Tăng mức hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thứ 5, 01.04.2021 | 14:29:29
358 lượt xem

Từ ngày 15-5, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tăng mức hỗ trợ học nghề.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp.

Đối tượng áp dụng gồm ba nhóm.

Thứ nhất, NLĐ được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (sau đây gọi chung là NLĐ).

Thứ hai, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động GDNN gia đào tạo nghề nghiệp cho NLĐ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).

Thứ ba, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan BHXH; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia BH thất nghiệp.

Mức hỗ trợ học nghề được tính theo thời gian.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến ba tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc từ 14 ngày trở xuống tính là tháng, và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.

Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 28/2015). Văn bản này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 61/2020).

Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020).

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan BHXH chi trả từ Quỹ BH thất nghiệp. Tính đến hết năm 2019, quỹ này kết dư 84.000 tỷ đồng. Trong năm 2020, quỹ BH thất nghiệp vẫn bảo đảm an toàn.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-5-2021.

Đối với NLĐ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.

Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp (Quyết định số 77/2014) hết hiệu lực kể từ ngày văn bản này có hiệu lực thi hành.

Hiện nay, mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ được áp dụng theo Quyết định số 77/2014.

Cụ thể, mức hỗ trợ học nghề hiện nay cho NLĐ tham gia BH thất nghiệp tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định, phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do NLĐ tự chi trả. Quy định về mức hỗ trợ học nghề hiện hành đã áp dụng từ thời điểm 1-1-2015.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2020, do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm.

Con số này gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đó là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Đại dịch đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của NLĐ, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.

Ước đến hết năm 2020, cả nước có hơn 13,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ hơn 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo báo cáo của các địa phương, gần 1,09 triệu người có quyết định hưởng BH thất nghiệp, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Số người được hỗ trợ học nghề là khoảng 26,4 nghìn người, cùng với hơn 2,2 triệu lượt được tư vấn, giới thiệu việc làm.


XUÂN ANH/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tang-muc-ho-tro-hoc-nghe-cho-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-640492/

  • Từ khóa