Covid-19 ‘phơi bày’ điểm yếu của du lịch Hà Nội

Thứ 4, 20.01.2021 | 08:18:11
790 lượt xem

Hà Nội mới chỉ khai thác các lợi thế có sẵn mà chưa có sản phẩm đặc trưng, chưa có nhiều sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế để hấp dẫn du khách.

Thiếu sản phẩm, bỏ quên thị trường nội địa

Vốn là trung tâm trung chuyển khách hàng đầu cả nước, trước Covid-19, Hà Nội luôn đón lượng khách quốc tế và nội địa rất lớn. Với lợi thế là giao thông, cùng hệ thống di tích văn hóa – lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ du lịch, ẩm thực… khách du lịch đến Hà Nội tăng trưởng tốt qua từng năm như một “lẽ tự nhiên”.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch Việt Nam và thủ đô Hà Nội mất thị trường quốc tế, khách nội địa trở thành ưu tiên hàng đầu. Thông lệ “ăn tối, rối nước” ở Hà Nội không còn phù hợp với du khách Việt. Trong lúc nhiều tỉnh, thành phố đẩy mạnh quảng bá và thu hút thành công du khách nội địa, thì du lịch Hà Nội chưa làm được điều này.

Tại hội nghị của Thành ủy Hà Nội với ngành du lịch ngày 19/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định, Covid-19 đã bộc lộ điểm yếu của du lịch Hà Nội; đó là không giữ được khách, chưa có sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, thiếu sự kiện quy mô, thiếu cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí…

“Trong lúc các tỉnh, thành trên cả nước tập trung vào thị trường nội địa, thì khách nội địa đến Hà Nội lại chưa tăng trưởng, chỉ có khách đi mà không có khách đến. Sản phẩm hấp dẫn của du lịch Hà Nội là gì?” – ông Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, “Hà Nội có nhiều làng nghề, có áo dài, ẩm thực tại sao thiếu những festival, sự kiện lớn để thu hút du khách?”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị của Thành ủy Hà Nội làm việc với ngành du lịch ngày 19/1.

Thiếu sản phẩm khiến du lịch Hà Nội đánh mất thời gian lưu trú và tiền chi tiêu của du khách. Ông Phạm Văn Bảy – Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biết: “Hiện nay, trong các tour du lịch dài ngày ở phía Bắc, Hà Nội thường chỉ đón khách đêm đầu và đêm cuối, còn lại khách sẽ tham quan, chi tiêu tại Lào Cai, Quảng Ninh, Ninh Bình, các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc… Thời gian ở Hà Nội, du khách còn được “tiết kiệm tiền” vì các dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí chưa đủ đặc sắc để chi tiêu”.

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cũng thừa nhận những hạn chế hiện tại của du lịch Thủ đô, như hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách. Các doanh nghiệp lữ hành quy mô còn nhỏ, thếu doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao để dẫn dắt thị trường. Nhiều đề án, dự án phát triển du lịch như quy hoạch làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, công viên Hoàng Thành Thăng Long... còn triển khai chậm.

Để tháo gỡ cho du lịch Hà Nội, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Hà Nội phải coi mình là điểm du lịch thực sự để thu hút du khách, thay vì thói quen đón khách đến công tác và là điểm trung chuyển như thời gian qua.

“Những năm qua Hà Nội đã bỏ quên việc xúc tiến du lịch nội địa. Hà Nội phải là nơi hút khách chứ không phải chỉ phân phối khách; muốn hút khách từ thị trường nào thì phải có sản phẩm phục vụ cho thị trường đó, vì thị hiếu khách miền Bắc, miền Trung, miền Nam khác nhau. Quan trọng hơn, Hà Nội không nên thu hút khách theo kiểu “nhỏ lẻ” mà phải bằng các sự kiện lớn” – ông Vũ Thế Bình cho biết.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hà Nội

“Cứu” ngành du lịch để phục hồi kinh tế

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng của thành phố Hà Nội năm 2021 và những năm tiếp theo, vì ngành du lịch - dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế Thủ đô.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Năm 2021 du lịch Hà Nội phải tập trung thu hút khách nội địa thông qua tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội phải được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, vì chính doanh nghiệp mới có thể tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn. “Nếu doanh nghiệp đóng cửa, nhân lực du lịch mai một sẽ gây ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ, khó đáp ứng nhu cầu khi thị trường phục hồi và khách quốc tế quay trở lại” – ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Các sự kiện lớn và du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng - PV) cũng là giải pháp cho du lịch Hà Nội trong thời gian tới. Ông Vũ Thế Bình khẳng định, hội nghị, hội thảo là yếu tố quan trọng để thu khách nội địa: “Các sự kiện MICE luôn mang tới đoàn khách lớn, thuộc phân khúc cao cấp và có sức lan tỏa rộng rãi. Không có cơ sở lưu trú, khu triển lãm đủ lớn, Hà Nội để lỡ mất cơ hội tổ chức các sự kiện lớn; trong khi Đà Nẵng, Khánh Hòa thu hút rất tốt các hoạt động MICE”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đề nghị ngành du lịch Thủ đô tổ chức các sự kiện đều đặn và không trùng lặp trong cả năm để hút khách; ví dụ khu phố đi bộ nên có chủ đề theo từng tháng để khách quay lại nhiều lần. Ngoài ra, Hà Nội nên khuyến khích các tỉnh, thành phố khác đến xúc tiến du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối trao đổi khách.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu ngành du lịch Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy du lịch năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Hà Nội cần đẩy mạnh thu hút du khách nội địa, mở rộng phát triển du lịch ra ngoại thành, thúc đẩy người dân đi du lịch xung quanh Hà Nội, đăng cai các sự kiện văn hóa - thể thao lớn, lựa chọn đại sứ du lịch để quảng bá hình ảnh Thủ đô… Các sự kiện tại Hà Nội phải được nâng tầm quốc gia, chứ không dừng lại ở quy mô thành phố./.

Khách nội địa sẽ là ưu tiên hàng đầu của du lịch Hà Nội trong năm 2021.


Hải Nam/VOV.VN

https://vov.vn/du-lich/covid-19-phoi-bay-diem-yeu-cua-du-lich-ha-noi-831664.vov

  • Từ khóa