Đi làm việc ở nước ngoài để không còn là hộ nghèo

Chủ nhật, 10.01.2021 | 00:00:00
1,225 lượt xem

Với nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, trở về không chỉ là thoát nghèo cho mình, mà còn giúp đỡ gia đình vươn lên.

Chịu khó, chịu khổ, chịu học và quyết tâm. Đó là những phẩm chất của lao động ở các huyện khó khăn được hỗ trợ đưa đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan). Đi là để thoát nghèo và chỉ sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản, nhiều lao động không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá, góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo ở quê hương mình.

Ảnh minh họa, nguồn: KT

Ảnh minh họa, nguồn: KT

Sinh ra trong gia đình nghèo, học hết cấp 2, chàng thanh niên Đỗ Tiến Hào, ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ được giúp đỡ để xuất ngoại - sang Nhật Bản làm việc. Năm 2015, Hào được hỗ trợ vay vốn, học tiếng Nhật theo Chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) tổ chức. Sau 3 năm làm nghề xây dựng tại Nhật Bản, Đỗ Tiến Hào trở về với số tiền hơn 700 triệu. Nhờ biết sử dụng đồng vốn đúng cách và hiệu quả, anh Hào không chỉ đưa gia đình mình thoát khỏi hộ nghèo mà còn trở thành chủ cơ sở kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục người dân địa phương có thu nhập ổn định, cùng vươn lên thoát nghèo.

Anh Đỗ Tiến Hào cho biết: "Em sang Nhật, về sau 3 năm em tiết kiệm được 700 triệu, số tiền đó em mang về hỗ trợ cho gia đình. Em kinh doanh sắt vụn, sau số tiền nhân lên, giờ em mở thêm làm tấm nội thất trang trí nhà và đang phân phối 6 tỉnh phía Bắc- chuyên bán buôn bán lẻ tấm ốp nhựa cao cấp. Em trả lương cho 5 đến 6 anh em đang làm nội thất này là 12 triệu/tháng. Còn 7 người chuyên đi thu mua phế liệu là 6 đến 7 triệu/người/tháng".

Với nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, trở về không chỉ là thoát nghèo cho mình, mà còn giúp đỡ anh em trong gia đình vươn lên. Đất ít, ruộng ít - đi là để thoát nghèo là quyết tâm của anh Hà Xuân Dương và anh Hà Văn Quyến, ở xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Sau khi hết hạn hợp đồng làm việc ở Nhật Bản, trở về, anh Hà Xuân Dương đã xây một cửa hàng để mẹ bán tạp hóa. Còn vợ chồng người em trai được giúp 2 bộ máy xay xát và chế biến nông sản để ổn định cuộc sống. Còn anh Hà Văn Quyến đã xây được ngôi nhà khang trang, lấy vợ và hiện nay tiếp tục đi làm cho một công ty của Nhật Bản tại Bắc Ninh, với thu nhập ổn định. Đây là điều mà trước đó cả anh Dương và anh Quyến không bao giờ dám nghĩ tới, bởi thu nhập của gia đình chỉ trông vào nương chè và trồng rừng.

"Em đi từ năm 2015 đến 2018 là 3 năm. Quá trình bên Nhật thì học hỏi kinh nghiệm và cách làm việc của người Nhật em tiếp thu được rất nhiều thứ, khi về em cũng áp dụng vào công việc hàng ngày. Em thấy mình ổn định hơn nhiều so với trước khi đi", anh Quyến nói.

Nhiều xã tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã giảm tỷ lệ hộ nghèo và huyện 30a Tân Sơn cũng ra khỏi huyện đặc biệt khó khăn nhờ một phần đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đồng Sơn giảm từ 60% xuống còn 30% là nhờ một phần lao động xuất cảnh.

Ông Hà Thanh Giáp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều thanh niên được tham gia học tập và tiếp tục lao động xuất khẩu ở những thị trường cũng có thu nhập cao".

Không chỉ tạo điều kiện để lao động hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài, chính quyền và ngành chức năng ở địa phương còn tuyên truyền, định hướng để người nhà có thể sử dụng đồng vốn mà lao động gửi về một cách hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho quê hương.

Ông Lã Thái Sơn, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết: "Số lượng lao động hàng năm tham gia đi xuất khẩu là trên 200 lao động. Chúng tôi thấy rằng trong những năm qua, lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về góp phần làm cho công tác giảm nghèo của huyện được bền vững. Đồng vốn của họ gửi về gia đình thì chúng tôi cũng định hướng cho người nhà sử dụng có hiệu quả. Ví dụ như phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển chăn nuôi đại gia súc phát triển kinh tế dịch vụ thì thấy rằng hiệu quả mang lại rõ nét. Nhiều hộ đã thoát được nghèo. Nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển được kinh tế trang trại, gia đình và có thu nhập cao để góp phần giảm nghèo bền vững".

Đã có nhiều chính sách cho vay ưu đãi, với lãi suất thấp, miễn phí đào tạo học nghề, học ngoại ngữ, đi lại ăn ở và chi phí xuất cảnh được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Đón nhận những ưu đãi này, hiện nhiều huyện nghèo coi việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ./.


Hà Nam/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-de-khong-con-la-ho-ngheo-829159.vov

  • Từ khóa