Tuyển sinh trực tuyến: Hướng cạnh tranh mới trong tiếp cận thí sinh

Thứ 2, 08.03.2021 | 08:19:12
398 lượt xem

Nhiều chuyên gia nhận định, tuyển sinh trực tuyến sẽ mở ra hướng cạnh tranh mới sáng tạo và hấp dẫn hơn cho các trường đại học, cao đẳng trong việc chủ động tiếp cận thí sinh.


Cán bộ Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM trước giờ lên hình chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Tư vấn trực tiếp trên mạng xã hội, giải đáp mọi thắc mắc về ngành nghề, thi cử thông qua các buổi livestreams hay phát sóng các số tư vấn tuyển sinh được thực hiện bài bản trên fanpage là cách mà nhiều trường đại học tại TPHCM đã làm để đẩy mạnh hình thức tuyển sinh trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại, tuyển sinh trực tuyến đã tạo nên những ảnh hưởng tích cực trong việc truyền tải thông tin hữu ích đến thí sinh, phụ huynh.

Tháng 3/2020, giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong nước, Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã chuyển sang hình thức tư vấn tuyển sinh trực tuyến thay vì đến trao đổi trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông như kế hoạch.

Ban đầu, chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh trực tuyến Your Future - Your Choice chỉ được trường xem là giải pháp tình thế mùa dịch nhằm hạn chế rủi ro. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn, lượng tương tác tăng nhanh chóng, thí sinh, phụ huynh dần dần thích kênh hỗ trợ mới vì họ không chỉ tiết kiệm chi phí cũng không phải ra khỏi nhà mà vẫn có thể đặt câu hỏi mọi lúc, mọi nơi.

Năm 2021, nhà trường tiếp tục triển khai chương trình tư vấn trực tiếp với hình thức quay hình các số tư vấn theo ngành nghề. Lịch theo dõi chương trình được thông báo liên tục trên trang website của trường, thí sinh có thể dựa vào đó để tham gia buổi tư vấn theo chủ đề mà mình quan tâm. Mỗi buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến như vậy có sự tham gia của các giảng viên, đại diện doanh nghiệp, cựu sinh viên giúp thí sinh hiểu rõ những thông tin liên quan đến từng ngành học.

Do đặc thù công việc nên không riêng gì Trường đại học Công nghệ TPHCM mà giảng viên nhiều trường khác cũng khó tham gia các hình thức tư vấn trực tiếp. Việc một trường đại học đa ngành huy động toàn bộ đại diện các ngành đào tạo tham gia một chương trình tư vấn gần như là không thể. Do đó, hình thức tư vấn trực tuyến theo chủ đề đã và đang giúp các trường giải bài toán khó này. Thoe đó, trường chủ động thiết kế chương trình tư vấn, thông tin giới thiệu được thực hiện trước, có lịch trình sẵn nên không khó để các giảng viên sắp xếp tham gia hỗ trợ thí sinh.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TPHCM, ưu điểm lớn nhất của hình thức tư vấn tuyển sinh trực tuyến là tăng cơ hội tương tác giữa chuyên gia, giảng viên và thí sinh, phụ huynh từ nhiều địa phương cùng một lúc. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối Internet là thí sinh, phụ huynh dù ở đâu cũng có thể theo dõi, đặt câu hỏi, tương tác trực tuyến. Khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương thì điều này góp phần vào nỗ lực phòng chống lây lan dịch bệnh. Trong trường hợp bận việc không thể nghe tư vấn trực tuyến, thí sinh, phụ huynh có thể gửi câu hỏi ở phần bình luận để được tư vấn và xem lại chương trình trong phần đánh dấu các nội dung quan trọng được đăng tải sau mỗi buổi phát sóng trực tiếp trên trang fanpage. Các kênh cung cấp thông tin trước và sau chương trình cũng được đầu tư đúng mức, tạo thành chuỗi thông tin đầy đủ, tiện lợi cho thí sinh và phụ huynh khi có nhu cầu tra cứu.

Thời gian gần đây, chương trình “Tư vấn xuyên đêm cùng thầy hiệu trưởng” và các chương trình tư vấn trực tuyến do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh, phụ huynh trên cả nước. Lượng người theo dõi, tương tác trên trong một chương trình tư vấn trực tuyến tăng liên tục sau 10-15 phút. Trường đầu tư một kênh truyền hình với phòng thu có máy móc hiện đại và đường truyền mạnh để tất cả chương trình tư vấn trực tuyến sắc nét, chuyên nghiệp nhất có thể. Giảng viên các ngành và đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường trực tiếp tham gia giải đáp các thắc mắc của thí sinh. Mỗi tuần đều đặn 2-3 buổi tư vấn trực tuyến, dài thì gần 4 tiếng đồng hồ, ngắn thì chừng 1 tiếng với sự tham gia của khách mời (chuyên gia hoặc cựu sinh viên) giúp thí sinh có cái nhìn toàn diện hơn về ngành học mà mình quan tâm.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM cũng đã quyết định đẩy mạnh các chương trình tư vấn trực tuyến để đảm bảo an toàn và tăng tính tương tác với thí sinh. Bên cạnh các buổi livestream tư vấn các ngành đào tạo, việc đăng ký và thay đổi nguyện vọng, nhà trường còn tiến hành tư vấn tuyển sinh qua tổng đài miễn phí, tư vấn thông quan tin nhắn trên fanpage trường… giúp thí sinh, phụ huynh cập nhật dễ dàng, nhanh chóng.

“Tư vấn tuyển sinh trực tuyến không chỉ lan tỏa thông tin nhanh và đầy đủ hơn, giảm được thông tin sai lệch mà còn giúp nhà trường tiết giảm chi phí. Điều đặc biệt, hình thức này tạo cơ hội tiếp cận thông tin bình đẳng cho tất cả mọi người, nhất là các học sinh ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình ra quyết định của các học sinh. Các kênh trực tuyến sẽ trở thành mũi nhọn trong quá trình quảng bá về tuyển sinh cũng như các hoạt động khác của nhà trường trong thời gian tới”, Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường chia sẻ.

Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng có bước “lột xác” khi bổ sung hàng loạt cách thức tiếp cận thí sinh, sinh viên dựa vào công nghệ.

Trước kia, khi có nhu cầu quảng bá hình ảnh, tư vấn tuyển sinh, đa phần trường chọn cách làm trực tiếp như đến từng trường THPT giải đáp thông tin, tham gia các ngày hội tư vấn. Thế nhưng từ 3 năm trở lại đây, mọi thứ đã mới mẻ, sống động và tiện lợi hơn nhiều.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông nhà trường cho biết việc đẩy mạnh hình thức trực tuyến tăng hiệu quả lên 10-20%/năm và thay đổi cách làm của nhiều cán bộ, nhân viên trong trường. Không dừng lại ở việc cung cấp đầy đủ thông tin trên trang web chính, nhà trường còn đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, giải đáp thắc mắc cho thí sinh, sinh viên thông qua các trang mạng xã hội, zalo, youtube hay google.

Để kịp thời cập nhật thông tin, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM xây dựng một trang web mới có cổng thông tin tuyển sinh riêng cũng như cổng đăng ký hồ sơ trực tuyến cho thí sinh. Công nghệ chat box tự động được tích hợp giúp thí sinh tham khảo thông tin tổng quát. Với những nội dung chi tiết hơn, nhà trường bố trí đội ngũ tư vấn trực tuyến túc trực để kịp thời giải đáp thắc mắc thông qua nhiều kênh.

Kênh được thí sinh chọn nhiều nhất hiện nay là facebook và zalo, do đó nhà trường tăng cường cập nhật thông tin, hình ảnh, clip hướng dẫn trên những kênh tương tác này.

“Việc cung cấp thông tin đa chiều, nhanh chóng khiến thí sinh thích thú. Qua các kênh trực tuyến, chúng tôi cũng chọn lọc được nhóm đối tượng cần hướng tới, những khung giờ phù hợp hay nội dung quan trọng để trình bày sao cho hấp dẫn, thuyết phục người xem. Hiện chúng tôi tạo sẵn một kho dữ liệu hình ảnh, clip thực hiện bài bản phục vụ cho công tác tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Xu hướng tuyển sinh này đòi hỏi các trường phải đầu tư nhiều về công nghệ, ý tưởng và đội ngũ nhân sự”, bà Thoa cho biết thêm.

Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến của Trường đại học Công nghệ TPHCM được đánh giá cao. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Kênh tuyển sinh trực tuyến cũng giúp lượng hồ sơ nộp vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM vài năm trở lại đây tăng gần 20%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường có thêm công cụ lọc “ảo” giúp việc chốt số lượng chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế. Bộ phận tư vấn tuyển sinh được phân trách nhiệm giám sát thường xuyên để kịp thời giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thí sinh cách chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ xét tuyển. Như vậy, thí sinh không cần chạy tới chạy lui nhiều lần mà có thể hoàn tất quy trình nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến trên máy tính tại nhà. Khi đủ điều kiện xét tuyển, thí sinh mới phải đến trường để hoàn tất các thủ tục còn lại. Việc này không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn gia tăng tương tác giữa thí sinh với nhà trường, giúp thông tin được truyền tải đầy đủ, kịp thời.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho rằng nếu được thực hiện bài bản, tuyển sinh trực tuyến sẽ là kênh hỗ trợ đắc lực cho các trường trong giai đoạn hiện nay. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính các kênh trực tuyến đã giúp các trường chủ động trong quá trình tư vấn tuyển sinh, đến gần với thí sinh. Thế nhưng, có thể thay thế được hình thức tư vấn trực tiếp hay không vẫn là chuyện đường dài.

Theo bà Trương Thị Ngọc Bích, hình thức tuyển sinh trực tuyến nên là kênh bổ trợ cho hình thức trực tiếp để tăng nguồn thông tin cho thí sinh. Việc tư vấn trực tiếp có những điểm mạnh mà hiện tại kênh trực tuyến hiện chưa đảm trách được. Hướng sắp tới nhiều trường sẽ trực tiếp làm việc với hệ thống giáo dục phổ thông nhằm đẩy mạnh chất lượng tư vấn với kinh phí phù hợp thay vì cứ theo các chương trình sẵn có như hiện nay. Do vậy cần duy trì song song hai hình thức để phù hợp với nhu cầu thực tế, linh động trong tình hình dịch bệnh. Kênh tư vấn tuyển sinh trực tuyến bước đầu đã có kết quả khả quan nhưng cần đầu tư thêm, đổi mới hơn vì nhu cầu của thí sinh sẽ ngày càng cao.

Nhiều chuyên gia nhận định, tuyển sinh trực tuyến sẽ mở ra hướng cạnh tranh mới sáng tạo và hấp dẫn hơn cho các trường đại học, cao đẳng trong việc chủ động tiếp cận thí sinh. Việc các trường đồng loạt đẩy mạnh các kênh tương tác trực tuyến đã bắt kịp trào lưu phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giúp thí sinh nắm bắt đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định nộp hồ sơ xét tuyển./.


Gia Mỹ/Baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Giao-duc/Tuyen-sinh-truc-tuyen-Huong-canh-tranh-moi-trong-tiep-can-thi-sinh/425028.vgp

  • Từ khóa