Các nước ồ ạt ưu đãi chính sách, xe điện Việt vẫn "đơn thương độc mã"?

Chủ nhật, 28.03.2021 | 14:42:12
748 lượt xem

Trong khi các nước đều tung gói chính sách, biện pháp cụ thể phát triển xe điện với lộ trình 10 năm, 20 năm, xe điện Việt dường như vẫn mới chỉ trông chờ vào nỗ lực của một hãng tư nhân.

Trong khi các hãng xe từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan được thụ hưởng những chính sách xe điện cụ thể, nhiều hãng xe tại Việt Nam vẫn chưa khởi động chiến dịch phát triển xe điện.

Hiện 3/4 các hãng xe trên thị trường vẫn vật lộn với bài toán tăng trưởng xe có động cơ đốt trong và coi xe điện là thì tương lai. Tuy nhiên, thì tương lai đó có thể đến nhanh hơn nếu nhìn vào việc làm, cách làm của các nước trong khu vực khi phát triển xe hơi.

Theo giới chuyên gia, nếu không thức tỉnh, Việt Nam vẫn học lại bài học cũ: Đi sau và biến mình trở thành thị trường xe của các nước trong khu vực.

Các nước ồ ạt nâng cấp, thay đổi chính sách xe điện

Chính phủ Trung Quốc đã sớm thúc đẩy chiến lược xe điện từ 10 năm trước. Chính sách của Trung Quốc là tăng tỷ trọng doanh nghiệp nội địa trong các liên doanh xe điện với nước ngoài đồng thời kìm hãm sự xâm nhập thị trường của các hãng xe điện nước ngoài vào thị trường tỷ dân bằng loại bỏ bớt ưu đãi thuế phí...

Các nước ồ ạt ưu đãi chính sách, xe điện Việt vẫn đơn thương độc mã? - 1

Xe điện Trung Quốc.

Hiện các thương hiệu xe điện lớn của Trung Quốc kể đến là BYD, Geely hay SAIC... đều sản xuất xe điện cung cấp ra thị trường và xuất khẩu. Mới đây, hãng xe điện thuộc tập đoàn Great Wall của Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch đầu tư phân phối xe điện vào Đông Nam Á bằng việc mở nhà máy tại Thái Lan. Mẫu xe điện Ora White Cat hiện có giá rẻ và nhiều khả năng sẽ cạnh tranh tốt tại thị trường các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển xe điện để đưa 20% số lượng xe điện vào sử dụng vào năm 2025 và phổ biến năm 2035. Hiện, Trung Quốc mỗi năm sản xuất hơn 20 triệu chiếc xe. Mục tiêu 20% số lượng xe điện nước này sản xuất năm 2025 là 4 triệu chiếc và mục tiêu 2035 sẽ phổ biến xe điện được đánh giá là cực kỳ tham vọng.

Tại Nhật Bản, chính phủ dự kiến đưa ra quy định cấm xe động cơ đốt trong, chạy xăng vào năm 2030, việc này thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xe điện, pin nhiên liệu hoặc xe lai Hybrid.

Thực tế, năm 2020, doanh số bán các mẫu ô tô không phát thải (gồm xe hybrid, xe điện) tại Nhật Bản chiếm 40% tổng số ô tô bán ra.

Để phát triển xe điện và chủ động trong cuộc đua dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, các hãng xe lớn của Nhật như Honda, Toyota, Mitsubishi đều đi đầu trong chiến dịch sản xuất, cung ứng xe điện bằng nghiên cứu vật liệu mới, pin rắn, thiết kế và đặc biệt là chạy đua nghiên cứu các nguồn năng lượng tương lai.

Các nước ồ ạt ưu đãi chính sách, xe điện Việt vẫn đơn thương độc mã? - 2

Xe điện Nhật Bản.

Cường quốc xe hơi châu Á cũng không đứng ngoài cuộc đua xe điện toàn cầu. Kế hoạch đầy tham vọng của Hàn Quốc là năm 2025 sẽ đưa hơn 1,1 triệu xe điện và 200.000 xe chạy nhiên liệu hydro vào sử dụng và xuất khẩu nửa triệu chiếc xe điện ra thế giới. Các hãng xe nổi tiếng xứ Hàn đều được thừa hưởng các gói ưu đãi, kích cầu lớn của Chính phủ.

Cụ thể, năm 2020 đến 2025, Hàn Quốc đầu tư 17,6 tỷ USD vào lĩnh vực xe thân thiện môi trường. Các hạng mục đầu tư của Chính phủ tập trung chủ yếu vào xây dựng trạm sạc điện tại các tuyến đường, tòa nhà và các khu trạm nghỉ chân trên đường cao tốc.

Để khuyến khích thị trường xe điện, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các cơ quan Chính phủ, Nhà nước mua và sử dụng xe điện, xe xanh thay thế các loại xe đốt trong truyền thống. Ngoài ra, hàng loạt chính sách hỗ trợ, bù lỗ xe điện nội địa ban đầu được thực hiện. Đáng chú ý, Hàn Quốc hiện đã ngưng trợ cấp cho hãng xe ngoại như Tesla.

Thái Lan cũng lên kế hoạch phát triển xe điện từ năm 2015. Nước này đưa mục tiêu sản xuất hơn 250.000 xe điện, 3.000 xe bus, 53.000 xe máy điện năm 2025. Để thực hiện cuộc đại chuyển đổi sản xuất mang tính quốc gia, Thái Lan lập hẳn một cơ quan gọi là Ủy ban Chính sách xe điện quốc gia Thái Lan, thuộc Chính phủ.

Nước này có kết hoạch trở thành quốc gia sản xuất xe điện hàng đầu ASEAN vào năm 2030 và kế hoạch thực tế là sản xuất 1,2 triệu chiếc xe điện vào năm 2036 tương tự như Hàn Quốc.

Các nước ồ ạt ưu đãi chính sách, xe điện Việt vẫn đơn thương độc mã? - 3

Xe điện của Hàn Quốc.

Chính sách phát triển xe điện quốc gia của Thái Lan dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây, các nhà cung ứng linh phụ kiện trong nước để hướng tới trở thành nhà sản xuất xe điện toàn cầu.

Quốc gia đông dân nhất ASEAN là Indonesia cũng có tham vọng chuyển đổi ngành sản xuất xe hơi thành xe điện. Dựa vào số dân đông, hạ tầng sản xuất xe ô tô lớn nhất nhì ASEAN, quốc gia này muốn đến năm 2030 sẽ chuyển 1/4 sản lượng xe sản xuất hiện nay thành xe điện.

Indonesia cũng khéo léo tận dụng các khoản đầu tư của các hãng như Toyota, Hyundai, LG để xây dựng các dự án xe điện, khuyến khích người dân, chính quyền sử dụng các loại xe xanh, xe điện bằng hình thức giảm thuế, tăng ưu đãi cho người mua xe điện.

Việt Nam cần đổi mới và chuyển mình

Còn Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với vấn đề xe điện hiện nay là chính sách và đầu tư hạ tầng.

Hiện chính sách phát triển xe điện cấp quốc gia vẫn chưa xây dựng cụ thể. Quyết định 1168/QĐ-TTg và Nghị quyết số 115/NQ-CP đều vẫn chưa xây dựng rõ lộ trình, giải pháp và hướng phát triển xe điện, linh kiện hoặc khoản đầu tư đáng kể nào cho xe điện.

Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam vẫn ở trạng thái khai thác thị trường, chưa tính đến chuyện phát triển xe điện trở thành động lực, xương sống của nền kinh tế.

Các vấn đề về xây dựng hạ tầng, trạm sạc pin hoặc kết hợp nghiên cứu, mua bằng sáng chế, hợp tác phát triển pin, linh kiện sản xuất cho xe điện đang tiêu tốn khoản tiền khổng lồ của nhiều hãng xe lớn trên thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia đã và đang cung cấp khoản tín dụng hoặc tung tiền hỗ trợ các hãng xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các nước ồ ạt ưu đãi chính sách, xe điện Việt vẫn đơn thương độc mã? - 4

Trạm sạc xe điện của VinFast tại Việt Nam.

Đối với Việt Nam, hiện 3/4 sản lượng xe tiêu thụ trên thị trường vẫn nằm trong tay các hãng xe liên doanh, hãng xe lắp ráp (mua bản quyền) của nước ngoài. Chính vì vậy, không thấy hoặc không thấy rõ chiến lược phát triển xe điện của các hãng, doanh nghiệp tại Việt Nam. 3/4 các doanh nghiệp liên doanh không có kế hoạch, thậm chí chỉ coi Việt Nam là thị trường xe ô tô đốt trong và chờ đợi nhập khẩu các loại xe điện từ nước ngoài về nước.

Gần đây, sự tham gia vào thị trường xe điện, việc đưa xe điện đến tay người tiêu dùng thời điểm cuối năm 2021 được xem là cố gắng lớn của hãng xe Việt non trẻ, đầy bản lĩnh. Tuy nhiên, để VinFast khai tỏa sự phát triển ngành xe điện tại Việt Nam, giới chuyên gia cho biết rất cần chính sách chiến lược, cụ thể. Bên cạnh đó sự đồng hành của người tiêu dùng, sự đón nhận của xã hội.

Giữa một thế giới đổi thay hàng ngày, trong nước, sự phát triển lệ thuộc trong tay các liên doanh xe hơi ngoại thì sự nổi lên và ghi nhận của một hãng xe Việt Nam trên bàn cờ xe điện của khu vực, toàn cầu là sự cần thiết song vẫn chưa đủ. 


Nguyễn Tuyền/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-nuoc-o-at-uu-dai-chinh-sach-xe-dien-viet-van-don-thuong-doc-ma-20210328123919348.htm

  • Từ khóa