Xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương trong kháng chiến chống Pháp

Chủ nhật, 27.12.2020 | 09:41:49
545 lượt xem

Quan điểm của Đảng ta về xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương kháng chiến xuất phát từ điều kiện thực tế của cách mạng nước ta, kế thừa truyền thống dân tộc, từ kinh nghiệm thực tiễn và thắng lợi giành được trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thông qua khởi nghĩa vũ trang.

Do địa hình vừa dài, vừa hẹp nên khi chiến tranh xảy ra, địch có thể chia cắt nước ta thành nhiều chiến trường. Trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), cả nước được chia thành 12 chiến khu. Mỗi chiến khu, thậm chí ở từng tỉnh, từng huyện hoặc liên tỉnh, liên huyện, phải chọn những khu vực có thế chiến lược lợi hại, "tiến có thế đánh, lui có thế giữ", để xây dựng thành căn cứ địa, làm chỗ đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo kháng chiến, có tiềm năng xây dựng lực lượng chính trị, LLVT, giải quyết vấn đề hậu cần, nuôi dưỡng và tiếp tế cho lực lượng kháng chiến.

Việc xây dựng, củng cố, phát triển căn cứ địa, căn cứ hậu phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu thực dân Pháp sẽ quay trở lại xâm lược nước ta. Vì thế, trước khi về Thủ đô, Người đã coi việc tiếp tục xây dựng, tăng cường căn cứ địa Việt Bắc là một nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Trung ương Đảng ở lại Việt Bắc chỉ đạo việc xây dựng căn cứ hậu phương phục vụ kháng chiến.

Xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương trong kháng chiến chống Pháp

Dân công tỉnh Phú Thọ gánh gạo phục vụ Chiến dịch Trung du năm 1950-1951. Ảnh tư liệu

Trước và sau ngày toàn quốc kháng chiến, việc tổ chức di chuyển cơ quan làm việc của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ đã được thực hiện từng bước để bảo đảm cho sự lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường không bị gián đoạn. Việc củng cố, xây dựng các cơ sở chính trị, việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ đối với các dân tộc thiểu số, việc phát triển và rèn luyện các LLVT, việc xây dựng các an toàn khu (ATK), tổ chức giao thông liên lạc, phòng gian bảo mật... được thực hiện đồng bộ, vững chắc dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương và Chính phủ.

Trong giai đoạn đầu, địch mạnh, ta yếu, quân Pháp đã chủ động tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng hòng thực hiện chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh". Ta vừa chiến đấu nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bảo toàn và phát triển từng bước lực lượng, vừa thực hiện tiêu thổ kháng chiến, phá hoại các đường giao thông lớn để ngăn bước tiến của địch, đồng thời, chuẩn bị các phương án tác chiến sẵn sàng bẻ gãy các cuộc tiến công quy mô lớn mà địch có thể đánh sâu vào căn cứ của ta. Trên chiến trường chính Bắc Bộ, sau các chiến thắng lớn của quân và dân ta ở Việt Bắc (Thu-Đông 1947), giải phóng biên giới Cao-Lạng (1950), giải phóng Hòa Bình (1952), căn cứ địa Việt Bắc đã thực sự được củng cố vững chắc và mở rộng đến các tỉnh trung du Bắc Bộ, sát với vùng núi và trung du Liên khu III. Trên các chiến trường Liên khu IV, Liên khu V và Nam Bộ, các căn cứ địa, tuy phạm vi rộng hẹp khác nhau, song đều được hình thành, giữ vững, sau khi ta đánh thiệt hại nặng hoặc bẻ gãy hoàn toàn các cuộc tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng của địch.

Sau khi từng bước giành được quyền chủ động trên chiến trường, trên cơ sở nắm được quy luật hoạt động của địch và tổng kết kinh nghiệm đối phó của ta, dựa vào kế hoạch bố phòng và phương án tác chiến đã chuẩn bị sẵn, LLVT ba thứ quân của ta đã đánh bại hầu hết các cuộc hành quân của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa, căn cứ hậu phương của ta. Có chiến trường chỉ sử dụng bộ đội địa phương và dân quân du kích vào nhiệm vụ này, còn phần lớn bộ đội chủ lực được sử dụng tập trung vào việc mở các chiến dịch tiến công hoặc phản công trên những địa bàn được lựa chọn, nhằm thực hiện tiêu diệt lớn sinh lực địch, giải phóng đất đai, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của đối phương.

Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, vùng tự do và các vùng căn cứ của ta từ Bắc chí Nam đã được mở rộng, chiếm hơn 70% diện tích đất nước và hơn 50% dân số. Hậu phương kháng chiến của ta đã thể hiện trên thực tế chế độ dân chủ nhân dân về tất cả phương diện: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính quyền cách mạng được củng cố, làm việc có hiệu lực và có uy tín trong các tầng lớp nhân dân. Mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng, khối đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Lòng dân hướng về Bác Hồ, về Đảng với niềm tin ngày càng sâu sắc, vững chắc. LLVT ba thứ quân là con em của nhân dân, được nhân dân hết lòng thương yêu, giúp đỡ.

Xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương vững mạnh là nhân tố quyết định thắng lợi của kháng chiến, đồng thời tạo thuận lợi cho việc xây dựng chế độ mới ở các địa phương. Đó là bài học kinh nghiệm quan trọng của một nước mới giành được độc lập đã phải tiến hành ngay cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những bài học đó vẫn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa trong xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Theo QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xay-dung-can-cu-dia-can-cu-hau-phuong-trong-khang-chien-chong-phap-647623

  • Từ khóa