Khởi nghiệp với chất liệu nghề truyền thống

Thứ 4, 07.04.2021 | 08:42:23
924 lượt xem

Ra đời năm 2018, thương hiệu theMay của Vũ Thị Thanh Vân (sinh năm 1993, quê Gia Lai) là một dự án khởi nghiệp về sản phẩm thời trang và phụ kiện lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa người Chăm (Ninh Thuận), cụ thể là thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc, hai trong số những làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam nói riêng và Ðông - Nam Á nói chung.

Nghệ nhân người Chăm của làng Bàu Trúc giao lưu tại cửa hàng theMay.

Sau ba năm hoạt động, theMay bước đầu có chỗ đứng trong thị trường thời trang, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, đồng thời phát triển đa dạng mặt hàng, mở rộng các vùng cung cấp nguyên, phụ liệu. Vừa qua, theMay đã giành danh hiệu "Thương hiệu trang sức xuất sắc năm 2020", trong một cuộc bình chọn của cộng đồng yêu thời trang nội địa. Với mục tiêu tôn vinh và khôi phục nghề truyền thống, theMay cũng giữ được kết nối tốt với các nghệ nhân làng nghề, tổ chức các buổi trình diễn nghề, mở lớp dạy làm trang sức thủ công, đấu giá gây quỹ từ thiện cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam…

Nói về khởi nguồn của thương hiệu, người sáng lập Thanh Vân cho biết, ý tưởng đã được chị nhen nhóm từ những ngày còn sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Mỗi dịp giao lưu, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế chị đều cố gắng tìm sản phẩm quà tặng đặc trưng Việt Nam, nhưng có rất ít lựa chọn. Mặt khác, những chuyến đi trước đây ở các vùng miền đất nước đã cho Vân thấy được tiềm năng từ các chất liệu truyền thống, đặc biệt là sự độc đáo của vải thổ cẩm dệt tay của nhiều nhóm dân tộc ít người. Sau nhiều lần trăn trở, Thanh Vân quyết định bỏ công việc đang có tại một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Nhật, để về Việt Nam xây dựng theMay.

Khởi nghiệp vốn đã khó, khởi nghiệp với nghề truyền thống lại càng khó hơn. Những ngày đầu, Vân và nhóm cộng sự mất rất nhiều thời gian và công sức để đi thực tế, nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa địa phương và thử nghiệm chất liệu truyền thống vào các thiết kế hiện đại, sao cho bảo đảm được cả tính thẩm mỹ và tính ứng dụng. Cũng trong những lần đó, quyết tâm của nhóm càng được củng cố, khi chứng kiến nhiều kỹ thuật dệt và hoa văn cổ rất đặc sắc nhưng đang bị mai một dần khi các nghệ nhân cao tuổi già đi, trong khi lớp trẻ không đủ hiểu biết và tha thiết giữ nghề.

Những tấm vải thổ cẩm rực rỡ không chỉ thể hiện sự khéo léo của người nghệ nhân, mà còn chứa đựng cả những tinh hoa trong lịch sử, văn hóa của một dân tộc. Từ những hình ảnh mang tính tín ngưỡng như vũ trụ, thần linh, cho đến đời thường như hạt lúa, cây ngô (bắp), dòng sông, cây nêu, nhà rông… đều được tái hiện qua từng sợi chỉ, mũi thêu. Ðội ngũ thiết kế của theMay là những người trẻ được đào tạo bài bản về mỹ thuật và thời trang, luôn cố gắng để ứng dụng chất liệu này sao cho hợp xu hướng mà vẫn không mất đi hồn cốt riêng. Các bộ sưu tập trang sức được đặt tên đặc trưng, kèm theo những diễn giải cụ thể về nguồn gốc, ý nghĩa của hoa văn, kể lại những câu chuyện cổ xưa hoặc gửi gắm quan niệm của đồng bào dân tộc.

Chẳng hạn như "Pô Inư Nagar" - nữ thần tạo dựng xứ sở Chăm-pa và là tổ nghề dệt thổ cẩm trong truyền thuyết Chăm (Ninh Thuận), hoặc "Mặt trăng và mặt trời" - họa tiết đặc trưng của thổ cẩm Ba-na (Gia Lai) phản ánh triết lý âm dương song hành… Từ những thông điệp như vậy, khách hàng phần nào hiểu thêm về sản phẩm mình sử dụng, trân trọng nét đẹp đa dạng của các dân tộc Việt Nam, cũng như có thể tự hào khi mang đi giới thiệu, biếu tặng. Sản phẩm của theMay cũng được chú ý khi xuất hiện trên các tạp chí thời trang, các buổi trình diễn áo dài. Thanh Vân chia sẻ: "Thông qua thời trang, tôi mong mọi người biết đến nhiều hơn, từ đó tự hào và trân quý những chất liệu đẹp và giàu tính văn hóa của Việt Nam". Hiện tại, theMay có một cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, bán hàng trực tuyến trên nhiều kênh thương mại điện tử và mạng xã hội phổ biến.

Sử dụng các chất liệu thủ công truyền thống để tạo ra các sản phẩm thời trang, gia dụng là một xu hướng không mới nhưng đáng mừng và đáng khích lệ, bởi nó góp phần tạo đầu ra ổn định cho làng nghề, giúp người dân có thêm thu nhập và gắn bó với nghề. Trước đây, thường các dự án bảo tồn đều do ngành văn hóa hoặc các địa phương thực hiện, hoặc phối hợp với các tổ chức văn hóa - xã hội phi chính phủ chuyên hỗ trợ cộng đồng, thì đến nay đã có thêm sự tham gia từ nguồn nhân lực trẻ, với cách tiếp cận cũng như lan tỏa đều mới mẻ. Hành trình mà Thanh Vân đang đi, cũng như nhiều chủ thương hiệu đồ thủ công khác, còn rất dài và chông gai, nhưng sẽ luôn được tiếp sức bởi những giá trị đẹp đẽ, nhân văn.


MỸ HẠNH/NHANDAN.COM.VN

https://nhandan.com.vn/vanhoa/khoi-nghiep-voi-chat-lieu-nghe-truyen-thong-641128/

  • Từ khóa