Để không là nạn nhân ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

Thứ 4, 20.01.2021 | 14:30:40
704 lượt xem

Đối với bánh mứt kẹo, cơ sở giả mạo hay dùng phụ gia cấm, phụ gia ngoài danh mục như chất ngọt tổng hợp cũng như yếu tố phẩm màu. Đây là nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm người tiêu dùng cần hết sức chú ý.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực phẩm cuối năm rất dồi dào. Sản lượng gia cầm tăng 15%, thủy sản tăng 6%, đại gia súc tăng 4,5%. Cùng với đó là các mặt hàng thực phẩm khác cũng đã sẵn sàng cho một thị trường Tết đang bắt đầu nóng lên.

Tại một số chợ nội thành Hà Nội, thời điểm này, giá các mặt hàng tươi sống đang nhích nhẹ dần. Một phần là do nhu cầu tiêu dùng gia tăng dịp cận Tết và cũng một phần là bởi thời tiết miền Bắc đang khá khắc nghiệt.

Tết Nguyên đán được coi là thời điểm để thực phẩm bẩn có cơ hội xâm nhập vào thị trường

Dự báo, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3%-20% theo từng nhóm hàng. Trong đó, các loại nông sản, thực phẩm, nguyên liệu chế biến đồ uống… được xác định là những sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết nguyên đán. Và hiện, nguồn cung được cho làm đảm bảo với khoảng 290.000 tấn tạo, 60.000 tấn thịt lợn, 19.000 tấn thịt gà, 300.000 tấn rau củ, 16.000 tấn thủy hải sản….

Như vậy, dịp Tết nguyên đán, khối lượng thực phẩm cung cấp cho thị trường có thể tăng gấp 30-40% so với ngày thường. Đây được coi là thời điểm để thực phẩm bẩn có cơ hội xâm nhập vào thị trường. Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã phát hiện một xe ô tô vận chuyển 38 bao tải chứa gần 1,2 tấn các loại sủi cảo, chả cá dạng viên có xuất xứ nước ngoài không có hoá đơn, chứng từ liên quan.

Lực lượng chức năng đã phát hiện xe đông lạnh chứa 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn châu Phi và gần 2 tấn sản phẩm gia súc đông lạnh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hải Phòng… Thật khó tưởng tưởng, nếu những thực phẩm bẩn này trót lọt vào thị trường, nó sẽ đe dọa đến sức khỏe của người dùng như thế nào?

PGS.TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết: Bánh mứt kẹo là loại hàng thực phẩm dễ bị làm giả nhất. Cơ sở có thể gian lận nhãn mác, lấy nhãn mác của những công ty có tiếng tăm rồi ghi thành tên của mình, đánh lừa người tiêu dùng. Những thực phẩm nhập khẩu cũng có nguy cơ tương tự.

“Đối với bánh mứt kẹo, cơ sở giả mạo dễ dùng phụ gia cấm, phụ gia ngoài danh mục như chất ngọt tổng hợp cũng như yếu tố phẩm màu. Đây là nguy cơ mà người tiêu dùng cần phải chú ý”. - PGS.TS Trần Đáng cảnh báo.

Thời tiết cuối năm thường lạnh kèm theo độ ẩm cao cũng dễ khiến cho các thực phẩm này… bị nấm mốc, sinh ra độc tố, gây ngộ độc cho người ăn phải, nhất là khi trong loại bánh đó có thêm hạt điều, hạt lạc… Nếu độc tố đó là chất aflatoxin có thể gây ung thư.

Vì vậy, để tránh mua phải thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng không nên mua tùy tiện ngoài thị trường, nên mua ở siêu thị, những cơ sở có uy tín… Khi mua, quan sát thực phẩm có tem nhãn đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, hạn sử dụng…/.


Thanh Phượng, Mai Hương/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/de-khong-la-nan-nhan-ngo-doc-thuc-pham-dip-cuoi-nam-831771.vov

  • Từ khóa