Chủ tịch Quốc hội: Kỹ lưỡng, thận trọng trong công tác nhân sự

Thứ 3, 16.03.2021 | 09:28:07
383 lượt xem

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh lưu ý tại phiên họp 54 của UB Thường vụ Quốc hội ngày 15/3/2021. Việc đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng là nội dung được tập trung thảo luận.

Nêu định hướng trước khi UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp 11 tới đây, Quốc hội sẽ dành thời gian khá quan trọng thực hiện công tác nhân sự để kiện toàn một số chức danh Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội quán triệt, công tác nhân sự phải kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo thủ tục và đạt được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến việc chuẩn bị nội dung này, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi thêm để bố trí buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban cán sự Đảng Chính phủ trước ngày khai mạc kỳ họp 11 (dự kiến là 24/3/2021) để thảo luận cụ thể về phương án nhân sự trình Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Hồ sơ của những nhân sự được giới thiệu vào các chức danh, theo đó, phải được chuẩn bị đầy đủ, chu toàn.

Chủ tịch Quốc hội: Kỹ lưỡng, thận trọng trong công tác nhân sự - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp 54 của UB Thường vụ Quốc hội.

Ấn tượng về Quốc hội dân chủ, tranh luận

Về việc đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội khái quát: "Đây là một nhiệm kỳ thành công. Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho. Dù đánh giá với tinh thần khiêm tốn vẫn có thể khẳng định như vậy".

Chủ tịch Quốc hội điểm lại, bên cạnh 11 kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong 5 năm qua, tháng nào UB Thường vụ Quốc hội cũng họp, thậm chí nhiều thời điểm phải họp đột xuất để chuẩn bị các nội dung gấp rút, hỗ trợ Chính phủ, đảm bảo sự vận hành trơn tru, không bị ách tắc của bộ máy nhà nước, để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra của cuộc sống, nhân dân.

Người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng nhận định, nhiệm kỳ khóa XIV, hoạt động của Quốc hội phát huy mạnh mẽ tính dân chủ nhưng dân chủ trong kỷ cương, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Quốc hội ghi dấu ấn với một nhiệm kỳ chuyển từ mô hình "Quốc hội tham luận" sang "Quốc hội tranh luận".

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ, trong các phiên thảo luận, chất vấn tại hội trường, các ý kiến tranh luận đều được ưu tiên nêu ra trước để cơ quan giải trình phải đi tới tận cùng vấn đề. Việc tranh luận trực tiếp đó tạo nên không khí sôi nổi, thực chất cho các phiên thảo luận.

"Tinh thần dân chủ, tranh luận cũng nằm ở những hơi thở cuộc sống các đại biểu nắm bắt, giải quyết ngay trong mỗi lần tiếp xúc cử tri. Mỗi kỳ họp, Quốc hội đều lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện đúng nguyên tắc của hoạt động của cơ quan dân cử chính là nói tiếng nói của dân, gắn với dân, giải quyết nguyện vọng của dân" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc tới những hoạt động đổi mới tạo ra những dấu ấn cho Quốc hội khóa XIV, như việc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có 2 kỳ họp Quốc hội tổ chức đan xen giữa họp trực tuyến, và trực tiếp, rất thành công, đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan lập pháp cũng bày tỏ rất hài lòng với hoạt động của các lãnh đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ ngành của Chính phủ. Bà đánh giá, các thành viên Chính phủ đứng trước Quốc hội giải trình, báo cáo rất rõ ràng, lưu loát, nắm công việc trên từng lĩnh vực rất chặt chẽ, sâu sắc, hỏi đến đâu trả lời đến đó. Còn các cơ quan của Quốc hội càng ngày công việc càng chất lượng, hiệu quả hơn.

"Điều đó nâng cao vị thế, quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Việc phản biện sâu sắc, chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm; chọn đúng vấn đề đất nước cần tháo gỡ để đi lên. Đó là những thành tựu, những dấu ấn cần đánh giá sâu sắc để rút ra bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XV" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Những "món nợ" với dân

Chủ tịch Quốc hội: Kỹ lưỡng, thận trọng trong công tác nhân sự - 2

Các ý kiến tham gia thảo luận đều đánh giá khóa XIV là một nhiệm kỳ rất thành công của Quốc hội.

Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng nhận định, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri, nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, ông Giàu nhìn nhận, Quốc hội còn "nợ" dân 2 việc, trong đó, nợ lớn nhất là với nông nghiệp, nông thôn khi tình trạng "được mùa, mất giá" vẫn chưa giải quyết được triệt để dù đã qua không ít lần thảo luận, chất vấn.

"Chuyện rớt giá, chuyện giải cứu nông sản hiện đã khắc phục được ở một số sản phẩm rồi nhưng nhiều sản phẩm khác vẫn bị, ví dụ như năm nay được giá lúa thì giá xoài không được. Suốt năm 2019 giá cá cũng không được" - Chủ nhiệm UB Đối ngoại chia sẻ về điều ông thấy áy náy, băn khoăn nhất.

Ngoài ra, theo ông, Quốc hội cũng còn "nợ" người dân đồng bằng sông Cửu Long vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực khi đường xá tại đây vẫn quá thiếu, quá tải. Nhà nước đã quan tâm, đầu tư nhiều nhưng chuyển biến với vùng còn chậm.

Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cũng bày tỏ 3 điều trăn trở là vấn nạn rác thải, nước thải, vấn đề an ninh nguồn nước và tăng trưởng GDP.

Theo ông Túy, FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP nhưng khó thực chất vì không bắt nguồn từ sản xuất trong nước. Hơn nữa, thu hút FDI đã nhiều năm nhưng việc chuyển giao công nghệ hạn chế, càng tạo sự chênh lệch phát triển. Vì vậy, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, cần phát triển công nghệ nguồn, ít nhất là công nghệ chế tạo, để tạo ra giá trị gia tăng.


Phương Thảo/dantri.com

https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-ky-luong-than-trong-trong-cong-tac-nhan-su-20210315155849557.htm

  • Từ khóa