Mùa đào chuông trên Bà Nà - Núi Chúa

Thứ 7, 13.02.2021 | 09:38:39
1,446 lượt xem

Hoa đào chuông, biểu tượng Bà Nà bung nở và chim hút mật tạo nên bức tranh mùa xuân, thu hút các nhiếp ảnh gia đến tác nghiệp.

Bộ ảnh “Loài hoa biểu tượng Bà Nà khoe sắc hồng” do nhiếp ảnh gia Phạm Phùng (TP Đà Nẵng) thực hiện. Anh đam mê nhiếp ảnh, chụp đa đạng thể loại, từ phong cảnh, động thực vật cho tới đời thường, đặc biệt thích chụp thiên nhiên và các loài đặc hữu tại Đà Nẵng.

“Tôi thường lên Bà Nà để săn ảnh, nhất là vào mùa xuân vì thời điểm này đào chuông bung nở, thiên nhiên đầy sức sống và có nhiều chim đến hút mật hoa. Các loài chim trên Bà Nà cũng là đối tượng để tôi tác nghiệp”, anh Phạm Phùng nói.

Theo tài liệu Sinh vật rừng Việt Nam, đào chuông còn có tên Việt Nam là trợ hoa (tên khoa học Enkianthus quiaqueflorus), thuộc họ đỗ quyên. Cây mọc rải rác dưới tán rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi cao, đôi khi tập trung thành từng đám. Ban đầu, cây phát triển tự nhiên trong vùng rừng được người dân phát hiện, đem về nhân giống, trồng trên khu du lịch Bà Nà.

Đào chuông là loài cây bụi cao 4 - 5 m. Cụm hoa nở được bao bọc bởi nhiều lá non màu đỏ. Người dân bản xứ gọi là hoa đào chuông do có sắc hồng như hoa đào nhưng hình dáng lại giống các chiếc chuông nhỏ, treo lơ lửng đầu cành.

Bà Nà thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25 km về hướng Tây Nam. Vào dịp Tết Nguyên đán, cảnh sắc thơ mộng của hoa đào chuông trên Bà Nà thu hút du khách và các nhiếp ảnh gia đến tác nghiệp, tham quan.

Đào chuông có thể được tìm thấy ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum (vùng rừng Kon Plông), Khánh Hòa (Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà). Trong đó, vùng rừng núi Bà Nà - Núi Chúa là nơi trồng nhiều đào chuông nhất, hiện loài hoa được xem như biểu tượng của khu du lịch Bà Nà, với quần thể khoảng 500 cây.

Từ một loài hoa độc đáo của rừng Bà Nà – Núi Chúa, đào chuông nay trở thành biểu tượng đặc trưng cho khu du lịch Bà Nà nói riêng, cho du lịch Đà Nẵng nói chung. Hình ảnh hoa đào chuông còn được mang về phố phường Đà Nẵng, trang trí điểm nhấn tại các tuyến đường trung tâm thành phố. Đào chuông còn được ưa chuộng để chơi Tết, không cần tuốt lá, bấm cánh kích hoa đúng dịp Tết như các loại hoa đào khác.

Mùa hoa đào chuông nở từ tháng 1-3 hàng năm, rực hồng trên sườn đồi Bà Nà. Tại khu du lịch Bà Nà, du khách có thể tìm thấy đào chuông ở Trú Vũ Trà Quán, đền Lĩnh Chúa Linh Từ hay Linh Phong Thiền Tự.

Vùng rừng Bà Nà – Núi Chúa có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Trong những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn là nơi cư trú của gần 260 loài động vật, trong đó có khoảng 178 loài chim. Một số loài chim được xem là tương đối phổ biến của vùng này như hút mật đuôi chẻ (ảnh) và chào mào bụng vàng.

Trong đợt săn ảnh trên Bà Nà (từ ngày 17-21/1), anh Phạm Phùng đã chụp được nhiều khoảnh khắc sinh động của loài chim hút mật đuôi chẻ. Sắc màu chim hút mật và hoa đào chuông hòa quyện tạo nên bức tranh mùa xuân.

Chim hút mật đuôi chẻ (hay hút mật đuôi nhọn) là loài có kích thước nhỏ trong nhóm hút mật – với độ dài khoảng 10 cm. Chim trống có đỉnh đầu và phần trên đuôi màu xanh bóng, đuôi có hai lông dài trên đuôi, cổ và ngực trên màu đỏ đậm, thân dưới màu vàng pha xanh nhạt.

Chào mào bụng vàng trên cành hoa đào chuông đang trổ lá non. Anh Phạm Phùng chia sẻ, chụp ảnh chim đòi hỏi các tay máy phải quan sát, kiên nhẫn và đam mê mới bắt được khoảnh khắc ưng ý.

Toàn cảnh khu du lịch Bà Nà. Với góc nhìn từ trên cao, du khách có thể nhận thấy “châu Âu thu nhỏ” như làng Pháp, thánh đường St.Denis và ngôi làng Apremont sur Allier thơ mộng.

Từ ngày 01/02 đến 31/3/2021, lễ hội hoa xuân có chủ đề “Ước hẹn mùa xuân” tổ chức tại Bà Nà, cũng đúng dịp vào mùa hoa đào chuông bung nở, hứa hẹn thỏa lòng du khách và các nhiếp ảnh gia đến tham quan, sáng tác.


Huỳnh Phương/Vnexpress.net

  • Từ khóa