Hàng loạt khách sạn, nhà hàng lâm cảnh bi đát, người lao động lao đao

Thứ 3, 09.02.2021 | 14:50:07
572 lượt xem

Nhiều khách sạn dọc đường Trần Phú (Nha Trang) đóng cửa, chẳng cần bảo vệ...nên các bác lái xích lô, người lao động có thể tranh thủ nghỉ trưa ở sảnh.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Năm 2020, tổng lượt khách lưu trú đạt 1.247,8 nghìn lượt, đạt 16,95% so với kế hoạch, giảm 82,17% so với cùng kỳ năm 2019. Ngày khách lưu trú đạt 3.750,7 nghìn ngày khách, giảm 82,14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 437,6 nghìn lượt, đạt 11,22% so với kế hoạch, giảm 87,71% so với cùng kỳ năm 2019; Khách nội địa ước đạt 810 nghìn lượt, đạt 23,41% so với kế hoạch, giảm 76,45% so với cùng kỳ năm 2019.

Tài xế xích lô "được nghỉ ở khách sạn sang"

Những ngày này, đến thành phố biển Nha Trang không còn thấy cảnh tấp nập khách du lịch. Thay vào đó là hàng loạt khách sạn với các thương hiệu lớn nằm dọc con phố Trần Phú đều đóng cửa im lìm, thậm chí nhiều khách sạn hạng sang không có bảo vệ, để mặc cho những người lái xe taxi, xích lô vào nghỉ tạm giữa buổi ở sảnh.

Con phố Nguyễn Thiện Thuật vốn được coi là “khu phố đêm” ở Nha Trang nay cũng trong cảnh vắng lặng, im lìm. Nhiều cửa hàng treo biển hiệu cho thuê hoặc sang nhượng dù biết rằng chẳng có ai đầu tư thời gian này.

Nhiều nhà hàng đóng cửa vì vắng khách

Anh Shiva – Chủ nhà hàng Ganesh (Nhà hàng Ấn Độ) ở 82 Nguyễn Thiện Thuật cho biết, chuỗi cửa hàng của anh có mặt ở 9 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ khi có dịch Covid 19, lượng khách đến nhà hàng của anh Shiva giảm mạnh. Riêng cơ sở 82 Nguyễn Thiện Thuật bình thường có 16 nhân viên nhưng nay chỉ giữ lại 2 nhân viên, tiền lương phải trả chậm 1-2 tháng. Để hỗ trợ anh, chủ nhà đã giảm giá thuê nhà từ 600 triệu/năm xuống còn 300 triệu/năm. “Nhưng mức thuê này với tôi vẫn là đắt vì không có khách đến nhà hàng mà tiền lương, tiền thuê nhà vẫn phải trả” – anh Shiva chia sẻ.

Trong suốt thời gian lưu lại Nha Trang, chúng tôi được anh Tuấn – đang làm việc tại một công ty dịch vụ du lịch chia sẻ rất nhiều câu chuyện về những khó khăn mà những người làm dịch vụ như anh phải đối mặt. Du lịch “chết” thì những người làm nghề như anh cũng không có việc làm. Tiền khi trước vay ngân hàng đóng cổ phần với công ty để chạy xe giờ cũng không biết đến khi nào mới trả nợ được… Gặp mỗi người lái xe taxi, mỗi người dân làm nghề kinh doanh lại là một câu chuyện khó khăn cần chia sẻ. Một vòng tròn các khó khăn liên tục đổ lên những người lao động ở thành phố biển này mà không biết đến bao giờ mới có thể thoát ra.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết: Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề hoạt động du lịch, dịch covid-19 làm cho một số tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phải dừng hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa. Việc này đã kéo theo người lao động ngành du lịch bị mất việc, thất nghiệp ảnh hưởng đến đời sống người lao động ngành du lịch.

Làm nóng ngành du lịch đang ngủ đông

Với những lợi thế sẵn có cũng như việc làm tốt công tác phòng, chống dịch, Khánh Hòa là địa phương có vị trí đặc biệt trong chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, góp phần tăng trưởng lượt khách đến với các tỉnh lân cận trong vùng liên kết Miền Trung – Tây Nguyên.

Trước mắt, trong nỗ lực khôi phục ngành du lịch dựa trên tiêu chí du lịch an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển, ngành du lịch Khánh Hòa đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

Ngoài việc đưa ra hàng loạt các giải pháp, các chương trình để làm nóng ngành du lịch đang ngủ đông, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, Khánh Hòa còn tạo liên minh kích cầu du lịch giữa các doanh nghiệp, thống nhất chào bán theo tiêu chí 100% chương trình, sản phẩm đảm bảo chất lượng, có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch sẽ góp phần lan tỏa thông tin, hình ảnh về du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến với du khách trong nước và quốc tế. 

Trong bối cảnh thị trường du lịch liên tục biến đổi, đối với ngành du lịch mà nói mới bắt đầu ổn định lại, các doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch thông qua việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, các điểm đến phù hợp với thị hiếu, xu hướng mới của du khách, sẽ tăng sức cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, tổ chức các hoạt động đón khách trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân năm 2021.Dịch Covid-19 lại tái diễn phức tạp, có thể các hoạt động cũng sẽ bị điều chỉnh tạm ngưng hoặc bị gián đoạn nhằm siết chặt quản lý, bảo đảm an toàn chống dịch cho du khách cũng chính là cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng từ trong dịch bệnh, nhận thấy, cơ cấu kinh tế của địa phương “đang có vấn đề”, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho rằng, thời gian tới địa phương cần chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp; tiếp tục phát triển thế mạnh du lịch.

Để có thể chủ động trong hoạt động thời gian đến, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Khánh Hòa có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, theo dõi tình hình dịch các nước là thị trường trọng điểm; để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách quốc tế. Bên cạnh các hoạt động thu hút khách, trong tình hình dịch bệnh ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết du lịch vùng như tổ chức các buổi làm việc trực tuyến, trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời./.


An Nhi/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/hang-loat-khach-san-nha-hang-lam-canh-bi-dat-nguoi-lao-dong-lao-dao-836355.vov

  • Từ khóa