Giáo viên mầm non mong chờ được nghỉ hưu sớm

Chủ nhật, 10.01.2021 | 10:12:09
631 lượt xem

Ngoài thường xuyên làm việc 10 tiếng trở lên, giáo viên mầm non cho rằng sức ép từ phụ huynh rất lớn, gây căng thẳng mỗi ngày đi làm.

Đầu tháng 1, sau khi nhận được kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu đưa giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nếu được bổ sung, hai nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. Trong khi tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 được điều chỉnh đến khi đủ 62 tuổi với nam năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035.

Bày tỏ vui mừng với đề xuất trên, cô Dìu Thị Quyến, 41 tuổi, giáo viên trường Mầm non Liên cơ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nói: "Tôi nghĩ không chỉ giáo viên mầm non thấy đây là nghề nặng nhọc mà nhiều người cũng nhận thấy".

Với gần 14 năm kinh nghiệm, cô giáo dân tộc Lô Lô dùng bốn từ "đi sớm về khuya" để nói về nghề nghiệp của mình. Dạy học ở vùng trung tâm của huyện, buổi sáng 7h15 đón trẻ thì các thầy cô phải có mặt từ trước 7h. Nếu đi xóm, tức là đi đến các điểm trường, giáo viên phải đi từ 5h30-6h.

Buổi trưa, giáo viên phải trực để trông giấc ngủ cho trẻ. Buổi chiều, phải sau 5h, việc trả trẻ mới hoàn tất và các cô mới có thể về nhà, nếu không có những công việc hành chính khác. Thời gian làm việc liên tục trong ngày luôn từ 10 tiếng trở lên, chưa kể nhiều giáo viên còn dành các buổi tối để đi vận động phụ huynh cho con tới lớp.

Việc chăm sóc và dạy dỗ hàng chục trẻ dưới 5 mỗi ngày "vô cùng vất vả". Cô Quyến chia sẻ ở nhà mỗi phụ huynh có thể chăm 2-3 con với độ tuổi cách nhau, nhưng ở lớp cứ hai cô giáo phải chăm 30 cháu, có lớp 40 cháu, tức mỗi cô phải chăm lo cho 15-20 trẻ cùng lúc. "Việc chăm sóc không khác gì bố mẹ chăm con ở nhà, thậm chí vất vả hơn vì vừa phải chăm, vừa phải dạy học", cô Quyến tâm sự.

Một vài năm gần đây, các trường mầm non ở Đồng Văn bắt đầu được yêu cầu áp dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy. Vốn quen nếp soạn bài và làm mọi thứ bằng tay, điều kiện kinh tế lại khó khăn, ít cơ hội tiếp xúc với công nghệ, cô Quyến và đồng nghiệp gặp khó khăn. Cô tự nhận mình hơn 40 tuổi đã thấy khó, một số đồng nghiệp trên 50 tuổi, học sinh gọi bằng "bà", thực sự vất vả khi tiếp cận. Vì vậy, việc được nghỉ hưu sớm là mong muốn của nhiều người.

"Không chỉ muốn nghỉ hưu sớm, chúng tôi còn mong nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt hơn với nghề này. Lương giáo viên ở vùng cao tốt hơn một chút nhưng chi tiêu đắt đỏ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, học sinh thiếu thốn, thầy cô đi lại vất vả. Chúng tôi cần được hỗ trợ nhiều hơn để vững tâm gắn bó với nghề", cô Quyến nói.

Học sinh mầm non của trường mầm non Củ Chi (thị trấn Củ Chi, TP HCM) được các giáo viên cho vui chơi, ăn uống, học tập tại trường, tháng 6/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Học sinh mầm non của trường mầm non Củ Chi (thị trấn Củ Chi, TP HCM) được các giáo viên cho vui chơi, ăn uống, học tập tại trường, tháng 6/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Cô Phạm Thị Ngọc Lan, 52 tuổi, giáo viên trường Mầm non Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP HCM cũng đồng tình với kiến nghị giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm. "Nghĩ trông trẻ thì nhẹ nhàng, sạch sẽ nhưng thật ra cực, vất vả lắm", cô giáo 27 năm trong nghề bộc bạch.

Một ngày làm việc của cô Lan bắt đầu từ 7h sáng, ngày nào trực phải đến từ 6h30 để đón trẻ, tan lớp lúc 17h và ngủ trưa 30 phút. Các giáo viên phân công nhau hàng tuần để trực buổi trưa, đến lượt ai thì không được ngủ.

So với những đồng nghiệp ít tuổi hơn, cô Lan gặp khó khăn khi không còn hoạt bát, kiến thức cũng hạn chế hơn. Các hoạt động chạy nhảy, vui đùa với học sinh giờ trở thành thử thách cho chính cô vì không nhanh nhẹn như trước. Nhiều ngày học sinh khóc, la hét, cô Lan bị đau đầu, mệt nhoài sau khi tan trường. "Tôi được chồng phụ giúp việc nhà nên đi làm về có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Đa số giáo viên mầm non về nhà vẫn phải dọn dẹp, cơm nước nên rất vất vả", cô Lan nói,

So với 1-2 năm trước, sức khỏe của cô Lan xấu đi rõ rệt, đặc biệt ở giọng nói khi phải thường xuyên hô hào, tổ chức hoạt động cho học sinh. "Khản tiếng là chuyện bình thường. Tôi may mắn khi chưa phải đi khám nhiều hay làm tiểu phẫu về thanh quản như nhiều đồng nghiệp khác", cô Lan kể.

Chia sẻ về nguy hiểm của nghề, cô giáo cho rằng nghề giáo viên mầm non không gặp những rủi ro về tính mạng. Tuy nhiên, các thầy cô gặp áp lực rất lớn trong việc trông trẻ. Nếu các bé không may bị xây xát, nhiều phụ huynh chỉ trích, mắng mỏ giáo viên thậm tệ, nhiều người còn đánh cả thầy cô.

Cô Lan kể, những lúc đó, nhẹ thì giáo viên bị phụ huynh đánh, trường kỷ luật, nặng hơn thì bị kiện và mất việc. Nhiều giáo viên trẻ tâm sự với cô Lan, đùa rằng không biết có thể bám trụ với nghề đến năm 45 tuổi hay không, chứ không dám nghĩ đến ngoài 50 vẫn theo nghề như cô. "Gắn bó với công việc này gần 30 năm, tôi cũng muốn nghỉ ngơi. Mong kiến nghị sớm được triển khai", cô Lan chia sẻ.

Cô trò trường Mầm non Những bông hoa nhỏ (phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai), tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Cô trò trường Mầm non Những bông hoa nhỏ (phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai), tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Là giáo viên một trường Mầm non tại Hà Nam, cô Hồng rất muốn kiến nghị giáo viên mầm non được về hưu sớm nhanh được triển khai. "Mong thế để đồng nghiệp trẻ, ít tuổi được hưởng chính sách chứ mình chắc không còn cơ hội vì sẽ về hưu vào tháng 9 năm nay", giáo viên sinh năm 1965 chia sẻ.

Sau khi làm đủ các nghề, cô Hồng gắn bó với việc trông trẻ từ năm 1996. Sau 25 năm trong nghề, cô cho rằng mọi khó khăn, thiếu thốn có thể vượt qua, nhưng sợ nhất vẫn là "sự kích động của phụ huynh". Dù cẩn thận đến mấy, nhiều khi không thể tránh được việc học sinh xô xát, cào cấu nhau, đôi khi móng tay em này hơi sắc cũng có thể khiến em khác bị một vết xước trên mặt, tay.

Tuy nhiên, không nhiều phụ huynh thông cảm với giáo viên mầm non. "Họ chỉ chất vấn tại sao con lại bị thế này, thế kia mà thường không bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân", cô Hồng nói, khẳng định đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của thầy cô mầm non, chỉ mong được nghỉ hưu sớm.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá việc đưa giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc là rất phù hợp và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng đề xuất nội dung này. Các giáo viên mầm non cần được quan tâm đặc biệt bởi gặp nhiều khó khăn đặc thù mà không cấp học nào gặp phải. Chẳng hạn, thời gian làm việc liên tục một ngày của giáo viên mầm non dài hơn nhưng không được trả chế độ phù hợp, thu nhập còn thấp, áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống.

"Trẻ nhỏ rất khác với học sinh các cấp trên. Giáo viên phải làm mọi việc giúp các em, từ vệ sinh đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, bảo vệ an toàn, luôn luôn phải ở bên cạnh các cháu. Chưa kể, họ phải chịu áp lực xã hội lớn khi trẻ nhỏ là đối tượng được quan tâm hàng đầu", ông Minh nói, cho biết cả nước hiện có chừng 362.000 giáo viên mầm non, độ tuổi trẻ hơn các cấp học khác vì những năm gần đây mới tăng số lượng tuyển.


Thanh Hằng - Dương Tâm/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/giao-vien-mam-non-mong-cho-duoc-nghi-huu-som-4218583.html

  • Từ khóa