Những doanh nhân Việt tuổi Sửu

Thứ 7, 13.02.2021 | 14:41:31
650 lượt xem

"Vua" thép Trần Đình Long, nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh, bà Lê Hoàng Diệp Thảo... là những doanh nhân tuổi Tân Sửu và Quý Sửu.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát

Một trong số ít tỷ phú ở Việt Nam là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát sinh vào năm Tân Sửu 1961.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, vị doanh nhân quê Hải Dương cùng bạn thân lập ra công ty buôn bán đồ cũ từ Nga năm 1992 và dần mở rộng ra các lĩnh vực khác như máy móc, nội thất. Kinh doanh qua nhiều mảng nhưng phải tới nửa cuối thập niên 90, ông mới thành lập công ty về thép và ông thép. Năm 1996, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát được thành lập. 4 năm sau đó, đến lượt Công ty cổ phần Thép Hòa Phát ra đời.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: Anh Tú.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: Anh Tú.

Hơn hai thập kỷ sau khi bước chân vào ngành thép, Tập đoàn Hoà Phát hiện giữ thị phần đứng đầu về thép xây dựng tại Việt Nam. Riêng trong năm 2020 – một năm khó khăn chung của ngành, lãi sau thuế của Hoà Phát vẫn tăng 80% so với năm trước, đạt con số kỷ lục 13.500 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại với thép, doanh nhân tuổi Sửu này còn dấn thân vào mảng nông nghiệp từ năm 2015 bất chấp nhiều nghi ngại. Sau 5 năm làm nông nghiệp, cứ 2 con bò Australia ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Bởi vậy, "vua thép" vẫn luôn tự hào khi nói rằng, Hoà Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào. Hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp thứ hai về doanh thu và lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn Hoà Phát, sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép.

Trong văn hóa làm việc, vị tỷ phú tuổi Tân Sửu ghét cay ghét đắng chuyện truyền thống con ông cháu cha hay không minh bạch. Bởi vậy, làm việc ở Hoà Phát, vươn lên được hay không là do bản thân chứ không phải do là người nhà nên được ưu ái hỗ trợ.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn

Cùng sinh năm Tân Sửu 1961 như "vua thép" Trần Đình Long, bà Trương Thị Lệ Khanh, nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn lại được mệnh danh là "nữ hoàng" cá tra. Người phụ nữ sinh ra ở miền quê An Giang này là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Tạp chí Forbes công bố.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn. Ảnh: Vĩnh Hoàn.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn. Ảnh: Vĩnh Hoàn.

Tốt nghiệp Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, bà làm việc cho một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang. Với hơn một thập kỷ làm việc trong môi trường nhà nước, bà gần như am hiểu tường tận về ngành thuỷ sản.

Năm 2007, bà tự thành lập doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn. Vĩnh là vĩnh viễn, Hoàn là hoàn cầu, cái tên này có nghĩa Vĩnh Hoàn sẽ tồn tại mãi mãi trên toàn cầu như một ngôi sao, theo mong muốn của bà.

Hai năm sau, xí nghiệp chế biến thủy sản đầu tiên tại thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đi vào hoạt động. Sau hơn 20 năm, Vĩnh Hoàn có hơn 6.000 công nhân viên với 5 nhà máy chế biến cá tra phi lê, và các sản phẩm giá trị gia tăng, hai xưởng sản xuất bột cá, mỡ cá và nhà máy chiết xuất collagen, gelatin từ da cá, lãi sau thuế vài trăm tỷ đồng (2019).

Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc TNI Coffee

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh tại thủ phủ cà phê Pleiku, Gia Lai vào năm Quý Sửu 1973. Khi làm việc tại tổng đài 1080, Bưu điện tỉnh Gia Lai, bà càng có điều kiện hiểu thêm về ngành cà phê.

Bà Thảo từng chia sẻ, tổng đài 1080 thời đó giống như Google bây giờ, ai thắc mắc bất kể điều gì cũng gọi tham vấn. 5 năm làm việc tại đó, 80% các cuộc gọi đều liên quan đến cà phê. Điều đó buộc bà Thảo phải am hiểu rõ về ngành, nhất là giá cả thị trường thế giới, để thông tin cho người dân.

Nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển ngành cà phê trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vừa mở cửa, vào năm 1996, bà Thảo cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập Trung Nguyên, với niềm tin vào điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, diện tích dồi dào, năng lực nông dân và kiến thức cũng như niềm đam mê của họ sẽ khiến Trung Nguyên thành công.

Sau khoảng 20 năm cùng dìu dắt thương hiệu Trung Nguyên, vợ chồng ông bà có mâu thuẫn và tranh chấp về quyền điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên. Hiện nay, bà Thảo đang là người dẫn đầu Công ty TNI Corporation, nổi tiếng với thương hiệu King Coffee.

Từ một thương hiệu mới gia nhập thị trường vào tháng 10/2016, King Coffee hiện có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, doanh nghiệp của "nữ tướng" này hướng đến mục tiêu sở hữu chuỗi 1.000 tiệm cà phê trên cả nước.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank

Sinh năm 1973, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank là một trong những lãnh đạo ngân hàng tuổi Sửu có tiếng trong giới. Dấu ấn của bà thể hiện rõ nhất qua sự chuyển mình của Sacombank trong suốt chặng đường gần 4 năm tái cơ cấu từ 2017 đến nay.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: Sacombank.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. Ảnh: Sacombank.

30 tuổi, bà bắt đầu sự nghiệp tại Sacombank với vị trí nhân viên kế toán. Trong suốt chục năm, bà gắn bó tại nhà băng này và làm qua các lĩnh vực tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ.

Giai đoạn 2013-2016, bà được giao phụ trách điều hành Sacombank khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Là thị trường khó nhưng bà đã vượt qua thách thức giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực này. Năm 2016, bà làm Phó tổng giám đốc mảng xử lý nợ.

Một năm sau, bà Thạch Diễm chính thức làm tổng giám đốc ngân hàng khi Sacombank đang trong giai đoạn tái cấu trúc sau sáp nhập với Southern Bank. Đây là thời kỳ vị thế của Sacombank xuống dốc khi tới hơn 30% tài sản của nhà băng là tài sản có không sinh lời, nhân sự giỏi cũng bị lôi kéo.

Cùng với sự lèo lái của Chủ tịch ngân hàng Dương Công Minh, Sacombank đã có sự thay đổi lớn sau hơn 3 năm tái cấu trúc khi giảm được một nửa tài sản không sinh lời, khối nợ xấu dần được xử lý, hiệu quả kinh doanh của nhân viên gấp 18 lần trước tái cơ cấu. Đến năm 2020, Sacombank lãi trước thuế hơn 3.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,67% dù năm 2020 cũng là năm gặp khó khăn vì Covid-19.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh

Ông Trần Trọng Kiên là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Minh, sinh năm Quý Sửu 1973.

Ông Kiên tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội, nhận bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Anh tại trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội và bằng thạc sỹ trường đại học Hawaii tại Manoa. Ông tìm đến công việc hướng dẫn viên du lịch với mục đích ban đầu là trang trải chi phí cho các nghiên cứu y tế của mình.

Ông Trần Trọng Kiên chia sẻ tại một sự kiện gần đây. Ảnh: Ngọc Thành.

Ông Trần Trọng Kiên chia sẻ tại một sự kiện trong năm 2020. Ảnh: Ngọc Thành.

Tuy nhiên, cơ duyên này đã đặt nền tảng để ông quyết định khởi nghiệp trong ngành du lịch với việc sáng lập Buffalo Tours vào năm 1994. Từ một hướng dẫn viên, ông đã phát triển Buffalo Tours từ một doanh nghiệp nhỏ điều hành tour du lịch mạo hiểm phát triển thành Tập đoàn Thiên Minh - một trong những tập đoàn du lịch có tiếng tại Việt Nam và khu vực.

Tập đoàn có quy mô toàn cầu với 17 văn phòng điều hành tại khu vực Châu Á ở 11 nước (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông) và 4 văn phòng kinh doanh tại Australia, Anh, Mỹ, Nga.

Ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank sinh năm 1973 tại Định Yên, tỉnh Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân, cử nhân ngoại ngữ Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Thạc sỹ Đại học Tổng hợp Birmingham (Anh quốc).

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank. Ảnh: Vietcombank

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank. Ảnh: Vietcombank

Ông Dũng bắt đầu làm việc tại Vietcombank từ năm 1994, đảm nhiệm qua nhiều vị trí như Phó chánh văn phòng, Phó giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam ở Hong Kong, Phó tổng giám đốc và Thành viên hội đồng quản trị ngân hàng. Tháng 4/2014 ông Phạm Quang Dũng giữ chức Tổng giám đốc nhiệm kỳ 5 năm. Tới 2019, ông được bổ nhiệm tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo ngân hàng thêm 5 năm.

Nhiệm kỳ đầu tiên ông Dũng làm Tổng giám đốc cũng là giai đoạn Vietcombank chuyển dịch ấn tượng về cả hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành. Quy mô kinh doanh tăng trưởng cao, lãi trước thuế của Vietcombank lần đầu tiên đạt tỷ USD trong năm 2019 và duy trì mức này trong năm 2020, gấp 4 lần so với 4-5 năm trước. Chất lượng tài sản Vietcombank nằm trong nhóm ngân hàng tốt nhất hệ thống.


Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) cũng là một trong các lãnh đạo tuổi Quý Sửu. Ông sinh năm 1973, là cử nhân ngân hàng và thạc sỹ quản trị kinh doanh, Đại học UBIS, Thuỵ Sỹ.

Sau 7 năm làm việc tại Ngân hàng Đại Nam và Southern Bank, ông Tâm bắt đầu sự nghiệp tại Nam A Bank từ năm 2003 với vai trò cán bộ tín dụng. Qua nhiều vị trí lãnh đạo trong nhà băng ở cấp chi nhánh và giám đốc các khối nghiệp vụ như quản lý nợ và khai thác tài sản, khối kinh doanh, ông Tâm được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc ngân hàng từ đầu năm 2008.

Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank. Ảnh: Nam A Bank.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank. Ảnh: Nam A Bank.

Đầu năm 2015, ông Trần Ngọc Tâm cùng với Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngô Phúc Vũ nguyên lúc đó xin từ nhiệm để muốn gia nhập bộ máy của Eximbank. Hai ông đều có tên trong danh sách ứng cử thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020.

Tuy nhiên, sau đó ông Tâm lại trở về Nam A Bank và tiếp tục làm Phó tổng giám đốc Nam A Bank. Tới năm 2018, ông đảm đương vai trò lãnh đạo ngân hàng với tư cách Tổng giám đốc.


Quỳnh Trang/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhung-doanh-nhan-viet-tuoi-suu-4233661.html

  • Từ khóa