Vận hội để Tây Nguyên phát triển bứt phá

Chủ nhật, 14.03.2021 | 09:53:40
324 lượt xem

Năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu phức tạp, thiên tai bão lũ xảy ra nghiêm trọng và dịch Covid-19, tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên đã kịp thời đề ra giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả, nhờ đó đã hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Bước sang năm 2021, với sự thành công tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cùng với những tiềm năng to lớn, sự đoàn kết và nhất trí sẽ là những vận hội để các tỉnh Tây Nguyên liên kết tạo ra sự bứt phá cho sự phát triển nhanh

Kiểm tra giống cây cà-phê tại Vườn ươm giống cây trồng Eakmat Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: NGỌC MAI

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.470 km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước gồm năm tỉnh (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) với dân số gần sáu triệu người; có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Lào và Cam-pu-chia; có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đa dạng, với diện tích rừng đại ngàn, được xem như là mái nhà có chức năng phòng hộ và là địa bàn chiến lược phòng thủ rất quan trọng. Từ sau ngày giải phóng đến nay, các loại cây công nghiệp đã phát triển nhanh chóng ở Tây Nguyên: cà-phê trở thành cây công nghiệp chủ lực ở địa bàn với gần 610.000 ha (chiếm 90% diện tích cà-phê cả nước); cao-su là vùng trồng cao-su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ với hơn 250.000 ha (chiếm 26%); các loại cây trồng khác cũng phát triển nhanh như 90.000 ha hồ tiêu (hơn 60%); 83.000 ha điều (chiếm 28%); 12.600 ha sầu riêng (chiếm 34%); các loại cây dược liệu như đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, sâm ngọc linh, sâm dây, mật nhân... cũng đã và đang được trồng thử nghiệm để hình thành các vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn. Vùng rau, hoa tại Lâm Đồng có hơn 30% diện tích được sản xuất theo hướng công nghệ cao... Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị tại Đắk Lắk bàn giải pháp phát triển cây mắc ca ở Tây Nguyên. Thủ tướng cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước”, là cây có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết nhiều việc làm cho người dân nơi đây. 

Thời tiết Tây Nguyên thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ và năng lượng tái tạo. Trước đây, nắng, gió là khó khăn, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội, thì nay là nguồn lợi to lớn đang được các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nhanh chóng như điện gió, điện mặt trời. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng được đầu tư phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tiềm năng đất đai khu vực còn lớn với hai triệu héc-ta đất ba-dan màu mỡ trở thành “miền đất hứa” để các nhà đầu tư hướng đến. Với hành lang kinh tế Đông Tây, vùng kinh tế Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia là những điều kiện thuận lợi. Hạ tầng giao thông dù chưa hiện đại nhưng đã kết nối tương đối hoàn chỉnh như sân bay, các tuyến quốc lộ huyết mạch nối liền Tây Nguyên với các bến cảng, các cửa khẩu quốc tế, các tỉnh  duyên hải miền trung và TP Hồ Chí Minh. 

Nhờ khai thác hợp lý tiềm năng và lợi thế đó, tỉnh Gia Lai từ năm 2016 đến năm 2020 đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng (tăng gấp năm lần số dự án và 36 lần về số vốn so giai đoạn 2011 - 2015). Trong đó, 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng; 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư hơn 715.497,5 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác... 

Là tỉnh có nhiều thuận lợi ở Tây Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020,  Lâm Đồng cũng đã thu hút 214 dự án đầu tư, vốn đăng ký 16.352 tỷ đồng; có thêm 116 dự án đi vào hoạt động với số vốn thực hiện 8.850 tỷ đồng. Một số dự án lớn, lĩnh vực sản xuất mới như: sản xuất dược phẩm nanogel, bia, sợi len lông cừu, sản xuất giống rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng. Nổi bật nhất là trong 5 năm qua, Lâm Đồng đã thu hút được 115 dự án đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng vốn đăng ký 5.800 tỷ đồng. Tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020 đã thu hút 318 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 30.880 tỷ đồng. Trong đó có 96 dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng số vốn hơn 7.200 tỷ đồng; 222 dự án đầu tư đang thực hiện thủ tục hoặc đang trong quá trình triển khai. Số vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thu hút được đã góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm đạt 8,75%/năm. Năm 2018 - 2019, tỉnh Kon Tum đã thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, như Vingroup, FLC, TH True Milk... đến nghiên cứu và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ; dự án điện gió, điện mặt trời... Kon Tum đã có 363 dự án FDI được cấp phép đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có 334 dự án đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 58.683 tỷ đồng. Đó là những đột phá chiến lược tạo nên sức bật mới, có tác động lan tỏa và liên kết thúc đẩy các vùng kinh tế và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực phát triển. 

Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đã từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm trở thành chủ lực như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, ca-cao, cây ăn quả... Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, năng suất thấp, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao còn yếu là những rào cản đối với việc phát triển của nông nghiệp. Vì vậy để nông nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả, trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn có tính cạnh tranh quốc tế cao là phải phát triển theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ. 

Theo đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, để Tây Nguyên trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, đóng vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với quốc gia, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc nơi đây; quan tâm đặc biệt đến hạ tầng giao thông. Hiện, cả nước có khoảng hơn 1.000 km đường cao tốc, trong khi cả năm tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có 1 km đường cao tốc nào. Do đó, cần dành nguồn lực phát triển những tuyến quốc lộ 14, 19, 26 và 27 nối các cảng biển để giải bài toán kinh tế về logistics, đồng thời đầu tư để phục hồi tái tạo, bảo vệ rừng gìn giữ mầu xanh của vùng cao nguyên đại ngàn, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu và làm giàu thêm tài nguyên du lịch, vùng đất được mệnh danh là “mái nhà Đông Dương” ở Tây Nguyên. Với những thành tựu đã đạt được, cơ hội và tiềm năng to lớn này, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang hội đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tạo ra vận hội phát triển bứt phá mới cho năm Tân Sửu 2021.


NGUYỄN DŨNG/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/van-hoi-de-tay-nguyen-phat-trien-but-pha-638362/

  • Từ khóa