Cát Bà, Phú Quốc cần một quy hoạch hoàn chỉnh để phát triển du lịch bền vững

Thứ 3, 22.12.2020 | 15:19:47
530 lượt xem

Một quy hoạch hoàn chỉnh về phát triển du lịch tại các đảo ven bờ sẽ giúp giải quyết tình trạng manh mún, tự phát và thiếu bền vững như hiện nay.

Nơi chưa phát triển, nơi thì quá “nóng”

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.200km với hệ thống đảo và quần đảo ven bờ đa dạng, phong phú trải dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo kết quả điều tra, Việt Nam có hơn 2.770 đảo ven bờ, trong đó 3 đảo lớn nhất (trên 10km2) là Cái Bầu, Cát Bà và Phú Quốc, cùng 24 đảo diện tích trên 10km2.

TS.KTS Dương Đình Hiền nhận định, hệ thống đảo ven bờ Việt Nam có giá trị lớn về kinh tế, trong đó có du lịch. Việc khai thác tiềm năng du lịch đảo không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Hiện nay, một số đảo có du lịch phát triển là Tuần Châu, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Nhiều hòn đảo có nhiều tiềm năng nhưng chưa thể phát triển du lịch, vì  thiếu đầu tư, giao thông chưa thuận lợi hoặc các lý do về đảm bảo an ninh – quốc phòng.

Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những khu đảo hoạt động du lịch phát triển nhất cả nước.

Tuy nhiên, ngay cả trên những hòn đảo đã phát triển du lịch từ lâu như Phú Quốc hay Cát Bà, du lịch vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và thiếu tính bền vững.

Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đánh giá, sản phẩm du lịch tại các đảo đang na ná nhau, du khách khó quay lại nhiều lần. Kể cả tại nơi du lịch phát triển như Phú Quốc thì sản phẩm cũng vẫn bị hạn chế, trùng lặp.

Tại Cô Tô, vấn đề bảo vệ môi trường trước tác động của hoạt động du lịch đang tương đối “nóng”. Ông Nguyễn Hải Linh (phòng Văn hóa Thông tin, UBND huyện Cô Tô) cho biết, đảo Cô Tô đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường biển, xử lý rác thải nhựa. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn yếu, các bãi biển đang chịu lượng rác thải thụ động rất lớn.

Thời điểm trước Covid-19, các tuyến giao thông đến Cát Bà thường xuyên quá tải vào mùa cao điểm du lịch. Ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Những ngày cao điểm Cát Bà đón khoảng 20.000 lượt người, gấp 3 lần so với khả năng vận chuyển khách thông thường. Có những du khách phải chờ gần 8 tiếng để ra được đến Cát Bà”.

Đường ra bến phà Gót thường xuyên ách tắc vào mùa cao điểm du lịch. Đây là tuyến giao thông chính chở khách giữa đảo Cát Bà và đất liền. Nguồn: Thanh Nga

Quy hoạch để đi đúng hướng

Tại hội thảo "Thực trạng và đề xuất phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam" do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức mới đây, các bên liên quan đều cho rằng cần có một quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch biển đảo, để hài hòa giữa việc khai thác du lịch với đảm bảo yêu cầu an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo và hàng chục đảo lớn, tuy nhiên không phải nơi nào cũng phục vụ được khách, phải đáp ứng các tiêu chí nhất định thì mới có thể phát triển du lịch. Ngoài ra mỗi đảo phải có dòng sản phẩm thế mạnh riêng, như thám hiểm hoặc sinh thái, nghỉ dưỡng…

Đảo Bé - Lý Sơn (Quảng Ngãi) thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ.

Các doanh nghiệp du lịch cũng rất kỳ vọng vào một bản quy hoạch hoàn chỉnh về phát triển du lịch biển đảo. Ông Cao Quốc Chung – Phó Giám đốc công ty Vidotour cho rằng, Việt Nam nên đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một số đảo lên tầm quốc tế, với chính sách riêng, miễn thị thực để thu hút dòng khách đến nghỉ dưỡng và chi tiêu cao.

Ngoài ra, cần có thêm sản phẩm du lịch tại các đảo phía Bắc để giảm tải cho các đảo miền Trung và miền Nam, phân chia sản phẩm trong tuần và cuối tuần, không để khách đổ xô tới một địa điểm chỉ vào một thời điểm nhất định.

"Phải quy hoạch để phân luồng khách và đặt ra công suất, năng lực phục vụ cụ thể cho từng điểm đến. Việc tuân thủ mức chịu tải tối đa sẽ giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm sức ép để tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo" – ông Cao Quốc Chung nhấn mạnh.

Đại diện Flamingo Cát Bà Beach Resort cho biết, với sự "phát triển nóng" của Cát Bà hiện nay thì vấn đề quy hoạch thực sự cấp thiết để yêu cầu các bên cam kết về phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh, giảm thiểu rác thải, đảm bảo chất lượng dịch vụ… Ngoài ra, quy hoạch sẽ tạo tiền đề nâng cấp hạ tầng giao thông. Dù có sức chứa lớn nhưng nhiều cơ sở lưu trú tại đảo Cát Bà chưa thể đón khách hết công suất, vì lý do giao thông chưa thuận tiện. 

Quan trọng hơn, người dân phải được đặt vào vị trí trung tâm khi quy hoạch để phát triển du lịch trên các đảo. "Quan điểm của quy hoạch là người dân địa phương được ưu tiên, hỗ trợ để tham gia, làm chủ và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Việc phát triển sản phẩm du lịch cũng phải bảo tồn giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa. Đây là yếu tố quyết định để phát triển bền vững" - TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định./.

Cần tính toán sức chứa của điểm đến để giảm sức ép lên thiên nhiên. Ảnh: Đảo Quan Lạn (Quảng Ninh)


Hải Nam/VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/cat-ba-phu-quoc-can-mot-quy-hoach-hoan-chinh-de-phat-trien-du-lich-ben-vung-825351.vov

  • Từ khóa