“Chỉ có mong muốn nhỏ bé là đủ sức khỏe để hiến tiểu cầu thường xuyên”

Chủ nhật, 27.12.2020 | 16:08:18
430 lượt xem

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Viết Hoài (35 tuổi, Hà Nội) – người đã có tổng cộng 51 lần hiến máu và hiến tiểu cầu và riêng 3 năm gần đây, anh đã 14 lần hiến tiểu cầu.

Ngày 26/12, hơn 80 gương mặt hiến tiểu cầu tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên tham dự chương trình gặp mặt tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức nhằm tri ân những đóng góp quý báu, thiết thực của những người hiến tiểu cầu.

Anh Nguyễn Viết Hoài (35 tuổi, Hà Nội), người đã có tổng cộng 51 lần hiến máu và hiến tiểu cầu và riêng 3 năm gần đây, anh đã ghi dấu 14 lần hiến tiểu cầu. Anh cũng mong muốn hoạt động hiến máu sẽ được lan tỏa đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các câu lạc bộ, đội nhóm…

Để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 – 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, ở nước ta cũng như trên thế giới, người ta áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến (với thời gian hiến trung bình từ 60 – 120 phút).

Chương trình gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu giai đoạn 2018-2020.

Chương trình gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu giai đoạn 2018-2020.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của phong trào hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng như một số Trung tâm Máu lớn đã triển khai thành công việc tiếp nhận tiểu cầu từ một người cho với sự chia sẻ, hỗ trợ của hàng vạn người hiến tiểu cầu.

TS. Trần Ngọc Quế – Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết: Tiểu cầu có chức năng kết dính với nhau bằng cách tạo các cục máu đông. Đời sống của tiểu cầu trong hệ tuần hoàn là 8 – 10 ngày, đời sống lưu trữ ngoài cơ thể là 3 – 5 ngày.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xúc động và trân trọng những đóng góp của những người hiến tiểu cầu. 

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xúc động và trân trọng những đóng góp của những người hiến tiểu cầu. 

Lần đầu tiên đi hiến máu, chị Nguyễn Thị Thu Hiền còn chưa biết Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ở đâu và phải khá vất vả tìm đường đến Viện. “Đăng ký, kiểm tra sức khỏe rồi được gọi tên hiến máu, hóa ra hiến máu lại đơn giản thế”, chị Hiền chia sẻ về cảm xúc vỡ òa của lần đầu tiên đầy hạnh phúc ấy. Để rồi cứ đủ sức khỏe, chị Hiền lại háo hức đi hiến máu và chuyển sang hiến tiểu cầu để giúp được nhiều người hơn.

Đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã có 45 lần hiến máu và tiểu cầu, riêng tiểu cầu đã hiến 38 lần.

Tại buổi gặp mặt, những người hiến tiểu cầu cũng có cơ hội được gặp những người đã từng được truyền tiểu cầu, và rất có thể biết đâu chính những đơn vị tiểu cầu của họ đã trao đi ngàn hi vọng sống cho những người bệnh này.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã có 45 lần hiến máu và tiểu cầu, riêng tiểu cầu đã hiến 38 lần.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã có 45 lần hiến máu và tiểu cầu, riêng tiểu cầu đã hiến 38 lần.

Xúc động trước tấm lòng của những người đã giúp mình vượt qua bao cơn bạo bệnh, bà Nguyễn Thị Xuân (quê Thanh Hóa, điều trị suy tủy xương từ tháng 6/2014) dùng hai chữ “đội ơn” để bày tỏ sự cảm kích trước nghĩa cử của những người không hề quen biết.

Đã biết bao lần, bà Xuân trông ngóng từng giây, từng phút tiếng xe đẩy của các điều dưỡng vào phòng bệnh; bởi nghe âm thanh ấy là bà biết mình sắp được gọi tên đến lượt truyền tiểu cầu. “Cảm giác khi ấy hạnh phúc, mừng vui đến chảy nước mắt. Vào dịp lễ 2/9, tôi phải chờ đợi tiểu cầu mà cảm giác dài như cả thế kỷ vậy. Bệnh viện bảo phải vận động người nhà hiến tiểu cầu mà người thân mình đi từ nhà cả 200 cây số thì liệu có kịp, vậy mà có những người âm thầm lặng lẽ mang lại sự sống cho tôi suốt bao năm qua”- bà Xuân chia sẻ.

Em bé được hiến tiểu cầu tham dự tại chương trình.

Em bé được hiến tiểu cầu tham dự tại chương trình.

Theo TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, khoa học càng phát triển thì càng cần đến máu và chế phẩm máu. Ở nước ta, ngành truyền máu đã bắt kịp xu hướng của các nước trên thế giới, khi sử dụng máy tách tế bào để gạn tách tiểu cầu, phục vụ điều trị tại các bệnh viện. Trong 20 năm qua (2000 – 2020), riêng Viện tiếp nhận được 233.524 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách. Tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn; có những người đã hiến hơn 100 lần”.

TS. Khánh cũng rất xúc động và trân trọng những đóng góp của những người hiến tiểu cầu luôn coi việc làm của mình là nhỏ bé, tham gia vì đam mê, không cần sự biểu dương./.


Minh Khánh-Trương Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/chi-co-mong-muon-nho-be-la-du-suc-khoe-de-hien-tieu-cau-thuong-xuyen-826879.vov

  • Từ khóa