Việt Nam có 30 địa phương tham gia ‘nhóm trên 10.000 tỷ đồng’

Thứ 4, 27.01.2021 | 15:47:47
535 lượt xem

Năm 2020, Việt Nam có 30 tỉnh, thành số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vào nhóm trên 10.000 tỷ đồng.

Sáng 27/1, Đại hội XIII bước sang ngày làm việc thứ ba, thảo luận về các Văn kiện trình Đại hội. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành thảo luận.

Tham luận của ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho hay quy mô thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Văn kiện Đại hội XII (20-21% GDP).

Cơ cấu thu hiện đại hơn, bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập của nền kinh tế; tỷ trọng thu nội địa tăng dần; thu ngân sách từ tài nguyên khoáng sản và từ thuế xuất, nhập khẩu giảm từ mức bình quân 30% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 17,8% giai đoạn 2016-2020; trong đó tỷ trọng thu dầu thô trong tổng thu NSNN năm 2020 chỉ còn 2,3%, giảm mạnh so với mức 15-18% những năm 2011-2012.

Theo phân cấp, thu ngân sách địa phương xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng. Số lượng các địa phương có số thu NSNN trên địa bàn vào nhóm trên 10.000 tỷ đồng, từ 5.000 nghìn đến dưới 10.000 tỷ đồng và từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng không ngừng tăng qua các năm. Năm 2016 tương ứng là 15 địa phương, 11 địa phương và 37 địa phương thì đến hết năm 2020 tương ứng là 30 địa phương, 16 địa phương và 16 địa phương.

Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, quy mô chi bình quân 5 năm 2016-2020 khoảng 27,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP); cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực.

Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm (gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015) xuống còn 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu nợ chuyển biến tích cực, quy mô nợ công giảm từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,8% GDP vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống 49,6% GDP.

Theo ông Dũng, kết quả tích cực từ quá trình cơ cấu lại NSNN giai đoạn 2016-2019 đã tạo dư địa quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Việt Nam đã chủ động, kịp thời thực hiện hệ thống các giải pháp miễn, giảm, giãn, gia hạn khoảng 128.000 tỷ đồng thu NSNN, đồng thời bảo đảm nguồn đáp ứng nhu cầu chi phòng, chống đại dịch Covid-19, chi cứu trợ cứu nạn, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập...

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Giang Huy

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Giang Huy

Đăng đàn với tham luận về "phát triển kinh tế tri thức" ông Nguyễn Thành Phong – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức.

Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TP HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi vừa có sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vừa có vai trò của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp. Điển hình là hình thành Viện công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thành lập các Hội đồng phát triển kinh tế ngành với sự tham gia của nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nghiên cứu và các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: Giang Huy

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Phong, thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những ứng dụng của công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử, phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, khởi nghiệp sáng tạo..., luôn được người dân và doanh nghiệp đồng tình và tích cực hưởng ứng.

TP HCM đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới, trong đó cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược này phải đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển và chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá, định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.

Ông Phong cũng đề xuất cần đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. "Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức", ông nói và cho rằng muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đây là tình huống xuất hiện các ngành, lĩnh vực mới liên quan đến chuyển đổi số, đó vừa là cơ hội, vừa là áp lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.

Lãnh đạo TP HCM kiến nghị Chính phủ lựa chọn, đưa ra chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong "sân chơi" toàn cầu.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Trình bày tham luận đầu tiên trong phiên làm việc của Đại hội XIII sáng 27/1, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong khi đó, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc.

"Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt, có nơi còn diễn biến phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng nguy hiểm và tinh vi", ông Mẫn phát biểu và cho rằng những thách thức đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN, thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

"Lắng nghe ý kiến nhân dân..., đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệu quả hơn trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", ông nói.

Qua thực tiễn hoạt động, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN nêu 5 bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ VN. Đầu tiên là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân", ông nói.

Chiều 27/1, Đại hội XIII tiếp tục thảo luận tại hội trường về các Văn kiện trình Đại hội.


Hoàng Thùy/vnexpress.net

https://vnexpress.net/viet-nam-co-30-dia-phuong-tham-gia-nhom-tren-10-000-ty-dong-4227055-tong-thuat.html

  • Từ khóa