Chiều cao nam thanh niên Việt tăng 3,7cm sau 10 năm, trung bình hơn 168cm

Thứ 5, 15.04.2021 | 14:41:41
1,121 lượt xem

Sáng 15/4, Viện Dinh dưỡng công bố kết quả điều tra dinh dưỡng, cho thấy có sự thay đổi mạnh mẽ chiều cao người Việt. Theo đó, nam thanh niên 18 tuổi đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm.

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2019- 2020) cho thấy sau 10 năm, chiều cao người Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, điều tra cũng thấy gia tăng nhanh chóng tỉ lệ béo phì ở trẻ em, đặc biệt trẻ em thành phố ở ngưỡng báo động.

"Cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đánh giá các Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng, giai đoạn 2011-2020 và đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm phục vụ cho việc soạn thảo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong giai đoạn tiếp theo", GS Tuyên nói.

Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam

Chiều cao nam thanh niên Việt tăng 3,7cm sau 10 năm, trung bình hơn 168cm - 1

Việc can thiệp dinh dưỡng, vận động ngay từ nhỏ đã giúp chiều cao thanh niên Việt có sự chuyển biến mạnh mẽ (ảnh minh họa).

Theo GS Tuyên, với kết quả điều tra này cho thấy đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi về chiều cao. Theo đó, năm 2020, chiều cao đạt được của nam thanh niên 18 tuổi đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010: 154,8cm).

Tiêu thụ thịt tăng nhanh, ăn rau còn ít

Kết quả điều tra cũng cho thấy, năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/ người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, Lipid, và Glucid (2020) là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016).

Tuy nhiên, mức ăn rau quả của người dân còn thấp dù mức này đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020).

Mức tiêu thụ rau quả hiện mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; từ 84,0g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).

Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm và việc sử dụng nước ngọt, thức ăn nhanh tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng.

19,6% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% - mức <20% - được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Như vậy, tiếp nối kỳ tích giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em <5 tuổi xuống còn 19,9% vào năm 2008 (tức là Việt Nam đã về đích trước 7 năm so với chỉ tiêu mà Mục tiêu Thiên niên kỷ - MDGs - đặt ra đến năm 2015), thì đến nay Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% SDD thấp còi trẻ em đến năm 2025).  Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi; ở các vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn ở mức cao.

Báo động béo phì tuổi học đường (5-19 tuổi)

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Tuy nhiên, tỉ lệ béo phì, thừa cân gia tăng rất nhanh ở nhóm tuổi này. Theo đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì năm 2010 là 8,5% đã tăng lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng đợt này cũng cho thấy đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng và thiếu máu đã ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (riêng phụ nữ có thai tỷ lệ thiếu máu ở mức trung bình). Giảm tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng (2010 - 2020). Nhưng tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em; bà mẹ...).

Về thiếu kẽm: Trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58,0%, ở phụ nữ có thai giảm xuống 63,5% nhưng vẫn ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới.

Tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc (67,7%) và Tây Nguyên (66,6%) và còn cao hơn ở đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (81,9%) và Tây Nguyên (63,9%).

Đặc biệt ở khu vực thành phố 5 năm qua (2015-2020) tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (49,6%) và hầu như không cải thiện. 

Về thiếu Vitamin A:  Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi trên cả nước giảm nhẹ (9,5%), tỷ lệ này vẫn cao nhất ở khu vực Miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây nguyên (11,0%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5-9 tuổi (4,9%) ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Can thiệp uống viên nang vitamin A liều cao đã được triển khai nhiều thập kỷ qua nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng tuổi vẫn còn ở mức nhẹ và giảm chậm trong những năm gần đây.

Về thiếu máu: Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng trên cả nước giảm nhẹ 19,6%, tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía bắc (23,4%) và Tây nguyên (26,3%); Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em 5-9 tuổi (9,2%); ở trẻ em 10-14 tuổi (8,4%), đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tăng gấp đôi tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Kết quả điều tra cho thấy có sự cải thiện đáng kể tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn, tăng từ 19,6% (năm 2010) lên 45,4% (năm 2020); trong đó ở khu vực thành thị tỷ lệ này là 55,7%, nông thôn là 40,3% và nông thôn miền núi là 42,7%.

Kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm

Tỷ lệ người dân có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm có cải thiện rõ rệt: 35,8% số người trả lời có kiến thức tốt; 55,6% có kiến thức trung bình và chỉ 8,6% có kiến thức kém. Về xử lý ngộ độc thực phẩm: 78,0% số người trả lời lựa chọn đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị so với 44,9% năm 2010; tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống về ATTP cũng tăng gấp hai lần so với điều tra năm 2010.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tổng Điều tra Dinh dưỡng lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia với sự tham gia của 22400 hộ gia đình tại 25 tỉnh thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái; thực hiện thu thập đồng thời các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn cá thể, cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.


Hồng Hải/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/chieu-cao-nam-thanh-nien-viet-tang-37-cm-sau-10-nam-trung-binh-hon-168-cm-20210415105734991.htm

  • Từ khóa