Qua dịch COVID-19, chúng ta càng hiểu rằng, hóa ra không phải cứ thu nhập cao là sung sướng, không phải cứ tăng trưởng kinh tế nhanh là sung sướng mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Trong Dự thảo Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nêu, cần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Một trong những điểm mới của Dự thảo Văn kiện lần này là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “hạnh phúc” của nhân dân.
Những năm qua, nước ta đã có những bước tiến vượt bậc về nâng cao chất lượng cuộc sống, là một trong những nước đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm. Điều đáng mừng là trong các đại hội Đảng bộ các địa phương vừa rồi, dù thể hiện ở các góc độ khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, thì nhiều địa phương đã đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, thể hiện qua Chỉ số hạnh phúc của người dân phải được nâng lên, bao gồm: thu nhập cao hơn, tiếp cận các dịch vụ xã hội thuận lợi hơn, đảm bảo đời sống tinh thần tốt hơn… Song để đạt được mục tiêu đó, còn cần phải làm rất nhiều việc và cũng không thể trong ngắn hạn.
Học sinh vùng cao Mù Cang Chải đến trường.
Là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhưng lần đầu tiên, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tiêu chí của chỉ số hạnh phúc gồm: Sự hài lòng của người dân về cuộc sống, về môi trường sống và chỉ số tuổi thọ.
Chia sẻ về mục tiêu này, bà Nguyễn Ngân Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Đây là một chủ trương, chính sách đáp ứng những xu thế mới. Chủ trương là phấn đấu để người dân được hưởng thụ nhiều nhất những quyền lợi chính đáng để cảm thấy cuộc sống tốt hơn, làm cho chất lượng cuộc sống nâng cao hơn. Bản thân họ cũng phải phấn đấu hằng ngày để chất lượng cuộc sống chính trong ngôi nhà của mình đảm bảo hạnh phúc thì mới đem lại hạnh phúc đến người khác".
Không chỉ riêng Yên Bái đưa mục tiêu chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, mà cấp ủy, Đảng bộ nhiều địa phương trong quá trình triển khai tổ chức Đại hội các cấp vừa qua cũng đã nghiên cứu, thảo luận và đưa chỉ số này vào Nghị quyết. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong văn kiện của từng địa phương có thể khác nhau như “Chỉ số hạnh phúc’; hay “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” hoặc “chăm lo đời sống vật chất của nhân dân”…. Dù cách gọi này hay cách gọi khác không giống nhau nhưng đều chung một mục tiêu chính là tinh thần phục vụ của cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị để chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đô thị, môi trường sống hạnh phúc, thành phố hạnh phúc là nơi người dân được đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống; cũng chính là những điều mà người dân lấy làm thước đo cho sự hài lòng, cho mong muốn đạt được một cuộc sống được cải thiện theo từng năm.
Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 17 đã nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm kỳ 2020-2025, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Theo đó, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,5 tuổi; Chú trọng hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: "Thành phố dự kiến cùng với các quận, huyện hỗ trợ mỗi một nhà văn hóa khoảng 2,5 tỷ đồng và các huyện phải nỗ lực giải quyết. Một số vấn đề tồn tại về đất đai, nhất là giao đất dịch vụ cấp sổ hồng, sổ đỏ, tình trạng thiếu công viên, kể cả các công viên mini từ thôn, tổ dân phố. Ngay trong năm 2021 phải tạo được chuyển biến căn bản này để cho người dân có thể tiếp cận ngay được không gian xanh, sạch, đẹp".
Theo các chuyên gia, chất lượng sống hay chất lượng cuộc sống, đã được Đảng ta xác định rõ tại Đại hội Đảng lần thứ 12, nhiều giải pháp quan trọng đã được triển khai, trong đó chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 thực hiện thành công, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm chỉ còn 2,75%, 6 triệu hộ thoát nghèo, 2 triệu hộ thoát cận nghèo; đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, điều kiện sống của người dân ở một số vùng, địa phương còn nhiều khó khăn, việc quy hoạch hạ tầng giao thông và hạ tầng xây dựng không đồng bộ, môi trường ô nhiễm; việc thụ hưởng văn hóa tinh thần còn chưa nhiều…
Để Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ hơn với mục tiêu và tầm nhìn 2045 thành nước có thu nhập cao, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố hạnh phúc của người dân. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nâng cao chất lượng cuộc sống không chỉ là việc người dân thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước mà bản thân mỗi người cũng cần đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và mọi người trong xã hội.
"Mục tiêu xây dựng xã hội phát triển phồn vinh hạnh phúc. Đó chính là đảm bảo sự công bằng xã hội và trong Hiến pháp của chúng ta thì luôn luôn đặt vấn đề làm sao đó để đảm bảo quyền lợi ích cơ bản của công dân nhưng cũng phải gắn với quyền và nghĩa vụ của công dân phải đóng góp cho đất nước, không thể nói rằng chỉ chờ hưởng lợi từ phía Nhà nước mà không có nghĩa vụ đối với dân tộc và đất nước. Cho nên xây dựng một đất nước phồn vinh là mục tiêu công bằng tiến bộ xã hội. Đó là một mục tiêu hết sức căn bản", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Nâng cao chất lượng cuộc sống là nhu cầu tất yếu. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, chất lượng cuộc sống không chỉ đong đếm bằng thu nhập mà trên hết đó là hạnh phúc với cuộc sống. Qua dịch COVID-19, chúng ta càng hiểu rằng, hóa ra không phải cứ thu nhập cao là sung sướng, không phải cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh là sung sướng mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Cho nên hạnh phúc cũng là điểm nhấn, tính con người, tính nhân văn.
Chất lượng cuộc sống có nội hàm cả về mặt vật chất lẫn tinh thần nhưng suy cho cùng, chất lượng đó đạt đến đâu là thể hiện qua sự hài lòng của người dân, được định tính bằng cảm nhận của người dân về chỉ số hạnh phúc. Làm sao để người dân cảm thấy thoải mái, hài lòng và hạnh phúc.
Một tin vui đối với người dân Việt Nam là theo Báo cáo Phát triển Con người toàn cầu năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì Việt Nam đã lọt vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người ở mức cao trên thế giới. Đây là tiền đề nhưng cũng là thách thức lớn để chúng ta tiếp tục thực hiện thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây, góp phần đưa chất lượng cuộc sống người dân sẽ ngày càng tăng cao, phát triển toàn diện và không ai bị bỏ lại phía sau./.
Thu Hiền/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/huong-den-dai-hoi-xiii-khong-phai-cu-thu-nhap-cao-la-sung-suong-828803.vov