Bảo đảm an toàn thông tin và xây dựng hệ sinh thái số

Chủ nhật, 28.03.2021 | 14:44:48
527 lượt xem

Học viện Kỹ thuật mật mã (KTMM) đang nỗ lực đầu tư xây dựng, phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại; trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) chất lượng cao về KTMM và an toàn thông tin (ATTT), đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ngành cơ yếu và nhu cầu trong lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Theo Đại tá, TS Nguyễn Hữu Hùng, nghiên cứu KHCN là một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng Học viện KTMM cách mạng, chính quy, hiện đại theo Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 5-3-2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Nghiên cứu KHCN của học viện tập trung trên các hướng: KTMM, ATTT, công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử-viễn thông. Học viện tập trung đầu tư triển khai xây dựng, phát triển hệ sinh thái giáo dục, số hóa cơ sở dữ liệu học liệu... theo mô hình “nhà trường thông minh” trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, học viện xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu ưu tiên; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu KHCN trong và ngoài nước theo mô hình hợp tác học viện-viện nghiên cứu-doanh nghiệp-địa phương...

5 năm qua (2016-2020), Học viện KTMM không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng các ngành đào tạo mới, như: CNTT, điện tử-viễn thông; đồng thời triển khai nghiên cứu KHCN phục vụ đào tạo, quản lý giáo dục và phát triển KHCN, KTMM, ứng dụng bảo đảm an ninh, ATTT, chuyển đổi số... Học viện đã triển khai các hướng nghiên cứu bảo đảm ATTT hạ tầng mạng, ATTT mạng không dây, ATTT hệ thống; bảo mật thiết bị chuyên dụng và nghiên cứu KTMM phục vụ bảo đảm an ninh, ATTT... Cùng với đó, học viện phối hợp với các cơ quan, nhà máy, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nghiên cứu mật mã, trang thiết bị KTMM đưa vào ứng dụng, trang bị cho các đơn vị. Học viện triển khai và hoàn thành 7 đề tài KHCN cấp Nhà nước, 16 đề tài cấp ngành, 40 đề tài cấp cơ sở. Phong trào nghiên cứu KHCN trong sinh viên ngày càng phát triển, số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu KHCN tăng mạnh, với nhiều lĩnh vực. Trong đó, có những sinh viên hoàn thành đề tài KHCN chất lượng tốt, đưa vào ứng dụng thực tiễn hiệu quả, được nhiều tổ chức CNTT trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Bảo đảm an toàn thông tin và xây dựng hệ sinh thái số
 Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ (Học viện Kỹ thuật mật mã)
trao đổi về đề tài nghiên cứu.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, Học viện KTMM cùng 7 học viện, trường đại học nước ta được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là cơ sở đào tạo trọng điểm để triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ANTT) đến năm 2020 của Chính phủ (Đề án 99). Quá trình triển khai Đề án 99, học viện đã được đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu KHCN, xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cấp phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu KHCN; tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo về ATTT, ANTT. Trên cơ sở đó, cán bộ, giảng viên, nhất là học viên, sinh viên có cơ hội tốt để tiếp cận các nghiệp vụ thực tế, rèn luyện được “kỹ năng mềm” và cơ hội để tìm việc làm, khởi nghiệp và sáng tạo.

Phục vụ nghiên cứu KHCN, phát triển KTMM và bảo đảm an toàn, ANTT, những năm qua, Học viện KTMM chú trọng xây dựng tiềm lực KHCN và phát triển các hệ thống mật mã, các giải pháp kỹ thuật mới, góp phần đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn, ANTT, nhất là các hệ thống cơ mật của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và ngoại giao. Hiện nay, học viện có 100% cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trình độ sau đại học, hơn 20% học vị tiến sĩ và học hàm phó giáo sư, cùng hàng chục nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài. Các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành ngày càng tăng; 5 năm qua đã có gần 130 bài báo được công bố. Hệ sinh thái số của học viện đang được xây dựng và phát triển, bao gồm các phần mềm quản lý đào tạo, quản lý thư viện, với hơn 30.000 bản sách, 200 đầu sách điện tử. Học viện còn phối hợp nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu, sản phẩm KHCN phục vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ, làm chủ mật mã, bảo mật và bảo đảm an toàn nghiêm ngặt, đáp ứng yêu cầu cao về bảo mật và ATTT; phục vụ cải cách hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, các bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian tới, Học viện KTMM trong lộ trình tổng thể triển khai Chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam và Chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu KHCN, phát huy các nguồn lực, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về đào tạo và nghiên cứu KHCN. Học viện phấn đấu đến năm 2025 đứng trong tốp 50 và năm 2030 vào nhóm 10 trường đại học ứng dụng hàng đầu nước ta. Cùng với triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, Học viện KTMM tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu KHCN, hiện đại hóa cơ sở vật chất, xây dựng hệ sinh thái số đổi mới, sáng tạo với mô hình “nhà trường thông minh”. Học viện thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng cơ chế cho nghiên cứu KHCN, đo lường, đánh giá hiệu quả công việc (KPI); thu hút chuyên gia đầu ngành, đa dạng nguồn đầu tư cho nghiên cứu KHCN...


Bài và ảnh: DƯƠNG HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-dam-an-toan-thong-tin-va-xay-dung-he-sinh-thai-so-655331




  • Từ khóa