Bóng đá Việt Nam và cái duyên đặc biệt với các cầu thủ tuổi Sửu

Chủ nhật, 14.02.2021 | 08:39:02
445 lượt xem

Ông bà ta từ xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Câu tục ngữ ấy dường như “vận” vào bóng đá Việt Nam khi những cầu thủ tuổi Sửu, cầm tinh con trâu rất có duyên tạo dựng “cơ nghiệp” cho các cấp độ đội tuyển.

Ngày 15/12/2018, sân Mỹ Đình chật cứng khán giả trong trận chung kết lượt về AFF Cup. Chàng tiền vệ tuổi Đinh Sửu, Nguyễn Quang Hải đột phá rồi thực hiện quả tạt chân trái rất dẻo. Phía trong, anh tiền đạo tuổi Ất Sửu, Nguyễn Anh Đức tung cú volley cháy lưới Malaysia. Việt Nam lên ngôi vô địch.

Mười năm trước đó, sân Mỹ Đình cũng “nổ tung” vì một tiền đạo tuổi Ất Sửu khác. Đó là Lê Công Vinh, tác giả cú đánh đầu ngoạn mục, đưa Việt Nam vượt qua kình địch Thái Lan ở phút bù giờ cuối cùng.

Ông bà ta từ xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Câu tục ngữ ấy dường như “vận” vào bóng đá Việt Nam khi những cầu thủ tuổi Sửu, cầm tinh con trâu rất có duyên tạo dựng “cơ nghiệp” cho các cấp độ đội tuyển.

Nguyễn Quang Hải là cầu thủ tuổi Sửu đã góp mặt trong mọi chiến dịch của các cấp độ đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. (Ảnh: Dương Thuật)

Nguyễn Quang Hải là cầu thủ tuổi Sửu đã góp mặt trong mọi chiến dịch của các cấp độ đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. (Ảnh: Dương Thuật)

Chức vô địch AFF Cup 2008

Trên hành trình mang về chức vô địch AFF Cup đầu tiên cho bóng đá Việt Nam, thầy trò HLV Henrique Calisto đã trải qua không ít giây phút hiểm nghèo. Đó là lúc những người hùng tuổi Sửu xuất hiện và cứu nguy cho đội tuyển.

Ba cầu thủ tuổi Ất Sửu: Nguyễn Vũ Phong, Nguyễn Quang Hải, Lê Công Vinh là tác giả những bàn thắng quan trọng nhất giải đấu năm đó.

Ở vòng bảng, Nguyễn Vũ Phong lập cú đúp trước Malaysia giúp Việt Nam thắng 3-2 đầy kịch tính và giành vé đi tiếp vào bán kết. Bàn thắng quyết định từ khoảng cách lên tới 60m của Nguyễn Vũ Phong là ví dụ điển hình cho yếu tố may mắn trong bóng đá.

Nguyễn Vũ Phong cũng chính là người ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008. Tiền vệ gốc Bình Phước đóng góp 3/11 bàn thắng của cả đội. Ngoài cú đúp vào lưới Malaysia, pha lập công còn lại của Nguyễn Vũ Phong là bàn mở tỷ số trong trận chung kết lượt đi trên sân Thái Lan.

Tuy nhiên, Lê Công Vinh mới là cái tên nổi bật nhất trong hai trận chung kết. Tiền đạo xứ Nghệ ghi bàn mang về chiến thắng 2-1 ở lượt đi, rồi đích thân mang về chức vô địch cho đội tuyển Việt Nam với bàn gỡ hòa 1-1 ở lượt về.

Trước đó, Lê Công Vinh là người đột phá bên cánh trái rồi căng ngang cho Nguyễn Quang Hải ghi bàn hạ gục đương kim vô địch Singapore ở bán kết.

Tiền đạo Lê Công Vinh, tiền đạo Nguyễn Quang Hải, tiền vệ Nguyễn Vũ Phong và thủ môn Trần Đức Cường là 4 cầu thủ tuổi Sửu đã cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. (Ảnh: Tổng hợp)

Tiền đạo Lê Công Vinh, tiền đạo Nguyễn Quang Hải, tiền vệ Nguyễn Vũ Phong và thủ môn Trần Đức Cường là 4 cầu thủ tuổi Sửu đã cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. (Ảnh: Tổng hợp)

Chức vô địch AFF Cup 2018

Mười năm sau khi Nguyễn Quang Hải tuổi Ất Sửu sắm vai “gà son”, đến lượt Nguyễn Quang Hải tuổi Đinh Sửu trở thành người hùng đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup.

Nếu như đàn anh Hải “gà” là siêu dự bị ở AFF Cup 2008, thì Hải “con” là siêu sao ở AFF Cup 2018. Ba năm trước, Nguyễn Quang Hải nhận danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất giải” một cách thuyết phục.

Chức vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam không có những phút giây thoát hiểm trong gang tấc như AFF Cup 2008. Thay vào đó, sáu cầu thủ tuổi Sửu cùng đoàn quân của HLV Park Hang Seo lần lượt đá cho các đối thủ thua lấm lưng trắng bụng.

Sáu cầu thủ tuổi Sửu của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 gồm: Bùi Tiến Dũng, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Anh Đức.

Trung vệ Trần Đình Trọng, tiền vệ Nguyễn Quang Hải, tiền đạo Nguyễn Anh Đức là ba cái tên làm nên trục xương sống của đội tuyển Việt Nam. Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh là những quân bài tẩy của HLV Park Hang Seo. Chỉ có thủ môn Bùi Tiến Dũng không được ra sân phút nào.

Đáng chú ý, Nguyễn Anh Đức không góp mặt ở AFF Cup 2008 như những người bạn cùng tuổi Ất Sửu. Tiền đạo này đã phải chờ 10 năm mới gặp thời của mình.

Nguyễn Anh Đức có duyên tỏa sáng bên những người đàn em kém mình một giáp. (Ảnh: Vy Vũ)

Nguyễn Anh Đức có duyên tỏa sáng bên những người đàn em kém mình một giáp. (Ảnh: Vy Vũ)

Từ U20 World Cup đến HCV SEA Games

Bóng đá Việt Nam có lần đầu góp mặt tại U20 World Cup là nhờ một người hùng tuổi Sửu, tiền đạo Trần Thành. Cú sút tung lưới chủ nhà Bahrain ở VCK U19 châu Á 2016 của Trần Thành đã mang về tấm vé tham dự VCK U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc.

Trong số 29 học trò đã cùng HLV Hoàng Anh Tuấn giành vé tại Bahrain hoặc tham dự VCK tại Hàn Quốc, có 14 người tuổi Đinh Sửu gồm: Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh, Bùi Tiến Dũng, Hồ Tấn Tài, Trần Thanh Sơn, Trương Văn Thái Quý, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại, Dương Văn Hào, Nguyễn Bá Minh Hiếu, Lương Hoàng Nam và Trần Thành.

Một năm sau VCK U20 World Cup, Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh là những nhân tố nổi bật trong “kỳ tích Park Hang Seo” với 3 giải đấu thành công trong năm 2018: Á quân U23 châu Á, hạng tư ASIAD và vô địch AFF Cup.

Nguyễn Tiến Linh phải chờ đến AFF Cup 2018 mới có duyên chinh chiến cùng thầy Park trước khi trở thành cây săn bàn chủ lực trên hành trình giành HCV SEA Games năm 2019.

Trên đất Philippines, dàn cầu thủ tuổi Đinh Sửu gồm Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Thành Chung, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh, Bùi Tiến Dũng, Hồ Tấn Tài, Trần Thanh Sơn, Trương Văn Thái Quý, Nguyễn Hoàng Đức chính là nòng cốt đưa U22 Việt Nam lên đỉnh vinh quang./.


Nguyên Hà/VOV.VN 

https://vov.vn/the-thao/bong-da-viet-nam-va-cai-duyen-dac-biet-voi-cac-cau-thu-tuoi-suu-836570.vov

  • Từ khóa