khao hòa bình. Tỉnh Quảng Trị như một hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại hội nghị Pari năm 1973 cho rằng, Quảng Trị là nơi thể hiện rõ nhất về biểu tượng hòa bình của người dân Việt Nam.

bai 1: khat vong hoa binh trong khoi lua chien tranh hinh 5
Cuộc sống đổi thay ở đôi bờ giới tuyến sau 45 năm thống nhất đất nước.

"Quảng Trị xứng đáng là biểu tượng hòa bình. Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Và nơi này đã chứng kiến những cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt và chứng kiến hy sinh to lớn của quân dân ta. Tôi rất mong Quảng Trị là nơi gặp gỡ để đoàn kết, xây dựng hòa bình", nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Chiến tranh tàn khốc với nhiều hy sinh, mất mát nên hòa bình trở thành khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Quảng Trị và của cả dân tộc Việt Nam. Khát vọng hòa bình cũng chính là tâm nguyện của hàng chục vạn anh linh liệt sĩ, của các nạn nhân chiến tranh đang nằm trong lòng đất lửa Quảng Trị anh hùng!

Vùng đất Quảng Trị đầy máu lửa trong chiến tranh sẽ là nơi tôn vinh giá trị hòa bình, là mảnh đất cho những cuộc gặp gỡ của nhân loại yêu chuộng hòa bình, thịnh vượng. Những câu chuyện này sẽ được chúng tôi kể tiếp trong bài 2 của loạt phóng sự “Từ khói lửa chiến tranh cùng vun đắp hòa bình”./.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/khat-vong-hoa-binh-trong-khoi-lua-chien-tranh-1073661.vov

  • Từ khóa