Nhiều khó khăn trong cách ly người nhập cảnh

Thứ 6, 15.01.2021 | 10:08:10
572 lượt xem

Người nhập cảnh trình giấy xét nghiệm nCoV từ nhiều nước khác nhau, chậm khai báo y tế,... đã gây khó khăn cho việc cách ly ở địa phương.

Tại cuộc làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế ngày 14/1, ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố đã cách ly gần 9.000 người từ 15 quốc gia nhập cảnh về Đà Nẵng. Trong đó, quân đội đảm nhận hơn 5.400 người, số còn lại ở các khách sạn và chủ yếu là chuyên gia.

Theo ông Hồng, trong bối cảnh tới đây Đà Nẵng sẽ tiếp tục nhận các chuyến bay đưa người Việt hồi hương, việc tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh và cách ly trên địa bàn đang tồn tại nhiều khó khăn. "Cơ quan chức năng chưa cập nhật được hết danh sách phòng xét nghiệm ở những nước có công dân nhập cảnh, để đối chiếu với giấy xét nghiệm họ mang theo", ông Hồng nói.

Ngoài ra, nhiều người nhập cảnh chưa khai báo y tế trước, khi xuống sân bay mới làm dẫn đến kéo dài thời gian hoàn tất hồ sơ để di chuyển về nơi ở tập trung; có chuyến bay nhập cảnh tới 300 người nên việc xét nghiệm "rất vất vả".

Nhân viên y tế phun khử khuẩn một khách sạn cách ly người nước ngoài nhập cảnh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn một khách sạn cách ly người nước ngoài nhập cảnh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Thêm vào đó, nơi cách ly của quân đội chủ yếu là các khu nhà huấn luyện chiến sĩ, các phòng không tách biệt nhau, mỗi phòng ở từ 70 - 80 người nên không đảm bảo yêu cầu về cách ly. "Khu vệ sinh cũng tập thể, việc này cần Bộ Y tế hướng dẫn thêm", ông Hồng nói.

Tình trạng người nhập cảnh "chui", tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng là mối lo lắng của Đà Nẵng. Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết vừa qua công an đã phát hiện một số vụ, nhưng mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đà Nẵng không có biên giới đất liền nhưng có biên giới biển, cửa khẩu cảng và hàng không. "Một số tỉnh phía Nam xuất hiện tình trạng người dân sau khi sang nước láng giềng đã nhập cảnh trở lại bằng tàu đánh cá. Đà Nẵng cũng có tàu đánh cá nên cần kiểm soát, nhắc nhở ngư dân chấp hành, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng cùng phòng, chống dịch", vị này nói.

Ông cũng cảnh báo việc việc thuyền viên Việt Nam trên các tàu hàng, đi lâu ngày nhớ vợ, con nên tìm cách trốn về nhà. Cơ quan chức năng cần đảm bảo tất cả các thuyền viên khi vào cảng xuất, nhập hàng không được xuống khỏi tàu. Những người làm việc ở cảng cũng không tiếp xúc gần với thuyền viên trên tàu.

"Sắp tới thành phố cần làm nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép, khuyến khích mỗi người dân là một tai mắt trong việc tố giác những tổ chức, cá nhân vi phạm", ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: Nguyễn Đông.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đánh giá các đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng "đang thực hiện tốt nhiệm vụ", tuy nhiên, cần sẵn sàng cho những tình huống mới.

Ông nhận định Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng vì từ Bắc vào Nam và ngược lại "đi đâu cũng phải qua Đà Nẵng". Nguy cơ thành phố phải đối mặt với dịch bệnh rất lớn, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới do thói quen mọi người đi thăm nhau. Do vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị địa phương tăng cường kiếm soát chặt chẽ nhà ga, bến cảng, nhưng nơi tập trung đông người; tiếp tục ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép.

"Trong lúc địa phương đang kiểm soát tốt thì cần lên kịch bản và chuẩn bị nhất về nguồn lực, sinh phẩm, hóa chất, thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi tiếp nhận số lượng đông người nhập cảnh", ông Cường nói.


Nguyễn Đông/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhieu-kho-khan-trong-cach-ly-nguoi-nhap-canh-4221158.html

  • Từ khóa