Chính quyền TP HCM không ít lần yêu cầu địa phương mạnh tay xử lý nhưng tiếng ồn karaoke không giảm; nhiều khu phố vẫn bị loại hình giải trí này tra tấn hàng đêm.
22h30, con hẻm chỉ đủ một người đi ở đường TL43, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, nơi sống nhiều công nhân khu chế xuất Linh Trung 2 vẫn còn huyên náo bởi tiếng karaoke từ loa kéo. Sau chầu nhậu từ 20h, khách về gần hết, thức ăn vẫn còn trên bàn, người đàn ông trạc 40 tuổi say sưa hát karaoke.
Loa karaoke kéo tại khu trọ gần khu chế xuất Linh Trung, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Ảnh: Hà An.
Mắt nhìn điện thoại đặt trên loa, tay cầm micro, ông cất tiếng hát khiến các vách tường trong xóm trọ nhỏ có 4 phòng rung rinh. Hàng xóm cho hay từ sau Tết gần như ngày nào ông cũng lôi loa kẹo kéo ra hát khi nhậu. Mỗi lần ngà say ông đều vặn to nhạc, hát vang cả khu phố. Hát mệt, ông đưa micro cho đứa con 3 tuổi rưỡi ê a càng làm không khí trở nên nhức nhối bởi tiếng ồn.
"Đi làm hơn một tuần nay nhưng với họ âm hưởng Tết vẫn còn, đem loa hát hàng đêm không ai chịu nổi. Phòng ở xa cái loa nhất nhưng đầu tôi cứ dập dềnh, ong ong mỗi khi nghe tiếng karaoke", chị Phạm Thị Vân, 28 tuổi, ở cùng dãy trọ kể và cho biết nhiều lần qua nhắc nhưng được một lúc hàng xóm lại vặn loa lớn trở lại.
Không chỉ xóm trọ, các khu dân cư, phố ăn nhậu đêm đêm vẫn vang lên âm thanh chát chúa của tiếng karaoke kéo. Dọc đường Phạm Văn Đồng, nhiều quán nhậu, beer club vỉa hè đêm nào cũng có tiếng nhạc xập xình của những chiếc loa karaoke kéo, loa chơi nhạc DJ... làm ồn ào cả một khu phố. Loa kéo đặt ngay trước vỉa hè phục vụ khách ca hát, nhiều khi bên này đường tiếng nhạc xen kẽ tiếng hát người bên kia đường.
Tại phường 6, quận Gò Vấp dịp Tết vừa rồi tiếp nhận hơn 15 phản ánh của người dân về vấn nạn karaoke. Anh Trần Mạnh Hùng, 44 tuổi, ngụ đường Dương Quảng Hàm, cho biết khi người dân trình báo, cán bộ phường cùng công an xuống kiểm tra, nhưng chỉ nhắc nhở. Người hát chấp hành, vặn nhỏ âm thanh nhưng khi lực lượng chức năng rời đi một lúc họ chỉnh tiếng nhạc lớn hơn.
"Người hát karaoke thường ở trạng thái say xỉn, thích nghe âm thanh lớn. Hàng xóm khuyên nhủ, công an tới cũng chỉ được một lúc rồi đâu vào đấy. Mình cũng không muốn làm căng thẳng, cự cãi vì có thể xảy ra ẩu đả, xô xát, mất tình nghĩa hàng xóm", anh Hùng nói.
Theo ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6, cơ quan chức năng địa phương chỉ có một cán bộ chuyên trách lĩnh vực này phối hợp cảnh sát khu vực kiểm tra, nhắc nhở người hát. Tuy nhiên, cán bộ phường không có công cụ đo tiếng ồn nên khi đến hiện trường rất khó xử lý. Từ đó, lãnh đạo phường 6 đề xuất cần phát triển ứng dụng di động (app) đo tiếng ồn, cài vào điện thoại cán bộ kiểm tra, làm căn cứ pháp lý để xử lý tiếng ồn từ hát karaoke.
"Ứng dụng sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý triệt để nạn karaoke tra tấn người dân như hiện nay. Bởi chỉ có xử phạt nghiêm mới làm họ sợ, giúp họ hiểu vui chơi, ca hát phải có chừng mực", ông An nói và cho biết chính quyền có thể cân nhắc cấm sử dụng loa kẹo kéo. Hát karaoke chỉ được diễn ra ở phòng được cách âm, mức độ âm thành đúng tiêu chuẩn...
Loa thùng phục vụ khách quán nhậu ca hát ở đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp. Ảnh: Ngọc Bích.
Vấn nạn tiếng ồn từ karaoke tự phát một lần nữa được nêu tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa UBND TP HCM với lãnh đạo 312 phường, xã thị trấn diễn ra cách đây 3 hôm. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói ông thường nhận phản ánh qua điện thoại của người dân về tiếng ồn từ "hung thần karaoke tự phát", đặc biệt sau 10h tối. Chính quyền địa phương không nên xem nhẹ vấn đề này bởi tác hại rất lớn từ karaoke tự phát.
Kỳ họp HĐND thành phố giữa năm trước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu cho rằng, karaoke di động đã gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân. Việc này khiến một số người xảy ra bất hòa, thậm chí đã có án mạng. Để việc này diễn ra một phần do cơ quan chức năng thiếu kiên quyết xử lý.
Nhằm hạn chế hạn karaoke tự phát, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý các vi phạm về tiếng ồn trong cộng đồng dân cư. Thành phố giao trách nhiệm cho người đứng đầu là chủ tịch UBND, trưởng công an phường, xã trực tiếp chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát vi phạm tiếng ồn. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm, ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa bàn.
Về giải pháp lâu dài, UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp công an và các sở ngành liên quan nhanh chóng đề xuất chính quyền thành phố biện pháp xử lý tiếng ồn, gửi Chủ tịch UBND thành phố trước 31/3.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h). Nghị định 167 phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi làm ồn tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau.
Hà An/vnexpress.net
https://vnexpress.net/khu-pho-nhuc-nhoi-vi-bi-karaoke-tra-tan-4241260.html