Tiếp tục đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Thứ 5, 04.03.2021 | 08:04:48
435 lượt xem

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bác hai đề xuất của Tổng liên đoàn lao động về tăng lương tối thiểu và chuyển thời điểm tăng lương.

Trong văn bản gửi 13 bộ ngành và 4 hiệp hội, lấy ý kiến dự thảo báo cáo Chính phủ trước 10/3 về tiền lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dẫn nhiều phân tích, bác hai đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 và điều chỉnh thời điểm tăng lương từ 1/1 hằng năm sang 1/7. Hai đề xuất đều được Tổng liên đoàn đưa ra trong buổi làm việc với Chính phủ vào cuối năm 2020.

Trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 đến hết năm do ảnh hưởng Covid-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia hồi tháng 8/2020 quyết định giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng năm 2021. Ảnh: Hằng Thu

Cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi tháng 8/2020 quyết định giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng năm 2021. Ảnh: Hằng Thu

Phân tích nhiều yếu tố, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, khi Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế xã hội. Tăng lương tối thiểu sẽ tác động đến việc làm của người lao động, trong khi doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê về lao động và việc làm, Bộ cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi như trước khi xảy ra dịch bệnh. Cả nước có hơn 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Con số này tăng gần 14% so với năm 2019. Bình quân mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên 2,48%, là mức cao nhất trong mười năm qua. Thu nhập của người lao động bình quân 6,62 triệu đồng, giảm 75.000 đồng so với năm 20219. "Điều này cho thấy, năm 2020, lương tối thiểu có điều chỉnh tăng thì thu nhập của người lao động vẫn giảm. Do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không làm tăng tiền lương, thu nhập chung của người lao động", Bộ lý giải.

Theo Bộ Lao động, nếu tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này áp dụng cho năm 2021 vẫn đáp ứng mức sống tối thiểu. Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như thế giới, chưa thể dự báo chính xác thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay đến cuối năm 2021. Vì vậy, chưa nên điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm.

Công nhân Công ty PouYuen trong giờ tan ca hồi tháng 4/2020. Khoảng 2.800 công nhân công ty này bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời điểm doanh nghiệp không có đơn hàng. Ảnh:Hữu Khoa.

Công nhân Công ty PouYuen trong giờ tan ca hồi tháng 4/2020. Khoảng 2.800 công nhân công ty này bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời điểm doanh nghiệp không có đơn hàng vì Covid-19. Ảnh:Hữu Khoa.

Về đề xuất chuyển thời điểm tăng lương tối thiểu vùng sang 1/7 hằng năm thay vì 1/1 như hiện hành, Bộ Lao động phân tích các quy định pháp luật không ấn định thời điểm điều chỉnh cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Phần lớn các nước đều chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với lúc năm tài chính bắt đầu để thuận lợi cho doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Năm tài chính của Việt Nam bắt đầu từ 1/1 và kết thúc vào 31/12, nên việc lựạ chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày đầu năm như hiện hành là hợp lý. Đây cũng là thời điểm mà doanh nghiệp, người lao động thương lượng để điều chỉnh chính sách lương, thưởng, xác lập điều kiện lao động mới, duy trì ổn định quan hệ lao động.

"Nếu chuyển sang 1/7 thì doanh nghiệp, người lao động lại phải thương lượng nhiều lần để thay đổi chính sách, dễ phát sinh bất đồng, ảnh hưởng không tốt đến ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp", Bộ phân tích thêm.

Vì vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, ngày 1/1 hằng năm như hiện hành. Nếu có biến động bất thường, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghiên cứu và có đề xuất cụ thể với Chính phủ.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.


Hoàng Phương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/tiep-tuc-de-xuat-khong-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2021-4243125.html

  • Từ khóa