Bản hùng ca Đại đoàn Đồng Bằng

Thứ 6, 01.01.2021 | 10:38:50
505 lượt xem

Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) với tên gọi truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng ra đời ngày 16-1-1951, tại huyện Nho Quan (Ninh Bình). Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, sư đoàn có mặt ở hầu hết chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhất, lập nên những chiến công vang dội, đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca.

Xứng danh đơn vị chủ lực đầu tiên

Ngay sau khi thành lập, sư đoàn tham gia Chiến dịch mùa xuân Bắc Sơn Tây và trong trận đầu ra quân, một đêm tiêu diệt 9 đồn địch, mở đầu trang sử hào hùng, vẻ vang của đơn vị. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sư đoàn 320 đã tham gia 9 chiến dịch, chiến đấu hơn 400 trận, đánh thiệt hại 5 binh đoàn, 3 trung đoàn quân Pháp; cùng với LLVT địa phương giải phóng 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.

Bản hùng ca Đại đoàn Đồng Bằng
Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320) phân đội huấn luyện chiến sĩ mới năm 2020 đạt giỏi
“3 tiếng nổ”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sư đoàn tham gia chiến đấu trên các chiến trường Bắc Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào và Tây Nguyên. Những chiến công: Lâm Xuân, Đại Độ, Đinh Tổ, Bắc Cửa Việt, Cam Lộ, Ngã Tư Sòng, Chư Nghé, Lệ Ngọc, Làng Siêu, Điểm cao 1049, 1015... làm quân thù kiếp sợ mỗi khi nhắc tên sư đoàn. Đặc biệt, chớp thời cơ quân địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, sư đoàn đã truy kích thần tốc, chốt chặn trên Đường số 7, Cheo Reo-Phú Bổn, đánh bại chiến lược rút quân khỏi Tây Nguyên co cụm về giữ vùng duyên hải miền Trung và Sài Gòn của Mỹ-ngụy. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn được tin tưởng giao nhiệm vụ mở cửa một trong những hướng chủ yếu, tiêu diệt căn cứ Đồng Dù của sư đoàn 25 ngụy, mở toang cánh “cửa thép” ở Tây Bắc Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi chiến tranh ở biên giới Tây Nam nước ta nổ ra, sư đoàn tham gia bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Năm 1979, sư đoàn đóng quân và làm nhiệm vụ phòng thủ trên hướng chiến lược phía Bắc của Tổ quốc. Với thành tích vẻ vang đó, sư đoàn và Trung đoàn 48 hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; 18 tập thể trong sư đoàn và 16 cá nhân cũng được tuyên dương danh hiệu cao quý này.

Động lực mới và nghĩa tình với Tây Nguyên

Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, năm 1988, Sư đoàn 320 trong đội hình của Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 nhận thức sâu sắc giá trị của hòa bình, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, có khả năng cơ động và SSCĐ cao, thích ứng nhanh với mọi điều kiện, hoàn cảnh. Hằng năm, kiểm tra huấn luyện 100% nội dung đạt yêu cầu, hơn 80% khá, giỏi. Từ năm 2014 đến nay, sư đoàn đã có 11 lượt đại đội huấn luyện chiến sĩ mới kiểm tra “3 tiếng nổ” đạt giỏi, được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 đánh giá là đơn vị dẫn đầu khối sư đoàn, nhà trường về huấn luyện và nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Các cấp ủy, tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng trưởng thành, gương mẫu, bản lĩnh, vững vàng trong mọi tình huống.

Một trong những bài học thành công của sư đoàn ở giai đoạn hiện nay là thực hiện nhất quán chủ trương “Một tập trung, ba khâu đột phá”, “3 thực chất”, “3 dứt điểm”, “3 mẫu mực”. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng đơn vị; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn sư đoàn, nhất là đợt sinh hoạt “siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương”, “thi đua thực hiện 10 lời thề danh dự của quân nhân”, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, truyền thống hào hùng của Đại đoàn Đồng Bằng-một trong 6 sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Trong hơn 30 năm trở lại Tây Nguyên, Sư đoàn 320 đã gắn bó, đoàn kết keo sơn, nghĩa tình với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn hành quân đến các thôn, làng xa xôi, hẻo lánh để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi; đào đắp 281km kênh mương dẫn nước, 354km đường giao thông; xây dựng 8 nhà rông văn hóa; di chuyển và xây dựng 6 làng định cư; làm mới 236 ngôi nhà và sửa chữa 312 nhà ở cho các gia đình chính sách và hộ nghèo neo đơn; xây dựng, củng cố 153 công trình nước sạch; 2 trạm y tế xã, một trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo và 9 phòng học; giúp hàng chục hộ gia đình thoát nghèo bền vững và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn hiệu quả... 

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 không nề hà gian khổ giúp nhân dân làm những việc khó đã quen thuộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và được các địa phương, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với Sư đoàn 320 là "thế trận lòng dân" vững chắc, cơ sở chính trị vững mạnh, mối quan hệ quân dân bền chặt, sâu nặng, nghĩa tình. Tạo sức mạnh và động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ sư đoàn viết tiếp bản hùng ca trong thời kỳ mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ban-hung-ca-dai-doan-dong-bang-648115

  • Từ khóa