Quản lý thị trường một năm với những “trận đánh” lớn

Chủ nhật, 24.01.2021 | 14:45:20
596 lượt xem

Quản lý thị trường (QLTT) đã lập một bộ phận “đặc nhiệm” chuyên trách chống gian lận trên môi trường internet, với những mô hình kinh doanh mới trên các mạng xã hội, kênh bán hàng livestream…

2020 là năm đặc biệt đối với lực lượng quản lý thị trường khi vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song công tác quản lý thị trường đã có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn và đã đánh trúng, đánh đúng đường dây ổ nhóm, đối tượng cầm đầu.

Sau khi tổ chức lại hệ thống các cơ quan Quản lý thị trường theo ngành dọc, lần đầu tiên, lực lượng đã có những chiến dịch, có đề án mang tính tổng thể, toàn diện, đấu tranh đánh trực diện vào những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về hàng lậu, hàng giả.

Nhận diện hoạt động mua bán online ngày càng trở nên phổ biến, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các cách được sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận tin nhắn riêng; một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

(Ảnh minh họa: KT)

(Ảnh minh họa: KT)

Chính vì vậy, từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận “đặc nhiệm” chuyên trách chống gian lận trên môi trường internet. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, QLTT đã xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng livestream.

“Chúng tôi tập trung vào công tác chuyên môn chống hàng giả và gian lận xuất xứ hàng hóa. Đây là 2 nhiệm vụ chính cùng với những hành vi gian lận thương mại mới nổi, xuất xứ hàng hóa. Năm 2020 trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường thì thấy gian lận xuất xứ đang nổi lên phổ biến nhưng mà rất là khó đối phó. Việc nhập hàng hóa sau đó gắn nhãn mác của Việt Nam hoặc nhãn mác của các quốc gia khác thì đang đòi hỏi đặt ra một thách thức rất lớn đối với trình độ chuyên môn nghiệp” - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nói.

Dự báo, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh, thiên tai trong năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường phát triển theo nguyên tắc: “Chính quy- Chuyên nghiệp – Hiện đại”, thực hiện Chiến lược phát triển lực lượng Quản lý thị trường giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, “chính quy” phải tuân thủ đúng quy định, nguyên tắc, chuẩn mực; “hiện đại” là không lạc hậu, ứng dụng công nghệ thông tin; “chuyên nghiệp” là đào tạo lực lượng bài bản. Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong công tác tập huấn, đào tạo, hỗ trợ kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đạt hiệu quả cao nhất.

“Rõ ràng đối với chúng ta thì công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả chống các hàng vi vi phạm liên quan đến pháp lệnh đo lường về giá, các hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng là những nhiệm vụ quan trọng của ngành Công thương. Và không ai hết thì lực lượng QLTT là những đơn vị chủ công trong lĩnh vực này” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Qua thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An yêu cầu, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.

Năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) trên 136 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm (ước tính) gần 400 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối gần 160 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ việc được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính./. 


Phạm Hạnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong-mot-nam-voi-nhung-tran-danh-lon-832684.vov

  • Từ khóa