Ký ức làm chiến sĩ 'diệt giặc dốt'

Thứ 5, 19.11.2020 | 09:52:22
679 lượt xem

15 tuổi, được đi dạy các bà, các mẹ ở lớp học I, T, chàng trai Nguyễn Phong Niên vui lắm bởi vẫn là học sinh mà đã được gọi bằng thầy.

Đặt cuốn Vần quốc ngữ cũ kỹ với chi chít vết mực cùng huy hiệu Bình dân học vụ trên mặt bàn, ông Nguyễn Phong Niên, 84 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhớ về một thời sôi nổi đi dạy chữ cho bà con ở Yên Bái những năm 1951-1953.

Lúc bấy giờ, ông Niên mới 15 tuổi, học xong sơ học yếu lược (như cấp 1 bây giờ). Cùng bố mẹ từ Hà Nội lên Yên Bái theo kháng chiến, nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "mỗi người biết chữ phải là một giáo viên bình dân học vụ", chàng trai Niên hồ hởi tham gia.

Trước khi trở thành thầy giáo, Niên được tập huấn để nắm phương pháp và nhận tài liệu dạy. Đứng lớp huấn luyện là cán bộ cốt cán từng tham gia các khóa huấn luyện ở cấp cao hơn. Dù mới là cậu học sinh nhỏ bé, Niên tự thấy "đã chững chạc và dạy ngon rồi". Ban ngày cậu vẫn đi học, nghịch súng gỗ, chơi với bạn bè, tối đến lại xách đèn dầu, cắp theo cuốn tài liệu đi dạy.

Những ngày đầu đi dạy, Niên "sung sướng vô cùng" vì các bà, các mẹ đều gọi bằng thầy. "Phải dùng từ sướng mới đúng. Lúc đó, bộ đội gọi nhau là đồng chí mà mình mới 14-15 tuổi đã được những người đáng tuổi bố mẹ, có người bằng tuổi ông bà gọi bằng thầy", ông giải thích.

Lớp học của Niên nằm trên một khu đồi, dân cư thưa thớt, có khoảng 15 người theo học. Có nhà cả vợ và chồng cùng đi, có phụ nữ bế theo con đến lớp. Tối tối, cứ khoảng 7-8h tùy từng hôm, mọi người lại xách đèn dầu, đốt đuốc đến học.

Nhà dân nào rộng rãi sẽ được trưng dụng làm nơi dạy học. Hôm nào nhà đó có đám giỗ hay công việc lớn, lớp lại chuyển sang một nhà khác trong vùng. Đồ dùng, thiết bị dạy học cũng linh hoạt. Bảng là tấm cửa được tháo xuống hay đôi khi là nền nhà đất. Phấn khi có thì dùng, lúc hết thì lấy gạch non, que tre, miễn sao học viên có thể nhìn được chữ thầy.

Nhìn thấy sự tham gia nhiệt tình của mọi người, "thầy giáo nhí" Nguyễn Phong Niên càng thêm quyết tâm giúp người dân học được con chữ. Cậu nghĩ ra một cách để học trò thấy sự hữu ích khi biết chữ mà hào hứng học tập.

Buổi đầu học đến chữ T, thầy Niên tìm người có tên chữ T đầu tiên để hỏi lớn cho cả lớp nghe thấy. "Bác tên Tâm đúng không. Tôi sẽ dạy cho bác chữ T đầu tiên. Đánh vần nhé. Tờ-âm-tâm. Học xong là bác biết đọc biết viết tên mình đó". Nghe thầy Niên nói, ai nấy đều thích thú, chăm chú lắng nghe.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Vừa kể, vừa dở từng trang hai cuốn tài liệu bình dân học vụ, ông Niên tấm tắc khen "giáo trình hay lắm". Nếu như chương trình hiện đại là cố định, phản ánh những thành tựu khoa học ngày nay thì sách xưa lại chỉ dạy a, b, c theo cách gắn liền với cuộc kháng chiến.

Chẳng hạn, khi học bài vần "ang, ăng, eng", câu để học các vần là "Nghe gõ kẻng, dân quân đồn Vàng hăng hái tải đạn". Khi học vần "an, ăn, ân", câu đọc trong bài là "Dù cho hạn hán khô khan/ Nhân dân cán bộ khó khăn sợ gì". Hay khi học bài "ông, ưng", câu đọc là "Dù ai nói đông nói tây/ Lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng".

Khi học chữ, thay vì đọc "e lờ" (L), "Tê" (T), "e mờ" (M), bình dân học vụ dạy hết là "lờ" (L), "mờ" (M), "tờ" (T). Tí thì là "tờ i ti sắc tí", dễ hơn là "tê i ti sắc tí". Cách học này khác với những gì ông Niên được học ở trường cấp 1 nhưng cũng nhanh chóng theo được. "Chỉ cần thêm ờ vào các phụ âm, thế là người dân nhanh nhớ chứ khó lại không dám học", ông Niên nói.

"Thầy giáo nhí" đưa những câu hát, những ví dụ so sánh để học sinh dễ nhớ và nhớ lâu như: "I, T(i tờ) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, (t) tờ dài có ngang", "O tròn như quả trứng gà/ Ô là đội nón, Ơ là thêm râu". Bằng cách học này, những người lớn tuổi cũng nhớ được từng chữ.

"Thời đó giáo viên đi dạy say mê lắm", ông Niên nói, mắt ánh lên sự tự hào. Cũng giống như tất cả giáo viên bình dân học vụ, ông đi dạy tự nguyện, không lấy tiền nhưng rất trách nhiệm. Công việc cũng không gò bó, nay bận đi cắm trại thì nhờ một người khác dạy thay. Thế nhưng hầu như ông Niên và thầy cô không bỏ lớp ngày nào vì "vui lắm".

Không chỉ dạy học, ông Niên cùng "thầy cô" khác vận động người dân đi học. Những năm 1946-1948, tinh thần tự nguyện đi học cao nên việc vận động dễ dàng, còn giai đoạn ông Niên dạy thì khó hơn. Ông Niên vẫn nhớ những câu thơ hóm hỉnh ở tranh tuyên truyền lôi kéo mọi người đi học như "Lấy chồng biết chữ là tiên/ Lấy chồng mù chữ là duyên nợ nần".

Sau khi dạy xong một khóa, ông Niên không sắp xếp được thời gian để dạy tiếp vì việc học nhiều. Hết trung học, ông học sư phạm rồi vào dạy ở trường bổ túc công nông. Sau này, khi trường giải thể vì hết nhiệm vụ, ông về Bộ Giáo dục và Đào tạo viết sách giáo khoa, nghiên cứu về giáo dục người lớn (giờ là giáo dục thường xuyên). Năm 2000 về hưu, ông làm ủy viên Ban thư ký của Ủy ban Quốc gia Xóa mù chữ.

Ông Nguyễn Phong Niên giới thiệu cuốn Vần quốc ngữ dùng trong thời dạy bình dân học vụ. Ảnh: Dương Tâm.

Ông Nguyễn Phong Niên giới thiệu cuốn "Vần quốc ngữ" dùng trong thời bình dân học vụ. Ảnh: Dương Tâm.

Ngoài ông Niên, nhiều chiến sĩ diệt giặc dốt khác cũng làm những công việc tương tự. Có người rất tiêu biểu, được nhiều tài liệu ghi lại như một thanh niên ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh tình nguyện đi học để về dạy lại dân làng (dưới thời Pháp thuộc làng này không ai biết chữ).

Anh học được 10 bài thì trở về dạy lại người làng. Dạy hết 10 bài ấy, anh lại đi học thêm rồi lại về dạy. Cứ như thế đến khi học hết cuốn Vần quốc ngữ thì anh cũng dạy được một số người làng biết chữ, rồi anh mở lớp này lớp kia cho đến cuối năm 1946 thì làng anh đã thanh toán được nạn mù chữ.

Một giáo viên khác ở vùng Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đêm nào cũng xuống nhà bè ở khúc sông Lô để dạy cho đồng bào làng nghề đánh cá, mặc dù những đêm rét mướt mùa đông anh chỉ có một manh áo mỏng. Hay một nữ giảng viên bần nông vùng Trung Hà thuộc tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) đã bán dần phần ruộng của mình để mua giấy bút phát cho học trò nghèo.

Theo cuốn Việt - Nam diệt giặc dốt năm 1951 của NXB Bình dân học vụ, trong giai đoạn kháng chiến, giáo viên bình dân học vụ lại càng tỏ rõ lòng hy sinh gan dạ. Một anh giáo viên đang bí mật dạy học ở một làng thuộc tỉnh Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh) thì bị giặc bắt được khoét mắt. Một giáo viên ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, bị giặc bắt được tra tấn chết đi, sống lại mấy lần đã tìm cách trốn thoát và về bí mật tiếp tục dạy bình dân học vụ.

Tất cả giáo viên tham gia vào bình dân học vụ đều được Hồ Chủ tịch phong danh hiệu "Anh hùng vô danh".


Dương Tâm - Thanh Hằng/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/ky-uc-lam-chien-si-diet-giac-dot-4192969.html

  • Từ khóa