“Bấm nút” chương trình hành động toàn khóa

Chủ nhật, 14.03.2021 | 09:53:24
549 lượt xem

Khẩn trương, trách nhiệm, dân chủ, đoàn kết, tập trung cao… là nhận định chung về Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, vừa kết thúc chỉ sau một ngày rưỡi diễn ra, từ ngày 8 đến 9-3 tại Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đây được coi là Hội nghị “bấm nút” cho chương trình toàn khóa, để các bước tiếp theo là hành động và hành động, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Quan trọng là thực hiện nghị quyết

Trong không khí cả nước vừa vui xuân, đón Tết, mừng thành công của Đại hội XIII của Đảng và tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phòng, chống đại dịch Covid-19, đồng thời khẩn trương chuẩn bị để tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội nghị lần thứ hai tập trung bàn về: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, sáu nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới mà Đại hội XIII đã xác định, và cả những mục tiêu xa hơn. Theo đó, ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết; những khâu cần đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu, như: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.

Xác định đây là công việc có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa những định hướng, nội dung, bước đi để chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian xem xét, nghiên cứu, thảo luận, lựa chọn và thống nhất cao để đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển KT-XH là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên,… Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị: “Đối với những vấn đề lớn, quan trọng đã được xác định rõ về chủ trương, định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết của các khóa trước vẫn còn giá trị, hiệu lực, thì tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoặc định kỳ sơ kết, tổng kết, ban hành kết luận; không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết; nghị quyết phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian, lộ trình thực hiện”.

Đánh giá cao kết quả Hội nghị, góp thêm ý kiến vào chương trình hành động của Trung ương, một số chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhà nước giai đoạn mới. Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt; khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường và bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người... Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phải làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình.

Phương hướng đã rõ ràng, giờ là lúc, hệ thống chính trị cần sớm được kiện toàn, sắp xếp và vận hành hiệu quả.

Khơi dậy khát vọng thịnh vượng

Từ đòi hỏi của thực tiễn, hơn bao giờ hết, sứ mệnh khơi dậy và thực hiện thành công khát vọng thịnh vượng của dân tộc thuộc về cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Không chậm trễ, ngay sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo việc hoàn chỉnh và công bố các văn kiện của Đại hội; thông qua chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; tiến hành phân công các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bước đầu bố trí và sắp xếp lại nhân sự một số cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV...

Trên tinh thần đó, để bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, chỉ đạo; tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; đồng thời, cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Bày tỏ vui mừng với kết quả giới thiệu nhân sự chủ chốt, TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, nói “tập trung cao” chỉ có ba từ ngắn gọn, song để có được kết quả tốt đẹp ấy là nhờ công tác cán bộ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bài bản từ trước cả Đại hội XIII. Được Trung ương tín nhiệm giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn giữ cương vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ mới này đều là những cán bộ có đức, có tài, được đào tạo bài bản, trui rèn và trưởng thành qua thực tiễn, được tiến cử theo quy trình chặt chẽ, đúng người, đúng việc. Đảng ta cũng đã có nhiều văn bản, nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cán bộ, xây dựng con người như là một trong những yêu cầu quan trọng nhất, trọng tâm nhất trong xây dựng văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Khẳng định với những kết quả đã đạt được, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thành công tốt đẹp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, sau Hội nghị này, cùng với việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự cấp cao tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, sẽ tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng và đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong các hoạt động của toàn hệ thống chính trị.

Sau Đại hội XIII của Đảng là Hội nghị Trung ương lần thứ hai, kế đến là kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV,…

Dồn dập các sự kiện chính trị quan trọng ngay đầu năm 2021, năm đầu tiên của thập niên mới, diễn ra giữa bộn bề lo toan khi tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế đều đặt ra thách thức mới. Song, người dân cả nước vững niềm tin, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhất định đất nước sẽ có nhiều bứt phá và đạt các mục tiêu quan trọng trong 5 năm tới.

Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra từ ngày 24-3 đến 7-4. Bộ máy Chính phủ và Quốc hội khóa mới cũng sẽ sớm được định hình và được bầu, phê chuẩn lại vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, dự kiến vào tháng 7 tới.


KHÚC HỒNG THIỆN/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/-bam-nut-chuong-trinh-hanh-dong-toan-khoa-638317/

  • Từ khóa