Giáo viên không thể thờ ơ với học trò!

Chủ nhật, 10.01.2021 | 10:12:05
1,322 lượt xem

Đừng cho rằng không phải là việc chuyên môn mà thầy cô đành làm ngơ trước học trò, những đứa trẻ đáng thương cần được giúp đỡ

Giáo viên nhận trách nhiệm từ nhà trường để quản lý và giáo dục học sinh. Trong khi hoạt động chuyên môn gần như chiếm trọn thời gian ở trường, thầy cô chủ nhiệm còn phải liên lạc với phụ huynh, đôn đốc nhắc nhở từng học sinh.

Không thể tránh cảm xúc tiêu cực

Bên cạnh đó, nỗi vất vả mưu sinh kiếm sống, trách nhiệm chăm sóc con cái, gia đình cũng đang đè lên vai, hằn lên những cảm xúc đan xen của thầy cô khi đến lớp. Giáo dục con người chưa bao giờ là công việc dễ dàng.

Thầy cô cũng có cảm xúc, suy nghĩ riêng, có nhiều tâm trạng khi đối diện với phản ứng gay gắt của học trò, dễ khiến thầy cô thiếu kiềm chế. Hoặc để giúp trò giải tỏa tâm lý, thầy cô ngồi nghe câu chuyện của các em, thầy cô gánh luôn những "năng lượng tiêu cực", mà có khi không biết tìm chỗ nào để trút bỏ. Nếu không thể cân bằng được cảm xúc, thì áp lực tâm lý đó thầy cô phải hứng chịu. Trong những lúc như thế, ai sẽ là người giúp thầy cô gỡ bỏ áp lực?

Con cái ở nhà đâu phải lúc nào cũng thuận theo ý cha mẹ. Lắm khi cha mẹ phải cau có, la rầy. Không thiếu những cô cậu học trò có thái độ ngỗ nghịch, thiếu tôn trọng khi được thầy cô nhắc nhở. Những điều cha mẹ gửi gắm nhờ thầy cô lưu tâm nhắc nhở, có khi lại bị học sinh cho là can thiệp vào chuyện cá nhân của các em, là "mồi lửa" cho các phản ứng nổi loạn của tuổi dậy thì. Các em không thích bị quấy rầy, muốn sống trong không gian riêng tư, và hay đưa ra yêu sách với cha mẹ, kể cả với thầy cô. Cuộc sống hiện đại cho các em quá nhiều sự chọn lựa để vui chơi, giải trí nhưng vẫn làm các em cảm thấy cô đơn, có lúc bế tắc, mất phương hướng bởi sự ích kỷ, không muốn bị quấy rầy!

Giáo viên không thể thờ ơ với học trò! - Ảnh 1.

Sự quan tâm của giáo viên giúp trẻ tiến bộ nhanh nhất Ảnh: TẤN THẠNH

Ông bà ta vẫn thường nói "Thương cho roi cho vọt". Thầy cô có quan tâm mới bỏ thời giờ, bỏ công sức để nhắc nhở, động viên. Chẳng có thầy cô nào rảnh rỗi để đi lo chuyện học trò lớp khác. Những công việc không tên, không được trả lương, xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Khi đã chọn cái nghiệp dạy học, một khi đã muốn giúp học trò, thì thầy cô cũng ít nhiều lường trước những khó khăn sẽ phải đương đầu.

Thầy cô đừng ngại quấy rầy học trò, đừng sợ bị mang tiếng "khó ưa" mà thiếu sự quan tâm. Cũng đừng cho rằng đây không phải là việc chuyên môn, mà thầy cô đành nhắm mắt làm ngơ trước học trò, là những đứa trẻ tội nghiệp, đáng thương cần được giúp đỡ. Bởi vì thầy cô không đơn độc. Bên cạnh thầy cô còn rất nhiều đồng nghiệp, rất nhiều phụ huynh và xã hội ủng hộ.

Những gì trong khả năng có thể làm được thì thầy cô làm. Những gì vượt quá tầm tay thì thầy cô nên báo cáo cấp trên, tham khảo ý kiến đồng nghiệp để có sự hỗ trợ kịp thời. Phối hợp với gia đình để giáo dục là điều cần thiết. Thầy cô cần giải thích đầy đủ với phụ huynh để tìm được giải pháp, hơn là chỉ thông báo về các lỗi vi phạm của học sinh hoặc tranh biện.

Tìm cách gỡ bỏ áp lực

Nhận thức sẽ thay đổi nhưng không phải trong một sớm một chiều. Hôm nay, thấy đúng đó nhưng ngày mai có thể khác. Ranh giới giữa cái đúng, cái sai đôi khi rất mong manh. Chúng ta không ai hoàn hảo và thầy cô cũng thế. Do vậy, đừng sa đà vào việc tranh cãi rồi dẫn tới "giận quá mất khôn". Chính thầy cô mới là người gỡ bỏ áp lực của bản thân. Người thầy chinh phục học trò bằng trình độ học thức, bằng sự gương mẫu, tận tụy, để học trò không cảm thấy tự ti vì thầy quá hoàn hảo, nhưng người học trò còn đủ niềm tin sau những lần va vấp. Trò giỏi hơn thầy là niềm hạnh phúc của người thầy.

Một thói quen khó bỏ của nhiều thầy cô giáo, cứ bước vào lớp là… khảo bài cũ. Thầy cô càng khảo bài nhiều càng khiến học sinh khiếp sợ, ngán ngẩm, chán nản với môn học, nhất là với các môn xã hội, bởi nó tạo nên một áp lực học tập vô cùng lớn cho học trò. Tôi không phê phán việc này nhưng cần nhìn nhận một cách thấu đáo. Ít khi thầy cô hỏi nguyên nhân vì sao học trò chưa thuộc bài. Thầy cô mặc định học sinh không thuộc bài là học sinh lười học!

Nhưng có thể đằng sau việc chưa thuộc đó là câu chuyện buồn trong gia đình vào buổi tối trước đó, hay là do khả năng ghi nhớ môn học bị hạn chế, hoặc chỉ đơn giản là cảm giác sợ bị "lên dĩa", bị ghi tên vào sổ đầu bài nếu không thuộc bài. Có em khi lên bảng nhìn thấy thầy, thấy cô là chữ chạy hết trơn. Đó chỉ là một tình huống trong vô vàn vấn đề mà thầy cô cần quan tâm để tìm cách giúp đỡ, gỡ bỏ áp lực cho học sinh. 


Theo Nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-vien-khong-the-tho-o-voi-hoc-tro-20210109220030298.htm

  • Từ khóa