Ngày xuân, nữ sĩ quan kể chuyện tham gia lực lượng mũ nồi xanh

Thứ 4, 17.02.2021 | 15:10:30
490 lượt xem

Được biết đến hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành kinh doanh quốc tế và quản lý tại Malaysia về nước, Minh Ngọc đã viết đơn xin gia nhập quân ngũ.

Trong những ngày đầu năm mới, trung uý Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn (Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam), đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên của chị với vai trò là một nữ sĩ quan trong lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (GGHB LHQ) khi thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan.

Ngày xuân, nữ sĩ quan kể chuyện tham gia lực lượng mũ nồi xanh - Ảnh 1.

Trung úy Sa Minh Ngọc và các đồng nghiệp quốc tế - Ảnh nhân vật cung cấp

Cô gái trẻ với lựa chọn "khác thường"

Được biết đến hoạt động GGHB LHQ từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành kinh doanh quốc tế và quản lý tại Malaysia về nước, Minh Ngọc đã viết đơn xin gia nhập quân ngũ. Rất may mắn thời điểm tháng 5-2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam - nay là Cục GGHB Việt Nam được thành lập và chị đã xin dự tuyển vào Trung tâm.

"Ở thời điểm đó, khái niệm về GGHB, bản chất hoạt động GGHB LHQ vẫn còn rất mới mẻ đối với đa số người dân Việt Nam. Khi tôi quyết định tham gia lực lượng GGHB LHQ, rất nhiều người đã hỏi tôi GGHB là gì, thậm chí có nhiều người nói bạn là con gái, tại sao không tìm một công việc bình thường, sống một cuộc sống bình thường, kết hôn, lại chọn một công việc khó khăn, vất vả và nhiều nguy hiểm như thế?"- Minh Ngọc kể

Đến nay, với những đóng góp của Việt Nam trong lực lượng GGHB LHQ đã được cộng đồng quốc tế và trong nước ghi nhận. Sau 6 năm hoạt động, Cục GGHB Việt Nam đã cử được 176 sĩ quan tham gia hoạt động GGHB tại phái bộ GGHB tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có 2 bệnh viện dã chiến, mà trung uý Sa Minh Ngọc tham gia bệnh viện dã chiến đầu tiên với vị trí Trợ lý hành chính - tài chính, thuộc Ban Điều hành bệnh viện.

Đặc biệt, đến nay, số nữ quân nhân Việt Nam tham gia với tỉ lệ cao (ở hình thức đơn vị là 16%, còn hình thức cá nhân là 19%), cao hơn tỉ lệ trung bình của LHQ, được lãnh đạo LHQ ghi nhận.

Nhắc về những vất vả và khó khăn mà lực lượng "mũ nồi xanh" của Việt Nam trải qua khi tham gia lực lượng GGHB, trung uý Sa Minh Ngọc cho rằng đây đều là những thử thách mà mỗi sĩ quan phải vượt qua, đặc biệt là nữ quân nhân thì khó khăn, vất vả đó lại nhân lên gấp bội.

"Trong đơn vị bệnh viện dã chiến của chúng tôi có 10 chị em, mỗi người một khó khăn khác nhau. Có chị cũng có chồng là bộ đội, phải xa nhà thường xuyên, người thì vừa chăm con nhỏ, vừa phải làm nhiệm vụ, người thì chưa có nhà, phải đi thuê, mượn. Còn tôi, ngày nhận nhiệm vụ vào TP HCM tập trung trong đội hình bệnh viện dã chiến là cách ngày cưới của mình tròn 3 tháng"- trung úy Ngọc kể.

Tháng 10-2018, bệnh viện dã chiến cấp hai đầu tiên của Việt Nam chính thức triển khai thành công tới phái bộ GGHB LHQ tại Bentiu thuộc Nam Sudan. Cuối năm 2019, trung úy Minh Ngọc cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tiền đề thuận lợi cho bệnh biện dã chiến cấp hai số 2 của Việt Nam sang thay thế, tiếp tục thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả tại đất nước Nam Sudan.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân

Câu hỏi trung uý Sa Minh Ngọc nhận được nhiều nhất khi trở về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ là tham gia lực lượng GGHB LHQ có vất vả, khó khăn không.Minh Ngọc cho rằng 14 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan không phải là khoảng thời gian dài, nhưng ở một đất nước đang còn bị tàn phá bởi nội chiến, đầy rẫy khó khăn và nguy hiểm. Có những thời điểm bệnh viện triển khai cũng là đúng giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng sắc tộc và nội chiến giữa các phe phái.

Có những lần, Minh Ngọc và đồng đội phải triển khai đến những nơi không có bất cứ thứ gì ngoài bụi, đất và cây khô. Có thể nói đường đất và bụi là "đặc sản" của Nam Sudan. Có lúc phải triển khai đến những địa điểm mà do giao tranh, đường thông tin liên lạc, cung ứng lương thực, thực phẩm bị cắt đứt. Vào đỉnh điểm mùa khô, thậm chí không đủ nước ăn, nước sinh hoạt. Vào mùa mưa, thì phải đối mặt với các loại bệnh dịch, đặc biệt là bệnh sốt rét... Mỗi ngày phải uống thuốc phòng tránh sốt rét, loại thuốc này rất có hại cho phụ nữ.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, các sĩ quan Việt Nam đã nỗ lực,đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

Vào thời điểm BVDC mới triển khai tới Nam Sudan là đỉnh điểm mùa khô, cả căn cứ thiếu nước. Mỗi người trong đơn vị chỉ được cấp 5 lít nước/ngày để phục vụ sinh hoạt. Thông cảm với nữ giới, nhiều nam đồng đội có ngày đã phải nhường cơ bản phần nước sinh hoạt của mình cho chị em, chỉ giữ lại một phần rất ít để lau người. Chị em phụ nữ cũng sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tái sử dụng nhiều lần, như vừa tắm giặt, vừa vệ sinh và tưới rau.

Trung úy Minh Ngọc cho biết cô và đồng đội có động lực vượt qua khó khăn, vất vả nhờ nhận được sự ủng hộ từ hậu phương, của đồng đội trong nước và tình cảm ấm áp của người dân sở tại dành cho Việt Nam. Chính ở nơi khó khăn cát bụi ấy, cô càng thấm thía câu châm ngôn ưa thích của mình: "Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân". "So với những cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước, tôi thấy đóng góp mình còn rất nhỏ bé. Song, mặc dù chúng tôi chỉ đang bước đi những bước rất nhỏ nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng để có thể bước tiếp hành trình này để có thể nâng cao vị thế của Việt Nam và của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế"- trung tá Minh Ngọc chia sẻ.


Dương Ngọc/Nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/ngay-xuan-nu-si-quan-ke-chuyen-tham-gia-luc-luong-mu-noi-xanh-2021021712094557.htm

  • Từ khóa