Nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn

Thứ 4, 13.01.2021 | 00:00:00
650 lượt xem

Đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng, nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Đền Đông Cuông còn có tên khác là đền Thần Vệ Quốc hay đền Đông Quang. Đền không chỉ thờ những anh hùng người dân tộc thiểu số đã góp sức cùng quân dân nhà Trần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông mà đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn. Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là nơi khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hằng năm, xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh". Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh cho biết: “Đền Đông Cuông có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn. Vì trong thế vạn thần của đạo Mẫu, Mẫu Đông Cuông là Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn (nhạc phủ) cai quản miền rừng núi. Trong niềm tin tâm linh của các đệ tử đạo Mẫu thì đền Đông Cuông là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Thượng ngàn”.

Nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn
Tái hiện nghi lễ cúng Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông. 

Trong tâm thức của người dân nơi đây, Mẫu Thượng ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Đền Mẫu Thượng ngàn Đông Cuông nằm trong trục văn hóa tâm linh dọc sông Hồng, gồm: Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái) và đền Bảo Hà (Lào Cai). Người dân vùng thượng lưu sông Hồng có câu ca lưu truyền: “Thứ nhất là hội Đền Hùng, thứ nhì là hội Đông Cuông” để nói lên tính chất đông vui, nhộn nhịp của hai lễ hội truyền thống trong vùng. Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước hành hương tìm về đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài trong cuộc sống.

Ông Hà Trung Kiên, Phó trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Yên cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu đông đảo các thanh đồng và người dân dâng hương lễ Mẫu, đền Đông Cuông thường tổ chức hầu đồng diễn xướng. Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Yên đã thành lập câu lạc bộ hát văn đền Đông Cuông gồm 7 người và tổ chức hát xoay vòng. Những nghệ nhân hát văn được lựa chọn đều là người dân địa phương. Người nào hát văn tốt sẽ được giao nhiệm vụ hướng dẫn những người trẻ. Ai có năng khiếu về hát văn sẽ được liên hệ với các nghệ nhân để học hỏi kinh nghiệm. Hát văn của người Tày Khao ở Đông Cuông mang tính chất của dân tộc địa phương, là một nét văn hóa không thể thiếu được trong những dịp lễ cúng Mẫu Thượng ngàn”.


HOÀI PHƯƠNG/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/noi-khoi-nguon-tin-nguong-tho-mau-thuong-ngan-649004

  • Từ khóa