Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020 ấn tượng qua 1 năm vượt khó

Thứ 6, 01.01.2021 | 10:37:39
422 lượt xem

Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng qua 1 năm đầy khó khăn đang tạo đà, tạo lực bứt phá cho công tác xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra cuối tháng 12/2020 cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, nhưng với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế và đây chính là bước tạo đà, tạo lực bứt phá cho công tác xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.

Dịch Covid-19 xuất hiện kéo theo hàng loạt khó khăn, gây ra đứt gãy các chuỗi cung ứng khiến hàng loạt ngành nghề sản xuất và chế biến bị ảnh hưởng.

Đánh giá về mức tăng trưởng trong công tác xuất nhập khẩu năm 2020, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chỉ rõ: Sau 35 năm đổi mới mở cửa và đẩy mạnh định hướng xuất khẩu, các chỉ số xuất khẩu mà Việt Nam đạt được về mặt số lượng là rất cao.

“Năm 1985, Việt Nam xuất khẩu khoảng 0,34 tỷ USD nhưng năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên cả nghìn lần. Xét về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam hiện đứng 26/240 nền kinh tế trên thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong 35 năm qua đạt trên 20%/năm, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng Top 5 thế giới như gạo, hạt điều, cà phê, dệt may, da giày, thủy sản…”, TS. Lê Quốc Phương chỉ rõ.

Nhìn nhận và phân tích những thành công của hoạt động xuất khẩu năm 2020, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) không quên những tháng đầu tiên của năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện kéo theo hàng loạt khó khăn, gây ra đứt gãy các chuỗi cung ứng khiến hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình hoãn, chậm trả, thậm chí dừng và hủy đơn hàng khiến DN các lĩnh vực hoang mang, lo lắng.

Trước bối cảnh đó, nhiều giải pháp của các Bộ, ngành và hiệp hội DN đã được đưa ra, nhằm kịp thời khơi thông các thị trường như việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng trong cả chiều cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn hướng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.

“Bằng những giải pháp thiết thực nên không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các thị trường ngách, sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh mà thị trường ngoài nước đang khan hiếm như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ y tế…giúp xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới”, ông Hải đánh giá.

Hướng chuyển dịch xuất khẩu từ lượng sang chất

Có thể thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, khi hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để hoạt động xuất khẩu thực sự bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, các lĩnh vực sản xuất, chế biến trong nước cần phải được hồi phục thực sự. DN cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại…

PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù đạt kết quả khả quan, song sở dĩ có được con số xuất siêu kỷ lục trong năm nay một phần do nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu và thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến chậm lại. Điều này cho thấy, sản xuất trong nước vẫn chưa có sự hồi phục hoàn toàn.

Theo TS. Lê Quốc Phương, điểm mấu chốt trong chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới phải làm sao chuyển từ tăng xuất khẩu về mặt số lượng sang tăng về chất, điều mà Việt Nam chưa làm được trong nhiều năm qua.

“Giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam rất thấp khi vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu. Giai đoạn tới cần tập trung nâng cao về chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Muốn vậy cần chuyển sang sản xuất xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ; tỷ lệ nội địa cao hơn bằng cách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là chiến lược xây dựng thương hiệu cho hàng hóa...”, TS. Lê Quốc Phương nêu giải pháp.

Hướng xuất khẩu bền vững cần chuyển sang sản xuất xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ; tỷ lệ nội địa cao.

Năm 2021 Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Để hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi hơn trong năm tới, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải lưu ý, việc tháo gỡ khó khăn cho các DN vẫn là ưu tiên trọng tâm. Bên cạnh sự hồi phục của các thị trường, các DN cần lưu ý tới hoạt động xúc tiến thương mại và tận dụng lợi ích từ Hiệp định EVFTA, nắm vững quy tắc xuất xứ, hàng hoá có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xuat-nhap-khau-viet-nam-2020-an-tuong-qua-1-nam-vuot-kho-827921.vov

  • Từ khóa