Dệt may Việt Nam và những thách thức nội tại

Chủ nhật, 28.03.2021 | 14:42:07
582 lượt xem

Nhiều năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa nhiều vào viện trợ nước ngoài sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn.

Tính đến nay, 31 ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch trị giá trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 ngành hàng có giá trị trên 10 tỷ đô. Nhận diện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành hàng tỷ đô luôn được Chính phủ quan tâm, để các DN và mặt hàng này của Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Nửa đầu tháng 3/3021, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng dệt may khi tăng 565 triệu USD,
tương ứng tăng 79,6%. Ảnh: VINATEX

Những tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp (DN) may mặc Việt Nam đón nhận tín hiệu lạc quan khi nhiều đơn hàng gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới thì các DN Việt cũng đang đối mặt với chính những thách thức nội tại.

Bài toán tự chủ nguyên liệu

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong nửa đầu tháng 3, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,3 tỷ USD, tăng 30% (tương ứng tăng 3,07 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 2/2021. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng dệt may khi tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6%.

Ông Trần Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hầu hết các DN dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số DN có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8 như May Sài Gòn 3, Saigon Garmex, Việt Tiến... Tiêu thụ chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật. Trong đó, thị trường Mỹ tăng khả quan, châu Âu tăng chưa xứng tiềm năng do DN Việt chưa khai thác tốt lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 bằng với năm 2019 (khoảng 39 tỷ USD) nhưng chúng ta vẫn có khả năng đạt cao hơn.

Với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu hiện nay, trong 6 tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn. Các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có đặc điểm là hàng thu-đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10%, và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn tối thiểu một năm so với tổng cầu của thị trường.

Về thách thức, ông Trường cho biết, tới đây, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với xu thế giảm giá ngặt nghèo, đặc biệt với những đơn vị kinh doanh mảng dệt và may.

“Từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những người làm dệt, may rất căng thẳng. Hiện nay những đơn vị dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể, trong khi giá sợi đã tăng 25%. Bên cạnh áp lực giảm giá chung của thị trường thì DN ngành dệt còn chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch 1 triệu tấn”, ông Lê Tiến Trường nói.

Ngoài ra, từng DN cũng có những thách thức từ rủi ro trong quản trị dịch bệnh. Cho dù tình hình không bị đóng băng như năm 2020, nhưng cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, hoặc không may nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Bởi ngoài việc không sản xuất, không có thu nhập, DN sẽ vẫn phải trả một phần lương cơ bản cho người lao động và có nguy cơ chịu phạt các hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài, trong khi không được hưởng các chính sách hỗ trợ chung như khi toàn xã hội bị đóng cửa (ví dụ chính sách giãn nợ, giảm thuế, phí,…)

Tuy nhiên, ông Trường cũng nhìn nhận, cơ hội tăng xuất khẩu sang châu Âu đã tạo “chất xúc tác” để các nhà sản xuất nguyên phụ liệu mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nhà máy, chuẩn bị và cung ứng nguyên phụ liệu "made in Vietnam" nhiều hơn.

Cùng quan điểm với ông Trường, ông Trần Văn Cẩm cũng cho rằng “các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu”.

Tuy nhiên, ông Cẩm cũng nhìn nhận, lực hấp dẫn này đang đi cùng với khó khăn. Bởi, hiện nay DN Việt chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn cung sợi trong nước còn rất hạn chế, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, muốn hưởng lợi thế từ các FTA hiện tại thì hàng hoá xuất khẩu phải đáp ứng được quy định về nguồn gốc xuất xứ với vải hoặc sợi phải được sản xuất trong nước hoặc nội khối.

“Cái khó của ngành dệt may là nhiều địa phương không mặn mà với các dự án dệt, nhuộm bởi lo ngại ô nhiễm môi trường”, ông Cẩm chia sẻ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VITAS cũng cho rằng, muốn khuyến khích các DN đầu tư nhà máy dệt, sợi, cần có các chính sách đối xử công bằng giữa sợi nhập khẩu và sợi sản xuất trong nước.

“Hiện nay, DN sử dụng nguyên liệu nhập khẩu không mất thuế, còn DN sử dụng sợi trong nước khi xuất khẩu phải nộp 10% thuế VAT. Mặc dù, sau khi chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, DN sẽ được hoàn lại 10% nhưng thời gian hoàn thuế cho số tiền DN đã tạm ứng này rất lâu (khoảng 6-9 tháng), đồng nghĩa với việc DN bị treo một khoản tiền tương đối lớn”, ông Cẩm nói.

Muốn khuyến khích các DN đầu tư nhà máy dệt, sợi cần có các chính sách đối xử công bằng giữa sợi
nhập khẩu và sợi sản xuất trong nước. Ảnh: VINATEX.

Lực lượng lao động đông đảo: Lợi thế thành thách thức

Sử dụng nguồn lao động đông đảo trong các ngành sản xuất, giá trị xuất khẩu lớn thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tuy nhiên lao động của ngành dệt may hiện đang đứng trước nguy cơ chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc đánh giá tác động, hiệu quả của chính sách đã ban hành và đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đề nghị Nhà nước cần có thêm các gói hỗ trợ để DN và người lao động vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất.

“Hiện nay “sức khỏe” của cộng đồng DN nói chung và DN ngành dệt may nói riêng đang ở mức kém lạc quan nhất và rất mong manh”, ông Trần Văn Cẩm chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ.

Ngành dệt may Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 35,06 tỷ USD, giảm 9,82% so với năm 2019 (38,9 tỷ USD) và còn kém năm 2018 (36,26 tỷ USD).

Số liệu thống kê 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tình hình dịch không phức tạp thêm, ông Cẩm đưa ra dự kiến cả năm 2021 toàn ngành sẽ đạt khoảng 38 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2020, nhưng chưa bằng mức của 2019.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên thế giới, VITAS đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng nguồn từ các gói hỗ trợ chưa sử dụng hết (mới sử dụng khoảng 20%) để hỗ trợ cho DN và người lao động với các điều kiện dễ tiếp cận hơn và kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2021. Cụ thể, tiếp tục giảm tiền thuê đất, tiền điện, nước, giãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các DN khó khăn đến hết năm 2021…

Hiệp hội cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam điều chỉnh giảm tỉ lệ phần trăm người lao động tham gia BHXH mất việc để DN được ngừng đóng kinh phí công đoàn, ít nhất cũng như Chính phủ đã điều chỉnh điều kiện DN được ngừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (Nghị quyết 154/NQ-CP). Đồng thời kéo dài thời hạn ngừng đóng đến hết năm 2021.

“Chúng tôi đồng ý với đề xuất của Bộ LĐTB&XH giữ nguyên phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho DN, tạo điều kiện để DN đảm bảo việc làm, không sa thải người lao động”, ông Trần Văn Cẩm cho hay.

Đồng thời, VITAS cũng đề nghị Quốc hội sớm đưa vào chương trình sửa Luật Công đoàn (lẽ ra đã triển khai trong năm 2020) và lấy ý kiến để giảm tỉ lệ đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% (thay vì 2% như hiện nay) và quy định kinh phí công đoàn để lại tối thiểu 90% để chăm lo đời sống cho người lao động tại DN.

Phí hạ tầng cảng biển đang là áp lực với các DN xuất khẩu hàng dệt may.

Gánh nặng chi phí logistics

Từ ngày 1/1/2017, TP. Hải Phòng thực hiện thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ (gọi là phí cơ sở hạ tầng) trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Mức thu phí tuỳ thuộc loại hàng hoá xuất nhập khẩu (gồm hàng rời và container). Theo đó, phí cho container 20 feet là 250.000 đồng; container 40 feet là 500.000 đồng.

“Việc thu phí hạ tầng tại các cảng biển, đặc biệt tại cảng Hải Phòng và mới đây TPHCM cũng đã ra quy định thu phí hạ tầng từ 1/7/2021, đang gây áp lực rất lớn cho DN xuất khẩu dệt may. Mặc dù, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2020, TP. Hải Phòng đã điều chỉnh giảm mức phí này nhưng mức giảm không đáng kể, container 20 feet giảm còn 230.000 đồng; container 40 feet giảm còn 460.000 đồng”, ông Trần Văn Cẩm cho biết.

VITAS đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có chính sách giảm phí đường bộ, phí BOT, đặc biệt đề nghị TP. Hải Phòng tiếp tục giảm phí hạ tầng cảng biển trong thời gian tới và TPHCM không triển khai thu phí hạ tầng từ 1/7/2021 như kế hoạch đã đưa ra.

Đồng thời, VITAS cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành can thiệp để không xảy ra việc nâng giá vận chuyển bằng tàu biển bất thường và tình trạng thiếu container rỗng đang xảy ra cũng như mong muốn các địa phương cần có chính sách thống nhất trong việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, không gây khó khăn cho DN.


Phan Trang/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Det-may-Viet-Nam-va-nhung-thach-thuc-noi-tai/426983.vgp

  • Từ khóa