Giáo dục đang xoay trục từ đại học sang phát triển kỹ năng nghề

Thứ 4, 17.03.2021 | 08:34:44
388 lượt xem

TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết giáo dục xoay trục từ đại học sang phát triển kỹ năng nghề là xu hướng mới của toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoại lệ.

Hướng tới Kỹ năng lao động Việt Nam

Phát biểu tổng kết tại Hội nghị đổi mới Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 trong bối cảnh mới và tác động của dịch Covid-19, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN - Bộ LĐ-TB&XH TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong bối cảnh mới - ở đó nhu cầu nhân lực có kỹ năng là vấn đề lớn đang đặt ra cho toàn cầu. Nếu như trước đây chúng ta tập trung nhiều vào các trường đại học đẳng cấp quốc tế và quốc gia rất nhiều thì gần đây xu thế bất ngờ lại thay đổi".

Theo TS. Trương Anh Dũng, khoảng 5 năm trở lại đây, trên toàn cầu, không chỉ riêng khu vực Đông Nam Á mà từ châu Mỹ, châu Phi cho đến một quốc gia phát triển hàng đầu như nước Mỹ đã xoay trục giáo dục sang phát triển kỹ năng.

Nhu cầu người lao động có kỹ năng của Việt Nam cũng rất lớn. Điều đó thấy rõ khi ngày 1/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 1486/QĐ-TTg lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam". Chúng ta phải tranh thủ thời cơ "dân số vàng" để phát triển nguồn lực lao động có tay nghề vì cơ hội qua đi sẽ không thể quay lại.

Như vậy, năm 2021 cũng là năm đầu tiên kỳ thi Kỹ năng nghề toàn quốc hướng đến hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Giáo dục đang xoay trục từ đại học sang phát triển kỹ năng nghề - 1

TS. Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH.

Mục tiêu của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia là tạo sân chơi, giao lưu, trình diễn kỹ năng, ứng dụng công nghệ mới, tác động định hướng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, chuẩn bị cho việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm, tôn vinh lao động có kỹ năng, thúc đẩy phong trào phát triển kỹ năng trong lực lượng lao động Việt Nam cũng như hệ thống doanh nghiệp.

Đối tượng, ngành nghề, nội dung, phương thức triển khai kỳ thi năm nay sẽ thử nghiệm cả các vấn đề mới, tiếp cận cả quốc tế với tinh thần thiết thực, hiệu quả.

 TS. Trương Anh Dũng cho biết, kỳ thi Kỹ năng nghề năm 2021 sẽ mở rộng về mặt đối tượng, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa năng lực và trình độ để đánh giá công bằng. Ngoài đối tượng truyền thống thì sẽ mở rộng ra đối tượng lao động đang học nghề. Chọn ngành gì BTC sẽ phải bàn tiếp nhưng phải phù hợp với năng lực và điều kiện của năm nay. Một mặt, chúng ta sẽ nghiên cứu những ngành mũi nhọn, trọng điểm, thu hút đầu tư bên cạnh những nghề trong ASEAN.

"Kỳ thi cũng sẽ lưu ý chọn những ngành mà các doanh nghiệp quan tâm, sẵn sàng và có kinh nghiệm nhất… Các doanh nghiệp từng thi nội bộ ngành thì qua lần này, có thể thi để nâng chất lượng lên tầm quốc gia" - ông Dũng nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp tham gia kỳ thi

Tại hội nghị, các ý kiến trao đổi về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia kỳ thi được đặt ra. Theo TS. Trương Anh Dũng, chắc chắn BTC phải làm rõ được quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia.

Cơ bản, doanh nghiệp tham gia kỳ thi sẽ có quyền lợi về mặt quảng bá thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp trên phạm vị quốc gia. Doanh nghiệp cũng được ưu tiên tuyển dụng cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Chẳng hạn, tập đoàn Hòa Bình cần 5000 nhân lực trong 5 năm năm tới, nếu tuyển dụng bên ngoài sẽ không đơn giản nhưng nếu tham gia vào Ngày hội Kỹ năng nghề thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có trách nhiệm phối hợp tổ chức đào tạo cùng với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường...

Quyền lợi đi kèm với trách nhiệm. Các doanh nghiệp tham dự kỳ thi có trách nhiệm không nhỏ trong việc góp phần vào sự thành công của kỳ thi. Đó có thể là tham gia đăng cai địa điểm tổ chức vật liệu trang thiết bị cho tổ chức kỳ thi, chuyên gia của doanh nghiệp, học sinh của doanh nghiệp…

Doanh nghiệp cũng phải dự tính kinh phí để một nhân lực của công ty tham gia kỳ thi sẽ hết bao nhiêu để trù bị sớm và cụ thể đối với từng nhóm ngành, nghề để đơn vị quyết định bố trí nhân lực tham gia.

Giáo dục đang xoay trục từ đại học sang phát triển kỹ năng nghề - 2

Đại biểu tham dự hội nghị.

Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, ngay trong cuối tuần này, đơn vị sẽ trình Bộ LĐ-TB&XH bản đề xuất từ các đại biểu để cuối tháng 3 chốt được phương án thông báo cho các đơn vị liên quan để lấy ý kiến. Trong tháng 4, phải xong cơ bản về mặt Ban tổ chức mới, chốt được các doanh nghiệp, đơn vị tham gia…. Các lộ trình khác sẽ theo phương án đó mà hoàn thiện. Ông tin rằng, với kinh nghiệm nhiều năm BTC sẽ tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống đề thi phù hợp nhóm đối tượng, phân bổ kinh phí cho các khâu tổ chức điều phối, truyền thông, mời chuyên gia quốc tế, tài liệu hướng dẫn, tập huấn, khen thưởng tôn vinh cần được hoạch định rõ ràng.

Tôn vinh người lao động trong cộng đồng

TS. Trương Anh Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tôn vinh những thí sinh xuất sắc bước ra từ kỳ thi.

"Những người đạt thành tích cao phải lựa chọn Đại sứ nghề quốc gia, để họ trở thành hình ảnh đại diện của hệ thống lực lượng lao động Việt Nam để tôn vinh họ", ông nói.

Có mặt tại hội nghị, anh Nguyễn Văn Tùng - Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2020 cũng đề xuất ý kiến nên tôn vinh người lao động trong cộng đồng.

Theo anh Tùng, trong bối cảnh mới tác động của Covid-19, phía Tổng cục GDNN cũng đưa ra cách làm mới, áp dụng lên đối tượng mới với quy mô rộng hơn, đứng ở góc độ tiền thân là một thí sinh phát triển từ giáo dục nghề nghiệp và đến giờ được nhận nhiệm vụ Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam 2020, Tùng cho rằng, việc lan tỏa giáo dục nghề nghiệp tới tất cả địa phương, tới nhiều đối tượng là rất quan trọng.

Giáo dục đang xoay trục từ đại học sang phát triển kỹ năng nghề - 3

Anh Nguyễn Văn Tùng - Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2020.

Đặc biệt, việc lan tỏa kỹ năng nghề trong cộng đồng là rất cần thiết. Ngày xưa, trong một xã, một làng, một địa phương nhỏ, chỉ cần nói đến "thợ cả" là mọi người đều rất tôn trọng, tôn vinh. Bây giờ các thợ cả thường không hoạt động ở nơi mình sống mà thường hoạt động trong các doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng, ngoài tôn vinh doanh nghiệp thì chúng ta nên tôn vinh cả những người thợ trong doanh nghiệp đó. Để bản thân những người đó trở thành tấm gương cho con em trong gia đình của mình.

Sự lan tỏa đó sẽ ảnh hưởng đến thế hệ về sau và các thế hệ về sau sẽ có được sự định hướng rõ ràng từ phía gia đình, gia đình sẽ nắm bắt được năng lực của con em mình và đầu tư cho con em phát triển sớm.

Đó cũng là một động thái góp phần thúc đẩy dòng chảy giáo dục nghề nghiệp không bị chững lại bởi dòng chảy của dịch bệnh hiện tại", Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2020 nêu quan điểm.


Lệ Thu/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-duc-dang-xoay-truc-tu-dai-hoc-sang-phat-trien-ky-nang-nghe-20210316130026953.htm

  • Từ khóa