Khát vọng và niềm tin Việt Nam cường thịnh

Chủ nhật, 07.03.2021 | 09:06:23
447 lượt xem

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để dân giàu, nước mạnh, sánh vai với cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh tầm khu vực và toàn cầu

Chiều 6-3, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045".

Phải có những doanh nghiệp lớn mạnh

Tham dự hội nghị lần này còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, TP HCM và hơn 50 chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam.

Khát vọng và niềm tin Việt Nam cường thịnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các doanh nhân, đại biểu tại “Đối thoại 2045” .Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải có những DN lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh tầm khu vực và toàn cầu, đặc biệt phải có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đương những công việc lớn của đất nước.

"Đó cũng là lý do Chính phủ khởi xướng và sẽ tổ chức định kỳ chương trình "Đối thoại 2045" nhằm góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chính thức công bố chương trình "Đối thoại 2045" lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 tại Hội trường Thống Nhất, Thủ tướng nêu rõ đối thoại này sẽ được tổ chức hằng năm và tin rằng những doanh nhân Việt Nam, trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào tinh thần hướng tới một Việt Nam năm 2045.

Vinh dự là đại diện DN đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast - bày tỏ mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô phát triển đột phá, làm ra chiếc ôtô mang thương hiệu Việt. Hiện đã có hơn 40.000 ôtô VinFast lăn bánh trên đường Việt Nam, chỉ hơn 20 tháng kể từ khi bán chiếc xe đầu tiên. Để VinFast và cộng đồng DN bước sang một giai đoạn phát triển mới, vươn tầm quốc tế cần sự động viên, khuyến khích của Đảng, nhà nước và người dân Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ - cho rằng để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến năm 2045, cần phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, làm động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Cần một niềm tin lớn đối với người dân, với cộng đồng DN là "Chính phủ là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển".

Nhiều hiến kế, cam kết từ doanh nghiệp

Số DN tham gia "Đối thoại 2045" lần này có tổng doanh thu mỗi năm hơn 26 tỉ USD, luôn đề cao tinh thần "mạnh mẽ Việt Nam". Đại diện nhiều DN cũng đã đưa ra kiến nghị, cam kết trước Thủ tướng.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Massan, cho biết hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. DN cũng tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, lợi nhuận nhiều hơn. Vấn đề thứ hai là nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống sang nền kinh tế số hóa. Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ...

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO, chia sẻ THACO mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô, tham gia chuỗi công nghiệp theo chuẩn quốc tế với việc tăng cường tỉ lệ nội địa hóa. Nhờ vậy, đến nay, THACO đã có những thành công nhất định, năm 2020 đã xuất khẩu được 137.000 xe, đứng đầu trong các DN sản xuất ôtô trong nước và xuất khẩu. THACO đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm từ 10%-20%, năm 2021 xuất khẩu đạt 23.000 tỉ đồng... "DN phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện" - ông Trần Bá Dương nói.

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của DN Việt Nam, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk, cho rằng mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người. Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank - kiến nghị đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết để hướng tới cột mốc năm 2045, Chính phủ, cộng đồng DN cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành mắc ca. Hiện nay, nguồn lực phát triển cây mắc ca còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây mắc ca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỉ USD.

Nêu mục tiêu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người Việt Nam là 4.700-5.000 USD và năm 2030 là 7.500 USD, đến năm 2045, Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI - kiến nghị cần tập trung vào một số điểm cốt lõi. Đó là các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách quản lý DN, quản lý người dân sang tư duy phục vụ DN, phục vụ người dân; lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng DN và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, việc "xây tổ đón đại bàng" đang là vấn đề lớn cho tất cả địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi... Ông Don Lam cam kết: "Với mục tiêu xem Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng, VinaCapital sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào Việt Nam".

Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng qua phát biểu của các DN, trí thức cho thấy khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ, thời gian đủ dài để xuất hiện những DN, tập đoàn khổng lồ của Việt Nam. Có thể nói, khát vọng và niềm tin là một trong những vấn đề quan trọng nhất tại cuộc thảo luận hôm nay.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng có 5 vấn đề được nêu ra cần giải quyết. Thứ nhất, đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia. Thứ hai, cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là "bà đỡ" cho DN và đất nước. Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình DN, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho DN, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể…; trong đó, kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Cần phải có kết nối, phát triển hạ tầng cho DN, nhất là tạo điều kiện về đất đai. Thứ tư, nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo. Đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam, nếu mất văn hóa là mất tất cả.

Thủ tướng bày tỏ đặc biệt ấn tượng với những khẩu hiệu về sứ mệnh, giá trị mà DN muốn đóng góp cho xã hội, chẳng hạn như "Phát triển cùng đất nước" của THACO, "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người" của Vingroup, "Cho cuộc sống bừng sáng" của Novaland, "Thật sự thiên nhiên" của TH True Milk, "Vươn cao Việt Nam" của Vinamilk, "Hãy nói theo cách của bạn" của Viettel... Thủ tướng khẳng định DN là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong mỏi mục tiêu của DN không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.


Thế Dũng/Nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/khat-vong-va-niem-tin-viet-nam-cuong-thinh-20210306231833404.htm

  • Từ khóa